Giáp mặt Tuyết “lửa” - khắc tinh của các "trùm" buôn lậu

Google News

(Kiến Thức) - Đó là biệt danh mà dân buôn lậu thực phẩm bẩn kháo nhau khi nói về chị Đặng Thị Tuyết, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật (KDĐV) Thủ Đức, TPHCM.

Chủ hàng thường "làm luật"
Cuối năm thực phẩm bẩn tràn vào thành phố rất nhiều nhưng lực lượng cán bộ tương đối mỏng, làm cách nào để chị nắm tình hình nhanh và chính xác?
Chủ trương của thành phố nhiều năm nay chú trọng vào việc ngăn chặn thực phẩm không có nguồn gốc tuồn vào thành phố gây nguy hại cho người tiêu dùng nên áp dụng biện pháp dán số điện thoại, đường dây nóng của chi cục thú y lên các xe khách. Về nguyên tắc, cán bộ các trạm có quyền yêu cầu việc dừng để kiểm tra bất kỳ xe nào có nghi ngờ. Tuy nhiên, việc làm này là không xuể bởi xe thì nhiều mà dân buôn lậu này cũng rất tinh vi. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông cũng hỗ trợ thường xuyên cho các chi cục thú y các quận huyện.
Cụ thể cảnh sát giao thông sẽ làm gì?
Cảnh sát giao thông khi phát hiện những xe chở hàng có nhiều nghi ngờ thì lập tức gọi về các chi cục gần nhất thông báo cho cán bộ chi cục để kịp thời xử lý, cụ thể họ sẽ báo số xe, xe loại nào, lộ trình đi, xuất phát lúc nào. Nhờ sự phối hợp này mà cán bộ thú y ngăn chặn được nhiều xe hàng lậu vận chuyển hàng tấn thực phẩm thối, hỏng không nguồn gốc.
Chủ xe và chủ hàng phản ứng như thế nào khi bị phát hiện, thưa chị?
Có ai khi vi phạm mà thừa nhận là mình sai đâu, phải chối quanh co chứ. Đến khi nào chối không được nữa thì mới nhận nhưng trường hợp này tôi gặp nhiều lắm rồi. Tài xế thì nhận mình vô tội và chỉ chở thuê mà không biết là chở gì, chủ hàng thì dạ vâng em mới làm lần đầu nên không hiểu lắm, xin tha lần này. Năn nỉ cán bộ mãi không được họ ra giá thẳng, nếu lô hàng trị giá ba trăm triệu đồng thì họ nói sẵn sàng chung tiền tươi từ 50 - 70 triệu đồng để không bị lập biên bản và tiêu hủy. Họ ra giá và làm luật với cán bộ hoài đấy chứ.
Chị Đặng Thị Tuyết, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật (KDĐV) Thủ Đức, TPHCM. 
Chửi bới, đe dọa là bình thường
Với những chủ hàng sừng sỏ hay làm luật, chị giải quyết thế nào?
Từ bản thân mình phải nói không trước những cám dỗ và cạm bẫy, số tiền thu lợi bất chính nó nhiều hơn số tiền lao động chân chính nhiều nên người ta dể bị mờ mắt. Mà mờ một lần thì lần sau lại tiếp tục sai phạm. 
Chị và các cán bộ chi cục cũng quen với việc ấy?
Làm việc mà, mình làm đúng thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác nên họ bức xúc, lúc bức xúc thì họ chửi để xả sự bực tức. Các anh em ở trạm nghe chửi riết rồi cũng lấy làm quen, họ chửi xong thì đi. Không những chửi họ còn nhắn tin đe dọa giết tôi và gia đình hoặc sẽ làm cho hai đứa con tôi bị thương. Đôi khi cũng lo lắng nhưng nghĩ kỹ lại thì chắc không ai muốn hại người để vào ngồi tù, mình cứ nghĩ tốt đi rồi mọi chuyện sẽ tốt. 
