Chắc chắn sẽ giảm oan sai
- Theo ông, quyền im lặng của bị can có vai trò, ý nghĩa như thế nào?
Trong quá trình điều tra, để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, bên cạnh các biện pháp thu thập chứng cứ khác, còn có biện pháp lấy lời khai của người thực hiện hành vi phạm tội, trong tố tụng gọi là xét hỏi bị can. Lời khai của bị can có ý nghĩa rất lớn trong việc chứng minh tội phạm.
Tuy nhiên, trong luật cũng quy định lời khai của người làm chứng, của bị can, bị cáo chỉ được sử dụng làm chứng cứ khi phù hợp với các chứng cứ khác và thực tế khách quan. Nếu coi lời khai là biện pháp quan trọng nhất để thay cho các chứng cứ khác trong quá trình chứng minh tội phạm là sai lầm, song trong thực tế vẫn có những khuynh hướng sai lầm như thế.
Thứ hai, trong hỏi cung bị can còn xảy ra tình trạng thường thấy là bức cung, mớm cung, nhục hình. Vì thế, lời khai của những người này không phản ánh sự thật khách quan của vụ án, dẫn đến oan sai.
Từ những lẽ đó, trong tất cả các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ (kể cả hoạt động hỏi cung bị can) cần phải có mặt của luật sư. Đây là điểm mấu chốt và chỉ những bản hỏi cung có chữ ký của luật sư mới có giá trị pháp lý để chứng minh tội phạm. Đi kèm với quy định này thì bị can được quyền giữ im lặng cho đến khi luật sư có mặt và tư vấn cho họ.
- Như thế có nghĩa là khi áp dụng quyền này, chúng ta sẽ tránh được những oan sai?
Nên nhớ, quyền giữ im lặng chỉ là một trong những quyền con người ở lĩnh vực tư pháp. Do vậy nó cũng chỉ là một trong những yếu tố gây ra oan sai thôi, nhưng chắc chắn sẽ làm oan sai giảm.
- Vậy tại sao ta không áp dụng sớm quyền này, thưa ông?
Tôi nghĩ do nhiều yếu tố. Trước hết, vì nó liên quan đến quyền con người, mà quyền này cần phải có quá trình đấu tranh, thay đổi nhận thức mới nhận ra được. Thứ nữa, trước đây điều kiện, hoàn cảnh của ta chưa cho phép nên vẫn chưa thể áp dụng.
|
PGS Nguyễn Ngọc Chí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ pháp lý, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Đâu còn thời “quyền anh - quyền tôi”!
Ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao - (KSNDTC) cho biết trong cuộc thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Tổ chức tòa án (sửa đổi) rằng, cơ quan điều tra không muốn sửa luật theo hướng quy định quyền im lặng của bị can. Theo ông thì vì sao lại có chuyện này?
Câu của ông Viện trưởng Viện KSNDTC thì có lẽ tôi cũng tin được. Có thể trong hoạt động thực tiễn điều tra có những bị can rất ngoan cố, hoặc bên cạnh luật sư tác nghiệp tốt thì còn có những luật sư chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình cho nên họ mới có ý kiến như thế.
Nhưng nếu đề xuất đó có động cơ bảo vệ lợi ích của một ngành thì đó là điều không nên. Bây giờ đâu còn là thời của “quyền anh – quyền tôi” nữa, ngay luật tố tụng hình sự, luật tòa án cũng không phân chia quyền lực cho cơ quan này, cơ quan khác mà tất cả đều hướng tới giải quyết vụ án khách quan, không làm oan người vô tội mà cũng không được để lọt tội phạm kia mà.
- Ở một khía cạnh nào đó thì việc người ta ngại đưa quyền này vào trong luật cũng là điều dễ hiểu?
Đúng. Vì có thể, với những điều tra viên, họ sẽ “nhàn” hơn nếu không áp dụng quyền này. Nhưng tôi nói rồi, cần phải vì cái chung của xã hội chứ không thể chỉ nghĩ đến cái tiện lợi cho riêng mình, cho ngành mình mà bác đi cái quyền con người ấy.
- Có người lo ngại nếu luật hóa quyền này, nó sẽ tạo ra sự xung đột giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Ông thấy sao?
Bản thân việc giải quyết vụ án hình sự đã là một xung đột. Ở các nước coi việc giải quyết vụ án hình sự là giải quyết tranh chấp giữa bên buộc tội và bên gỡ tội chứ không phải là giữa cơ quan này với cơ quan khác. Do đó, tôi cho rằng, việc lo ngại có sự xung đột giữa các cơ quan tham gia tố tụng là hiểu sai và không nên có tư tưởng đó. Nếu có thì cần phải loại bỏ!
Phải thay đổi hệ thống chính sách
- Để luật hóa quyền im lặng thì hẳn cũng phải có những cơ sở nhất định. Theo ông thì ở ta đã có được những cơ sở ấy chưa?
Tôi cho rằng, việc nhận thức cần phải luật hóa quyền im lặng đã là bước đệm đầu tiên rồi. Dĩ nhiên, chúng ta còn nhiều rào cản và buộc phải tháo gỡ để quyền im lặng được thừa nhận và thực thi.
- Cụ thể, đó là những rào cản gì và làm như thế nào, thưa ông?
Thứ nhất là cơ chế pháp luật của mình chưa sẵn sàng với quy định này. Do đó, khi luật hóa quyền im lặng của bị can thì phải sửa một loạt quy định của pháp luật có liên quan, từ luật tổ chức, luật tố tụng đến luật nội dung (luật hình sự). Chẳng hạn, trong luật nội dung có quy định người thật thà khai báo thì được miễn giảm trách nhiệm hình sự, không khai báo thì nhận tình tiết tăng nặng. Khi quy định quyền giữ im lặng được phê chuẩn thì những quy định này cần phải bỏ.
Thứ hai là đội ngũ luật sư phải được tăng về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Cần phải bãi bỏ quy định về giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư.
Thứ ba, phải nâng cao nhận thức cho xã hội để bản thân người bị buộc tội nhận thức được quyền và trách nhiệm của mình. Rồi ngay cả đội ngũ điều tra viên cũng cần phải nâng cao kiến thức nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, đạo đức tác phong...
- Bây giờ mới bàn đến chuyện luật hóa quyền im lặng thì có bị coi là muộn?
Không bao giờ là muộn cả vì nhận thức là một quá trình, nó là một trong những quyền con người mà quyền này phải qua sự đấu tranh, phát triển của xã hội thì đến một lúc nào đó mới ghi nhận được. Đã đến lúc chúng ta cần phải đưa quy định bị can có quyền được giữ im lặng trước khi luật sư bào chữa cho họ đến để đảm bảo quyền con người, đồng thời đảm bảo việc tố tụng được thực hiện khách quan. Bây giờ không còn là lúc bàn chuyện “quyền anh, quyền tôi” nữa mà phải vì lợi ích chung của xã hội, đừng trì hoãn thêm việc đưa quyền này vào trong luật.
- Trân trọng cảm ơn ông!
“Quyền im lặng là một trong những nội dung của quyền con người, nó gắn liền với mô hình tố tụng tranh tụng, trong khi ở ta vẫn còn theo mô hình thẩm vấn. Do vậy, việc đưa một quyền tưởng như là điều bình thường này song thực chất nó sẽ thay đổi cả một mô hình tố tụng”.
“Theo xu hướng quá trình giải quyết vụ án hình sự thì phải hình thành hai bên rõ ràng là bên buộc tội và bên gỡ tội, đồng thời đảm bảo hai bên phải bình đẳng trong việc thu thập chứng cứ và lý lẽ để tranh tụng với nhau. Điều 103 Hiến pháp 2013 có quy định: Nguyên tắc tranh tụng tại tòa được bảo đảm. Muốn vậy, bên gỡ tội (luật sư) phải được tiến hành sử dụng một số biện pháp điều tra phù hợp để thu thập chứng cứ. Khi làm được như thế thì mới mong quyền im lặng của bị can khi thông qua sẽ thực thi đúng”.
PGS Nguyễn Ngọc Chí