Trượt 71,4% chẳng có nghĩa lý gì
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương mới đây, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong đợt thi tuyển cán bộ công chức của tỉnh vừa rồi, do được tổ chức “tuyệt đối bí mật và khách quan” nên đã có 71,4% (trong tổng số 419 thí sinh) bị trượt. Con số này gợi cho ông suy nghĩ gì?
Tỷ lệ bị loại mà ông chủ tịch tỉnh đưa ra tôi cho rằng chẳng có nghĩa lý gì.
Ông đang khắt khe quá?
Thực ra, đã thi thì phải có người trượt chứ. Trong trường hợp chỉ tiêu của tỉnh lấy vào 120 người mà trong số 419 thí sinh không có ai đỗ thì mới gọi là thi chặt chẽ, chứng tỏ nguồn nhân lực đầu vào chất lượng không cao. Đằng này, anh vẫn lấy đủ chỉ tiêu 120 người thì dù có thi nghiêm chỉnh hay không, việc có người bị trượt là đương nhiên. Còn chất lượng thi ở chỗ tỉnh có chọn được người đáp ứng nổi các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức phù hợp với vị trí công việc đang thiếu hụt hay không. Điều đó phải qua sử dụng (thử việc) mới đánh giá được.
Nhưng dù sao thì việc tổ chức thi tuyển cũng thể hiện sự tiến bộ trong việc lựa chọn nhân sự, thưa ông?
Đương nhiên, tổ chức thi tuyển có ưu điểm khi chọn trong số đông để lấy số ít. Càng đông thì càng có điều kiện để lựa chọn. Nó là cách làm tốt đấy. Có điều ở việc triển khai như thế nào thôi.
|
GS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính. |
Đụng đến cái gì cũng lôi quy trình
Tôi có người thân từng thi công chức. Trước khi thi, bạn bè, người quen thường hỏi: Có ai “đỡ đầu” không? Có người quen không? Dường như, việc thi tuyển hiện nay vẫn bộc lộ vấn đề là thi đấy nhưng kết quả được “ngắm” rồi. Ông có thấy thế?
Chứ sao nữa! Nói rằng tổ chức thi tuyển thì gọi là cho có, về mặt logic hình thức tưởng như sẽ chọn được người tài, người có năng lực. Nhưng thực ra, không hoàn toàn vậy đâu. Cũng khó đánh giá rằng kết quả đạt được là hoàn toàn thực chất.
Nhưng rõ ràng, quy trình thi tuyển đã rất cụ thể?
Tôi đồng ý quy trình rất chặt chẽ, rõ ràng, để rồi đụng đến cái gì cũng lôi quy trình ra, chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cả vì cái gì cũng đúng quy trình. Cách chọn công chức hiện nay dù được tổ chức thi tuyển đấy, cũng đã khắc phục được tiêu cực trắng trợn là xếp những người thuộc diện gửi gắm, thân quen vào một phòng hay thậm chí làm lộ đề, nhưng vẫn còn hạn chế vì bây giờ người ta đã rút vào kín đáo hơn. Ví dụ, cho xem mặt chữ viết của thí sinh trước, hoặc báo là trong bài thi có lấy ví dụ ở địa phương nào đó... để làm “ám hiệu”. Khi chấm, gặp bài như thế thì sẽ được nương tay hơn mà chẳng có cách nào phát hiện. Vậy là đỗ.
Hóa ra, việc tổ chức thi tuyển cũng chỉ là “bình mới rượu cũ”, thưa ông?
Nói vậy cũng không hẳn đâu. Cũng có thể, người ta lấy cả người thực sự tài mà không thuộc diện thân quen. Nhưng hạn chế, tiêu cực như tôi chỉ ra vẫn chẳng dễ khắc phục ngay được.
Chưa thể thu hút người tài
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Đề án thực hiện thí điểm việc thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, phòng. Nói như ông thì có vẻ, để việc thi tuyển này thật sự thực chất là một vấn đề không hề đơn giản?
