Thu phí đường bộ: Ôtô đồng thuận nộp... xe máy giả điếc

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 3/1/2013, sau hai ngày thực hiện Nghị định 18 về thu phí bảo trì đường bộ của Chính phủ, nhiều chủ ô tô kêu trời nhưng vẫn đua nhau đóng phí tại các trạm đăng kiểm, trong khi đó, chủ phương tiện xe máy vẫn làm ngơ.

Chủ ô tô kêu trời nhưng đua nhau đóng phí

Sáng 3/1, mặc dù trời mưa rét, nhưng ngay khi phòng thu phí bảo trì đường bộ của các Trạm đăng kiểm xe cơ giới mở cửa, hàng trăm chủ phương tiện giao thông cơ giới đã đến nộp phí. Trong số đó, nhiều chủ phương tiện đến nộp phí trước cả kỳ kiểm định.

Ghi nhận của PV Kiến Thức tại Trạm đăng kiểm xe cơ giới, 29-06 V (huyện Thanh Trì, Hà Nội), ngay khi phòng thu phí mở cửa, có hàng chục người chen lấn để đóng phí bảo trì đường bộ, bên ngoài số lượng xe tập trung lớn khiến khoảng sân rộng chật cứng.

 Chen chân đóng phí đường bộ tại Trạm đăng kiểm xe cơ giới 29-06 V

Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-06 V - Trịnh Viết Trung cho biết, hầu hết các chủ phương tiện đều tự giác đến nộp phí tùy theo nhu cầu từng xe. Đa số, các chủ phương tiện đến nộp phí trước kỳ kiểm định xe. 

“Việc thu phí bảo trì đường bộ có sử dụng phần mềm nên làm rất nhanh chóng. Dù chủ phương tiện đến rất đông nhưng chúng tôi giải quyết rất nhanh gọn từng hồ sơ. Trung tâm ưu tiên những phương tiện chưa đến kỳ kiểm định được đóng phí trước. Khi chủ phương tiện cơ giới đóng phí xong, sẽ được dán tem để lưu thông", ông Trung cho biết.

Tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-03V (Đại học GTVT), từ sáng sớm, rất đông các chủ phương tiện đến để làm thủ tục kiểm định và nộp phí bảo trì đường bộ. Tương tự, tại Trung tâm đăng kiểm 29-06V, đa số chủ phương tiện mang xe đến đóng phí dù chưa đến kỳ kiểm định.

Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-03V, ông Nguyễn Hồng Thủy cho biết, do lo sợ bị phạt khi chưa đóng phí bảo trì đường bộ, nhiều chủ xe đến kỳ hạn đăng kiểm từ cuối tháng 12/2012 và đầu tháng 1/2013 cũng đến nộp phí sớm, bên cạnh đó, nhiều chủ xe chưa đến kỳ kiểm định cũng đến đóng phí bảo trì.

Dù đến đóng phí báo trì đường bộ sớm, nhưng đa số các chủ xe đều cho rằng mức thu phí bảo trì đường bộ là quá cao. Trong khi kinh tế khó khăn, giá xăng dầu tăng cao thì gánh nặng thuộc về các chủ xe. Bởi không chỉ có phí đường bộ, nhiều trạm BOT vẫn hoạt động thu phí, dẫn đến tình trạng phí chồng phí.

Chủ một doanh nghiệp vận tải ô tô cho biết: “Hiện, doanh nghiệp đang có 70 xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên, mỗi một năm riêng phí bảo trì đường bộ đã quá nhiều. Ngoài ra, còn phí BOT, chi phí xăng dầu, hơn thế nữa, một nửa xe trong số đó không được dùng đến nhưng vẫn phải trả tất cả phí bảo trì cho số lượng xe đó. “Gánh nặng doanh nghiệp vận tải là rất lớn, nhưng phải chấp hành quy định, vừa đỡ bị phạt khi lưu hành, hai là đằng nào cũng phải đóng nên đóng đúng hạn để đỡ phiền phức".

 Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Về việc chủ xe cơ giới chậm đóng phí bảo trì đường bộ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Chủ ô tô sẽ phải chịu chế tài nếu chậm nộp phí bảo trì đường bộ. “Thực tế, nhiều chủ phương tiện, đã đưa xe đi kiểm định trước ngày 1/1/2013 để tránh phí bảo trì. Tuy nhiên, đã là quy định thì phải chấp hành. Với những xe mà kỳ đăng kiểm tiếp theo trong khoảng từ 1/1/2013 đến 31/12/2013, chủ xe vẫn phải nộp phí cho thời gian từ 1/1/2013 đến kỳ đăng kiểm tiếp theo. Theo quy định, nếu việc đăng kiểm xe sớm hoặc chậm hơn thời gian theo chu kỳ đăng kiểm, tiền phí sẽ được tính nối tiếp từ thời điểm cuối của khoảng thời gian đã nộp phí lần trước. Những chủ xe không nộp phí ở lần đăng kiểm trước vừa phải đóng phí cho chu kỳ tiếp theo, vừa bị truy thu số chưa nộp và bị phạt”, ông Trường cho biết.

