Hải Phòng gửi văn bản “ưu tiên” Techcombank: Chuyên gia kinh tế nói gì?

Google News

(Kiến Thức) - Liên quan tới việc UBND TP Hải Phòng gửi văn bản “ưu tiên” Techcombank, các chuyên gia kinh tế và dư luận đang đặt câu hỏi: có lợi ích nhóm hay không?

Mới đây, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc UBND TP Hải Phòng gửi văn bản “ưu tiên” Techcombank với mục đích “chỉ đạo” các sở, ban ngành, đơn vị quận huyện… mở tài khoản, gửi tiền, thực hiện giao dịch qua hệ thống Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Hai Phong gui van ban “uu tien” Techcombank: Chuyen gia kinh te noi gi?
 
Hai Phong gui van ban “uu tien” Techcombank: Chuyen gia kinh te noi gi?-Hinh-2
 
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, các doanh nghiệp khi tham gia vào nền kinh tế thị trường đều phải chấp nhận sự cạnh tranh khốc liệt và tuân thủ luật chơi theo luật pháp đã quy định. Việc cơ quan quản lý nhà nước mà ở đây là UBND thành phố Hải Phòng buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định (trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật) là việc làm vi phạm Luật Cạnh tranh. Việc UBND thành phố Hải Phòng “thiên vị”, ưu tiên đối với Ngân hàng Techcombank có thể được xem là chuyện thiếu công bằng.
Văn bản này sẽ tác động không nhỏ vào thị trường gây thiệt hại cho các doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh khác trên địa bàn tỉnh. Và quan trọng hơn nữa, khách hàng cũng sẽ chịu thiệt nếu ngân hàng không nâng cao chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn, khi tất cả công nhân viên chức trên địa bàn tỉnh đều mở tài khoản lương tại ngân hàng này thì đến kỳ trả lương có thể bị quả tải, việc rút tiền lương tại các cây ATM của ngân hàng này trên địa bàn tỉnh có thể không được suôn sẻ như trước, còn nếu khách hàng rút ở máy ATM của ngân hàng khác thì sẽ mất phí cao hơn...
Tuy nhiên, trên lý thuyết mà nói thì như vậy, nhưng thực tế muốn xử phạt một đơn vị, tổ chức hay cá nhân nào trong vụ việc này thì không dễ bởi Luật Cạnh tranh ở nước ta vẫn còn một số kẽ hở. Nếu văn bản UBND thành phố Hải Phòng gửi các sở, ngành... yêu cầu dùng các dịch vụ của Techcocmbank nhưng trong văn bản không nói bắt buộc mà dùng các từ như “ưu tiên”, “xem xét ưu tiên”... thì cũng khó xử phạt được họ.
Thực ra, việc một cơ quan nhà nước ngầm thỏa thuận hợp tác với một ngân hàng và yêu cầu các đơn vị trực thuộc, cấp dưới của mình sử dụng các dịch vụ của ngân hàng đó không phải là chuyện hiếm, chỉ có điều họ thỏa thuận ngầm, thỏa thuận miệng chứ không qua văn bản.
Trường hợp UBND tỉnh Hải Phòng ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Techcombank chỉ đúng luật và hợp lý, hợp tình khi phía ngân hàng hỗ trợ, đầu tư vào một số công trình phúc lợi, xã hội, từ thiện cho tỉnh này. Khi đó, UBND thành phố Hải Phòng có lý do chính đáng để kêu gọi, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị trực thuộc và cấp dưới sử dụng các dịch vụ của Techcombank, tuy nhiên với điều kiện giá các dịch vụ của ngân hàng này phải ngang với mặt bằng chung của giá dịch vụ các ngân hàng khác và chất lượng đảm bảo tốt như nhau.
Dù thực tế thế nào đi nữa và các bên liên quan có vi phạm luật, có bị xử phạt hay không thì trong trường hợp này, điều chúng ta thấy rõ nhất là uy tín của thương hiệu Techcombank cũng như uy tín của lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Chắc chắn dư luận không thể không đặt câu hỏi rằng có hay không lợi ích nhóm trong việc UBND thành phố Hải Phòng ban hành văn bản ưu ái cho Techcombank?
Về phía Techcombank, cách đây gần 1 năm, ngân hàng này cũng dùng chiêu “ký kết thỏa thuận hợp tác” này với chính quyền tỉnh Quảng Ninh để cạnh tranh với các ngân hàng khác. Sau đó, khi truyền thông, báo chí và một số ngân hàng lên tiếng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã buộc phải rút lại văn bản chỉ đạo trái luật kia. Bây giờ sự việc tương tự lại xảy ra với “người anh em” của Quảng Ninh là tỉnh Hải Phòng.
Như cậy, khách hàng sẽ đặt câu hỏi tại sao ngân hàng không cạnh tranh, thu hút khách bằng những hình thức minh bạch khác như đa dạng hóa các dịch vụ, đổi mới công nghệ, đưa ra các chương trình khuyến mãi, khẳng định sự tiện ích, an toàn và hiệu quả mà phải đi dùng chiêu “ký kết thỏa thuận hợp tác” với các nơi như vậy?
Trong văn bản số 3470/UBND-DN của UBND TP Hải Phòng, ban hành ngày 17/7/2015 gửi Thủ trưởng các Sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các quận huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập; các Ban Quản lý dự án thuộc thành phố; các doanh nghiệp trên địa bàn, nêu rõ: “Ngày 31/3/2015, UBND TP Hải Phòng đã ký Thỏa thuận hợp tác Techcombank, song “việc triển khai còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác và yêu cầu trong Thỏa thuận hợp tác”.
Để thực hiện tốt hơn nữa thỏa thuận hợp tác, UBND TP Hải Phòng yêu cầu: Đối với việc trả lương qua tài khoản: Giám đốc các Sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, UBND các quận huyện trên địa bàn thành phố “xem xét ưu tiên” thực hiện việc mở tài khoản thanh toán tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình (tài khoản ATM) tại Techcombank. Thời gian hoàn thành trong Quý III/2015.
Đối với các Quỹ thuộc thành phố quản lý: UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm báo cáo đầy đủ số dư tại thời điểm 30/6/2015, của các Quỹ do thành phố quản lý theo quy định không phải gửi tại Kho bạc Nhà nước (bao gồm cả các tổ chức hội, đoàn thể thuộc thành phố). Thủ trưởng các ngành, đoàn thể, đơn vị quản lý Quỹ có trách nhiệm mở tài khoản giao dịch tại Techcombank của các Quỹ đã được Sở Tài chính báo cáo. Thời gian hoàn thành trong tháng 8/2015.
Đối với các ban quản lý dự án do TP quản lý: Yêu cầu tập trung chuyển ngay tài khoản về giao dịch thanh toán và trả lương tại Techcombank”, thời hạn thực hiện trong tháng 8/2015.
Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố: Thành phố kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tích cực ủng hộ tham gia triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa UBND TP với Techcombank (trả lương qua tài khoản và giao dịch thanh toán).
Minh Hiếu

Bình luận(0)