Nhìn vào cuộc sống, mỗi người chúng ta đều có người thân, nếu người thân ăn phải thức ăn phải sinh bệnh hoặc ngộ độc thì chắn chắn chúng ta sẽ rất lo. Đằng này là sự an toàn của cả ngàn người nên dù có bị chửi thế nào thì cũng ráng mà chịu, tôi kiên quyết và cứng rắn xử lý nên các chủ hàng kháo nhau: Gặp mụ "Tuyết lửa" là khỏi xin xỏ. Không biết từ khi nào tôi có thêm biệt danh Tuyết "lửa".
Quy trình thực hiện nhiệm vụ cũng còn có những trở ngại?
Chúng tôi có trách nhiệm kiểm tra thực phẩm phải xuất trình được nguồn gốc hàng hóa, thời hạn sử dụng, nơi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Tuy nhiên, có những trở ngại như số hàng vận chuyển lậu được chở trong đêm đến các chợ đầu mối, khi cán bộ thú y phát hiện lập biên bản thì ban đêm ban quản lý chợ không làm việc đành phải đợi đến sáng. Đến sáng đợi cho đủ ban bệ thì mất nhiều thời gian mới xong quy trình lập biên bản rồi đưa đi xử lý. Đó là chưa nói đến chuyện giữa khuya bị chủ hàng rượt đuổi hoặc hành hung. 
Nói chung, những người làm ở trạm như chúng tôi vất vả ngăn chặn những lô hàng lớn thì các cán bộ thú y đóng tại các chợ dường như không có giờ giấc, phải làm từ khuya đến sáng vì những chủ lò mổ mang thực phẩm đến cán bộ kiểm tra đạt chất lượng mới cho thông quan.
Chị Đặng Thị Tuyết đang kiểm tra thực phẩm.
Làm giả giấy tờ trốn đóng phạt
Khi bị phát hiện, lập biên bản và nộp phạt tiền tiêu hủy thực phẩm mất bao lâu?
Nó phụ thuộc vào chủ hàng có hợp tác tốt hay không, với những lô hàng năm ba tấn thì trong vòng một tuần hoặc kéo dài tới một tháng. Tôi nhớ năm 2012, Trạm KDĐV Thủ Đức bắt một lô hàng lớn 20 tấn gồm chân gà và nầm heo đã bốc mùi được chuyển từ Hải Phòng vào. Sau khi lập biên bản và đưa đi tiêu hủy thì chi phí để hủy 20 tấn hàng thực phẩm này là 100 triệu đồng, thấy chi phí quá lớn chủ xe bỏ giấy tờ và làm lại sổ đăng kiểm giả để trốn đóng số tiền này. 
Qua theo dõi, lực lượng CSGT phát hiện xe vẫn chạy nhưng có hai sổ đăng kiểm, vậy là chủ hàng lại bị phạt thêm một lần nữa và lần này không thể trốn. Phải mất gần năm tháng để truy thu số tiền cũng như ngăn chặn và phạt hành vi làm giả giấy tờ xe của chủ hàng này.
Ngoài ra, chị có còn gặp nhiều sự lách né khác?
Nhiều lắm chứ, buôn lậu mà, cái nào lợi nhuận càng nhiều thì hành vi càng tinh vi. Nếu những xe khách đã bị chú ý thì các chủ hàng này liên kết với nhau sắm hẳn xe đông lạnh để vận chuyển. Họ cũng không dại gì chở cả xe đầy qua các trạm cho bị chú ý mà xuống hàng từ từ ở từng chặng ngoài thành phố, chia nhỏ các điểm nhận hàng ra rồi mướn xe nhỏ chở rải rác vào giao. Nếu chỗ này bị bắt thì còn chỗ kia nên công việc chống thực phẩm bẩn cũng cam go lắm.
Xin cảm ơn chị.
Tôi nói với họ là tôi làm việc dựa trên tám chữ: "Công khai, đúng luật, trung thực, chính xác" và chỉ cho họ thấy khẩu hiệu của đơn vị. Biết không thể xoay chuyển được nên họ tỏ ra chấp hành, nhưng khi biên bản hồ sơ lập xong và hai bên đã ký thì họ chửi như tát nước vào mặt, những gì là xấu nhất thì họ mang ra chửi.
Quỳnh Anh (Thực hiện)

Bình luận(0)