Chủ phương tiện xe máy "giả điếc" trước quy định đóng phí

Trước khi bắt đầu thời điểm thu phí bảo trì đường bộ, Bộ Tài Chính đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành sớm thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Bộ này đề nghị các địa phương sớm hoàn chỉnh phương án thu, mức thu, tỉ lệ trích lại cho đơn vị thu phí. Đồng thời yêu cầu xã, phường, thị trấn thu, nộp phí, lập hồ sơ quản lý số xe máy ở địa phương làm cơ sở cho việc quản lý thu, nộp phí cho các năm sau.

 Chủ xe máy vẫn làm ngơ trước Nghị định 18

Trong khi các chủ phương tiện ô tô đua nhau đi đóng phí vì bị sợ phạt, thì các chủ phương tiện xe máy vẫn làm ngơ, thậm chí nhiều chủ phương tiện xe máy chưa biết mình phải nộp phí ở đâu, nộp bao nhiêu.

“Đến giờ, tôi vẫn chưa biết nộp phí như thế nào, dù biết mức phí với xe máy. Gia đình tôi ít đi xe, chỉ đi loanh quanh trong làng, trong xã, đóng phí như người đi nhiều thì thiệt thòi quá”, ông Nguyễn Văn Hạnh, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng, Hải Dương) cho biết.

“Hiện, chưa có chủ phương tiện xe máy nào đến xã nộp phí bảo trì đường bộ. Có lẽ do xe máy được tính phí theo năm. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn từ cấp trên, sau đó sẽ hướng dẫn, yêu cầu trưởng thôn đến từng nhà người dân để phát phiếu (theo mẫu) để người dân kê khai số xe, loại xe rồi thu phí’, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ Nguyễn Văn Tiển cho biết.

 Chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ Nguyễn Văn Tiển cho biết chưa xe máy nào đến đóng phí bảo trì đường bộ

“Việc kê khai số xe không đơn giản, bởi nhiều người đi làm ăn xa, xã lại không nắm được số xe trong một gia đình, trong số đó, nhiều xe chưa sang tên đổi chủ. Nhưng xã sẽ cố gắng tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành”, ông Tiển cho biết thêm.

Lý giải về việc chậm đóng phí của chủ phương tiện xe máy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, phải đến giữa năm 2013 các tỉnh, thành mới ban hành mức phí và bắt đầu thu phí xe máy.

“Theo quy định, mức thu đối với xe máy dao động từ 50.000 đến 150.000 đồng. Căn cứ vào khung trên, từng tỉnh, thành sẽ ban hành mức phí cụ thể tùy theo tình hình địa phương. UBND cấp xã sẽ hướng dẫn, yêu cầu tổ dân phố đến từng nhà người dân để phát phiếu (theo mẫu) để người dân kê khai số xe, loại xe rồi thu phí. Để ban hành mức phí cụ thể, các UBND cấp tỉnh phải trình, đề nghị HĐND cùng cấp thông qua. Trong khi hiện nay, kỳ họp HĐND cấp tỉnh ở hầu hết các địa phương đã trôi qua. Do vậy, ít nhất phải đến giữa năm 2013 các tỉnh, thành mới ban hành mức phí và bắt đầu thu”, ông Trường khẳng định.

 Ngày 2/1/2013 cả nước thu 7,032 tỉ đồng tiền phí bảo trì đường bộ

“Ngày 2/1/2013, ngày đầu tiên các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới bắt đầu thu phí đường bộ, do số lượng xe đến nộp phí đông, nhiều xe chưa đến hạn đăng kiểm cũng đến nộp phí. Vì thế, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo các trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới hướng dẫn, tách những xe đến đóng phí khi chưa đến kỳ kiểm định để giải quyết riêng, tránh thời gian chờ đợi cho các chủ xe. Riêng ngày 2/1/2013, hơn 100 trung tâm kiểm định xe cơ giới trên cả nước đã thu được 7,032 tỉ đồng tiền phí bảo trì đường bộ”.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam




Hải Ninh

Bình luận(0)