Mới đây trên một số báo, ông Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, mỗi năm người dân chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài cho con em học tập. Cụ thể, mỗi suất học học tập ở nước ngoài phải chi phí tối thiểu 10.000 - 15.000 đô la/năm. Trong khi đó, theo số liệu thống kế của Bộ GD - ĐT, trong năm học 2011 – 2012 có hơn 106. 000 học sinh, sinh viên đi học tập ở nước ngoài. Nhân con số này với chi phí một suất du học sẽ cho thấy mỗi năm, người Việt Nam phải chuyển ra nước ngoài ít nhất 1 - 1,5 tỷ USD. Theo ông Giang, để khuyến khích học sinh, sinh viên học tập ở trong nước, các cơ sở đào tạo phải nâng cao chất lượng.
Một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, để ngăn chặn dòng chảy này, ngành giáo dục trong nước nên có kế hoạch nhân rộng, phát triển chất lượng đào tạo các trường quốc tế ở Việt Nam.
|
Mỗi năm người dân Việt Nam chi hơn tỷ đô la cho việc đi học ở nước ngoài?. (Ảnh minh họa)
|
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT, con số 1,5 tỷ USD là một con số lớn, bằng một nửa số gạo của Việt Nam xuất khẩu một năm, là công sức của hơn 10 triệu nông dân quần quật quanh năm. Đây là một thất thoát nguồn thu lớn cho các cơ sở đào tạo trong nước. Tuy nhiên, do chất lượng giáo dục của ta còn yếu kém, những quy định về thi cử mang tính áp đặt, gò bó khiến một số người chạy sang nước ngoài học dù chi phí cao gấp nhiều lần học trong nước.
Đồng tình với ý kiến nên phát triển hệ thống trường quốc tế trong nước, đẩy mạnh hình thức du học tại chỗ để hạn chế chi phí, ông Nhĩ cho rằng đây là một xu thế đang thịnh hành ở các nước Đông Nam Á, nó giúp người dân đất nước đó tiết kiệm được rất nhiều.
“Chi phí cho một suất du học nước ngoài có thể lo được cho 4 suất du học tại chỗ. Nếu chất lượng giáo dục trong nước đảm bảo, tạo được uy tín trong xã hội thì sẽ không có việc người và tiền chạy sang nước ngoài”, ông Nhĩ nói.
Không chỉ giữ chân học sinh trong nước ở lại học, ông Nhĩ cho rằng, nên cải cách chất lượng giáo dục để thu hút người nước ngoài vào học. Muốn vậy, giáo dục phải thay đổi cả chất lượng và những quy chế thi cử phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Đồng thời phải triển khai việc giảng dạy bằng tiếng Anh, công nghệ thông tin …
Tuy nhiên, với một số ngành nghề nước ta chưa đầu tư được thì nên tạo điều kiện cho ra nước ngoài học tập, nhất là với đối tượng nghiên cứu sinh, nhưng cần phải tính toán hợp lý.
“Giáo dục của ta hiện đang thắt chặt đầu vào và nới lỏng đầu ra. Xu hướng này đi ngược với định hướng của nhiều nước trên thế giới là nới lỏng đầu vào và thắt chặt đầu ra. Đây chính là lý do khiến lượng học sinh nước ngoài đến Việt Nam học còn ít”,
Trao đổi với Kiến Thức, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT) cho rằng, con số mà Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp Nguyễn Trường Giang đưa ra chỉ là ước lượng, tương đối chứ không chính xác 100%. Con số này chỉ đưa ra để phân tích chứ không phải số liệu thống kê. Ngay cả con số tổng học sinh, sinh viên đang học tập ở nước ngoài cũng không thật chính xác vì đó chỉ là số liệu do đại sứ quán và các trường nước ngoài cung cấp. Hơn nữa, chi phí học tập ở mỗi nước cao thấp nên không thể tính bổ đều rồi nhân lên như vậy
“Khoản tiền này dù có lớn đi chăng nữa thì cũng không thể cấm được họ vì các gia đình có điều kiện thì cho con đi học để hưởng môi trường, cơ sở vật chất học tập tốt chứ không hẳn do chất lượng đào tạo trong nước kém. Hơn nữa, nhiều nước tiên tiến như Anh, Mỹ cũng cho con đi học nước ngoài chứ không chỉ riêng Việt Nam. Đi học tập, nghiên cứu sinh ở nước ngoài cũng là điều kiện để học viên có cơ hội giao lưu học hỏi với cách dậy, cách học ở nước bạn”, ông Vang nói tiếp.
Trong số hơn 100.000 người đang học tập ở nước ngoài, ông Vang cho biết, gồm nhiều thành phần: từ học THPT đến CĐ, ĐH và sau ĐH. Trong số đó, có khoảng 10% học sinh được hưởng học bổng toàn phần.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU