Đóng phí đường bộ, đường vẫn hỏng... dân kiện được không?

Google News

(Kiến Thức) - "Không có chuyện người dân đi một con đường hỏng rồi bị tai nạn giao thông hoặc hư hỏng xe mà kiện đòi bồi thường", Luật sư Hoàng Ngọc Liệu cho biết.

Kiến Thức có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Ngọc Liệu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Lâm Đồng xung quanh việc thu phí bảo trì đường bộ vừa mới được thực thi cách đây vài ngày.

Khi người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ mà đường vẫn hư hỏng gây thiệt hại về người và tài sản thì có được khởi kiện đơn vị liên quan yêu cầu bồi thường không thưa ông?

Không có chuyện đó đâu. Vì theo cách giải thích của Bộ Giao thông Vận tải, thu phí đường bộ xong phải chờ 5-10 năm sau mới có đường tốt hơn. Lúc này, tiền phí đường bộ mới được sử dụng để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đường xá.

Khi đường bị hư hỏng, người ta cứ nghĩ đó là do phương tiện giao thông gây ra và tìm cách thu tiền sử dụng phương tiện để bù vào việc sửa chữa, nâng cấp đường. Thế nhưng, nguyên nhân ở đây là do chủ đầu tư làm con đường quá dở. Như vậy, chủ đầu tư phải bồi thường cho con đường này mới đúng.

 Luật sư Hoàng Ngọc Liệu

Theo ông, cách thu phí bảo trì đường bộ đối với người sử dụng phương tiện tham gia giao thông như hiện nay đã hợp lý chưa?

Việc thu phí ở đây là để bảo trì chứ không phải để làm đường mới. Việc sử dụng đường là đã có phí giao thông, phí qua trạm rồi. Bởi theo Nghị định 55 của Bộ Tài chính, anh nào đứng ra làm toàn bộ đoạn đường nào đó thì được thu phí đoạn đường đó. Tôi đã nộp tiền phí để được đi đường rồi, giờ lại bắt tôi phải nộp thêm phí bảo trì nữa là sao? 

Như vậy, người sử dụng ô tô phải đóng phí đến 2 lần. Tôi đang trả tiền cho anh làm con đường, đồng thời tôi lại phải trả tiền cho anh bảo trì con đường của anh đang quản lý. Điều đó cho thấy sự không hợp lý.

Hiện ông có xe con chưa?

Có rồi chứ.

Ông đã đóng phí chưa?

Tôi chưa vì tôi được giảm đến 6 tháng. Xe của tôi 6 tháng mới đi kiểm định một lần, trong thời gian đó, tôi thích đóng ngày nào cũng được, chứ không phải hễ thu là mình phải tập trung đi đóng. Một năm, tôi sẽ đóng hai lần hoặc đóng một lần cho cả năm cũng được và có thể đóng vào bất cứ thời điểm nào. Như xe của tôi, khả năng phải đóng 2.560.000 đồng vì xe của tôi không được đứng tên cá nhân mà phải đứng tên doanh nghiệp.

Dù như thế nào thì với quy định này, người sử dụng xe ô tô cũng không “thoát” được việc đóng phí bảo trì đường bộ. Cho dù xe mua trước ngày quy định này có hiệu lực, đến 2 năm mới phải đi kiểm định nhưng khi đi kiểm định vẫn phải đóng từ ngày 1/1/2013. 

Quy định này thu theo đầu xe, nên người sử dụng ô tô không thể “lách” chỗ nào được.

 Thu phí bảo trì đường bộ tại Lâm Đồng

Với tư cách là người sở hữu và sử dụng xe ô tô, ông thấy cách thu theo đầu xe có hợp lý không?

Quy định thu phí theo đầu xe là không công bằng, anh chạy ít cũng phải đóng như anh chạy nhiều, mặc dù trước đó họ có đưa ra ba phương án để lựa chọn là thu qua sử dụng xăng, thu qua trạm thu phí và thu trên đầu xe. Và cuối cùng là phương án thu theo đầu xe. Điều đó làm cho những xe chạy ít lại bị thiệt thòi nhiều, chậm chí tôi được biết có những chiếc xe gia chủ mua về rồi “trùm mền” cả năm, chỉ lấy ra chạy vài ngày lễ, Tết. Như vậy, họ vẫn phải đóng bằng những xe chạy liên tục, những xe chạy với mục đích kinh doanh. Rõ ràng là không công bằng.

Hiện, ông có thường xuyên sử dụng xe ô tô đi làm không?

Xe tôi có khi cả tuần mới chạy một lần. Những khi có công việc đi xuống huyện, đi xa tôi mới dùng xe ô tô. Thông thường đi làm việc trong thành phố tôi đi xe gắn máy cho tiện.

Ông nghĩ gì khi ngành chức năng giao việc thu phí bảo trì đường bộ của xe gắn máy cho tổ dân phố?

Lâm Đồng hiện chưa thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe gắn máy. Việc Bộ Giao thông Vận tải tính giao việc thu phí đường bộ đối với xe gắn máy cho tổ dân phố là việc làm rất "nguy hiểm". Bởi tổ dân phố không có người phụ trách việc này, hơn nữa phí này sẽ bị chia 5, sẻ 7, khi đưa vào phí bảo trì đường bộ thì không còn bao nhiêu cả.

Phí bảo trì đường bộ từ 1/1/2013 quy định: ôtô dưới 9 chỗ đóng 130.000 đồng/tháng; xe tải, xe chuyên dùng cao nhất là 1.040.000 đồng/tháng. Chủ xe đóng qua các lần đăng kiểm. Xe máy đóng 50.000 đồng/năm (dung tích dưới 100cm3), 100.000 - 150.000 đồng/năm (trên 100cm3). 

Theo Nghị định 71/2012, mức phạt tiền đối với chủ xe ôtô không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định là từ 6 – 10 triệu đồng;  chủ xe môtô, xe gắn máy không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định từ 800.000 – 1.200.000 đồng.

Ông Phạm Bé, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Lâm Đồng, cho biết sau 2 ngày thu phí bảo trì đường bộ, đơn vị đã thu được trên 400 triệu đồng. Hiện Lâm Đồng có trên 17.500 xe ô tô các loại.

TIN LIÊN QUAN



BÀI NỔI BẬT



Khắc Lịch

Bình luận(0)