Thủ tục nhiêu khê, người nước ngoài "chùn chân"
Trong khi thị trường
bất động sản Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, nhiều căn hộ xây xong nhưng không có người mua thì có một nghịch lý là những người có điều kiện tài chính để mua nhà ngay (như người nước ngoài, Việt kiều) lại không thể mua được do rào cản pháp lý trong nước.
|
Nhiều người nước ngoài cho rằng, mua nhà ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn. |
Để được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam cần những điều kiện rất khắt khe nên nhiều người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam có đủ khả năng tài chính để mua nhà song vẫn phải ở thuê. Trường hợp của anh JaSon (Quốc tịch Malaysia), hiện là Giám đốc công ty Ge Shen (Khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương) là một ví dụ.
|
Anh JaSon, một người nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện để mua nhà. |
Tâm sự với PV Kiến Thức, anh JaSon cho biết, anh sang Việt Nam kinh doanh từ năm 2010. Do làm việc ở đây lâu dài nên anh muốn mua một ngôi nhà để ở. Tuy nhiên đến nay, anh vẫn phải ở nhà do công ty thuê bởi nhiều thủ tục pháp lý hiện hành khiến việc sở hữu một ngôi nhà của anh tại Việt Nam rất khó khăn.
“Tôi có ý định mua nhà ở Việt Nam. Theo quy định hiện hành mà tôi tìm hiểu, để sở hữu được bất động sản tại Việt Nam là điều rất khó khăn. Muốn sở hữu một căn nhà phải đáp ứng đủ một trong số các điều kiện như phải có thẻ thường trú một năm trở lên; phải là người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có bằng đại học; kết hôn với công dân Việt Nam; có đóng góp cho đất nước Việt Nam và được Chủ tịch nước tặng Bằng khen... Tuy nhiên, khi tôi có đủ một trong số các điều kiện trên thì việc mua nhà cũng không hề đơn giản”, anh JaSon cho biết.
“Mong muốn của tôi cũng như nhiều người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam là có thể mua một căn nhà. Hiện tôi có bạn gái tại Việt Nam và chúng tôi muốn mua nhà xong mới kết hôn nhưng không hề đơn giản, thế nên có lẽ chúng tôi phải tính nước kết hôn xong rồi mới mua nhà thì mới thuận lợi hơn", anh JaSon nói.
Để mua được một căn nhà, không ít người nước ngoài phải tìm lối thoát là kết hôn với người Việt Nam. Trường hợp của anh Lee, quốc tịch Malaysia, hiện làm kỹ sư cho một doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam là một ví dụ.
“Tôi đã chọn một căn hộ tại Khu đô thị tại Cầu Giấy, Hà Nội nhưng khi làm thủ tục còn thiếu một số điều kiện. Ngay cả khi nhờ vợ ở Việt Nam thì vấn đề thủ tục vẫn không hết nhiêu khê. Nhiều bạn bè tôi là người Malaysia đang sinh sống tại Việt Nam cũng khó khăn trong việc mua nhà do gặp rất nhiều rào cản về thủ tục như đi hợp thức hóa lãnh sự, công chứng…. Hơn nữa, khi đứng tên họ lại không được thế chấp, không được sở hữu như người Việt nên họ nản, không muốn mua nhà dù có đủ điều kiện”, anh Lee cho biết.
Nới lỏng thủ tục nhưng phải thận trọng
Trao đổi với PV
Kiến Thức,
Luật sư Trần Đình Triển nhận định, việc người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam hiện được nêu trong Quy định về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài theo Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội. Theo nghị quyết thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm nhiều điều kiện như: Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó;Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương, Huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định; Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu; Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư không có chức năng kinh doanh bất động sản, có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở…
|
Luật sư Trần Đình Triển. |
“Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… có cơ chế cho người nước ngoài mua nhà ở nước họ với các quy định chặt chẽ. Việt Nam cũng cần phải cởi mở về mặt đất đai với người nước ngoài sinh sống và có đủ điều kiện cần thiết tại Việt Nam để họ được sở hữu nhà nhưng cần giảm bớt các thủ tục”, Luật sư Trần Đình Triển nêu ý kiến.
Tuy nhiên, Luật sư Triển cũng đưa ra nhận định: "Chúng ta cũng nên thận trọng, đề ra quy định phù hợp tránh tình trạng người Việt Nam không có nơi để ở, trong khi người nước ngoài lại được sở hữu nhiều nhà ở Việt Nam. Không để tình trạng người ta lợi dụng việc này vì liên quan đến Luật pháp về phòng chống rửa tiền. Nếu tạo điều kiện mà không có quy định chặt chẽ, để kẽ hở thì sẽ nảy sinh tiêu cực.
Liên quan đến vấn đề này, tại kỳ họp thứ 7 diễn ra hồi tháng 6, qua thảo luận, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định của dự án Luật Nhà ở sửa đổi về việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên, cần đánh giá việc thực hiện chính sách đã ban hành cũng như nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong khu vực để bảo đảm tính khả thi.