Đúng vậy. Trước hết, phải thừa nhận rằng cách làm này dù thí điểm nhưng nó là bước tiến bộ dài trong lịch sử nền quản lý nhà nước của chúng ta. Đó là xu hướng cải cách hành chính chuyển từ chế độ công vụ theo chức nghiệp sang chế độ công vụ theo vị trí việc làm, mà như vậy từng vị trí phải thi tuyển, kể cả lãnh đạo. Nó sẽ thu hút được người tài vào làm, khi có sự giao thoa giữa công và tư vì rất có thể một giám đốc ngân hàng tư nhân sẽ thi tuyển làm vụ trưởng vụ tài chính của một bộ nào đó. Tuy nhiên, việc làm này chắc chắn sẽ có khó khăn.
Những khó khăn đó là gì vậy?
Khi tuyển được người ta vào rồi thì chế độ đãi ngộ với họ thế nào? Bây giờ lương thấp quá, khó mà thu hút chứ đừng nói đến chuyện giữ chân người tài. Mà tôi đảm bảo, ta không nâng lương được đâu, vì quỹ lương của ta chỉ có thế mà đang phải trả cho quá nhiều người.
Rồi thì, rất có thể sẽ có những sự chống đối trong chính nội bộ cơ quan. Bởi vì, lâu nay cái tư duy “sống lâu lên lão làng” vẫn tồn tại. Người ta đang là phó phòng, theo cơ cấu sẽ lên trưởng phòng. Ấy thế mà đùng một phát tổ chức thi, một người ở đẩu ở đâu trúng vào vị trí trưởng phòng, quyền lợi bị ảnh hưởng thì người ta sẽ quay ra chống đối thôi.
Nói chung, nhiều vấn đề lắm. Đừng tưởng cứ tổ chức thi tuyển đã là tốt đâu.
Nhưng chẳng lẽ, người ta lại không lường được điều ông nói?
Tôi nghĩ là họ biết. Và tôi cũng tin họ có kế hoạch cụ thể để khắc phục những trở ngại ấy. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là phải tính toán cho thật kỹ.
Theo ông thì đâu sẽ là giải pháp căn cơ để việc thi tuyển cán bộ công chức, đặc biệt là các chức danh lãnh đạo đạt hiệu quả như mong đợi?
Ngoài giải pháp hoàn chỉnh thể chế, điều chỉnh mức lương (muốn vậy thì phải giảm biên chế và đồng thời giảm đối tượng hưởng lương từ ngân sách) thì trước hết, phải tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ công chức thấy rõ ưu điểm của chế độ công vụ theo vị trí việc làm, khắc phục được tư tưởng “sống lâu lên lão làng”. Khuyến khích cán bộ công chức phải quan tâm đến việc học tập để nâng cao trình độ, phục vụ cho việc thăng tiến. Đồng thời cũng phải giáo dục ý thức cho người dân để họ thấy rằng, nếu lấy người không đảm bảo năng lực vào cơ quan nhà nước sẽ ảnh hưởng tới xã hội, trong đó có chính bản thân họ.
Trân trọng cảm ơn ông!
“Nguyên tắc thi tuyển công chức phải công khai, minh bạch, khách quan. Vậy mà ông chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nói rằng ông chỉ đạo thi tuyển cán bộ công chức phải được “tổ chức tuyệt đối bí mật” thì không hiểu bí mật cái gì. Nói chung chung như vậy là không đúng đâu, vì có thể bí mật bài thi chứ không thể bí mật thời gian, địa điểm, vị trí cần tuyển... được”, GS Bùi Văn Nhơn.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đã thí điểm thi tuyển lãnh đạo như Hải Phòng, Quảng Ninh, TPHCM... cho dự thảo Đề án thực hiện thí điểm việc thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, phòng. Sau khi hoàn thiện đề án, Bộ sẽ trình xin ý kiến các ban Đảng, Chính phủ, trình Bộ Chính trị thông qua, sau đó tiếp tục thí điểm tại một số bộ, ngành, địa phương.