Đổi mới toàn diện GD: Đừng coi SGK như hàng hóa

Google News

(Kiến Thức) - Theo PGS Văn Như Cương, đổi mới là cần thiết, xây dựng lại chương trình, viết lại SGK lại càng cần.

Theo PGS Văn Như Cương, người đã từng tham dự viết nhiều bộ sách giáo khoa (SGK), đổi mới là cần thiết, xây dựng lại chương trình, viết lại SGK lại càng cần, nhưng tổ chức thực hiện như thế nào? Đừng thị trường hóa, coi sách giáo khoa như các mặt hàng kinh doanh khác. Để có một bộ sách tốt thì cần có người giỏi, đầu tư lớn, giám sát chặt.
Ai dám viết sách?
Thống nhất một chương trình với nhiều bộ SGK là nội dung chủ điểm trong đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT xây dựng. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
Việc có một chương trình và nhiều SGK là cần thiết, đây cũng là xu thế chung của thế giới và nhiều nước đã áp dụng. Tuy nhiên, tôi còn băn khoăn là việc xác định "một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa" có hợp lý không? Bởi "một chương trình và nhiều sách giáo khoa" chỉ có thể là một bộ môn, một cấp học, điều này kéo dài chứ không phải đăng ký là ra ngay một bộ sách giáo khoa. Tôi đã từng viết sách tôi biết việc làm sách nó không đơn giản nói cần là có.
Chủ trương của Bộ GD&ĐT là muốn xã hội hóa việc viết sách, có sự tham gia của toàn xã hội để tăng tính cạnh tranh và nâng cao chất lượng SGK?
Bây giờ, ai muốn viết thì viết, đưa lên một hội đồng thẩm định, viết đúng yêu cầu thì có quyền sử dụng trong trường học. Nếu mở ra cuộc thi như thế, tôi nghĩ không có ai dám thi. Ví dụ, tôi viết bộ sách toán bậc THPT thì phải có hàng chục người viết cùng trong một thời gian dài. Đến khi không duyệt thì tôi không biết lấy tiền đâu trả cho người ta? Ai dám viết sách? Nếu không ai viết cả, thì phải chăng chúng ta lại quay về sử dụng bộ sách mà bộ đã biên soạn và thẩm định? Thế thì lại quay lại hiện nay chứ làm gì có đổi mới. 
Nhưng thị trường SGK vốn được coi là thị trường tốt, tiềm năng, hẳn là nhiều người cũng trông đợi được "đầu tư"?
Nếu các cá nhân, tổ chức nhận viết, nhưng đến thời hạn nộp bản thảo để thẩm định lại không hoàn thành (vì nhiều lý do chủ quan và khách quan) thì chúng ta lấy đâu sách cho học trò học? Quá trình chúng ta chủ trương một chương trình và nhiều sách giáo khoa là một quá trình dài, bổ sung liên tục. Do đó không thể đòi hỏi ngay khi chúng ta có chương trình rồi kêu gọi xã hội hóa, rồi đưa ra bộ thẩm định bao nhiêu sách giáo khoa được vào. 
Theo ông, nền giáo dục đã cần kíp phải có một bộ SGK mới chưa?
Khi nói tới làm SGK phải căn cứ vào 2 cơ sở là điều kiện của đất nước và cơ sở khoa học của việc làm sách. Đồng thời cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế đất nước để giao cho ai làm sách, chứ tuyệt đối không thể giao theo cảm tính như hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa khác. 
 PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh, Hà Nội.
Kế thừa để tránh lãng phí
Một trong những khúc mắc được nhiều người quan tâm là kinh phí đâu để làm sách, Nhà nước có tài trợ cho các tổ chức, cá nhân làm sách hay không?
Không thể ai cũng làm sách rồi được Bộ GD&ĐT duyệt là có tiền, làm như vậy không thể đủ tiền ngân sách mà chi đâu. Do đó, dứt khoát người viết sách phải tự hạch toán kinh phí viết sách, cho tới khi sách được thẩm định lúc đó mới có kinh phí. Chủ trương Bộ GD&ĐT đứng ra làm một bộ sách giáo khoa là đúng, tất nhiên phải công minh. 
Nếu vậy thì đầu tư vào SGK cũng đầy rủi ro chứ không phải là thị trường tiềm năng như nhiều người nghĩ?
Đúng vậy, nên tôi mới lo sẽ chẳng có ai tham gia viết SGK ngoài bộ sách của Bộ.
SGK mới sẽ là mới hoàn toàn, thế thì tôi tự hỏi những kiến thức trong SGK cũ sẽ được sử dụng thế nào?
Làm sách mới phải có tính kế thừa bởi một số nội dung trong sách giáo khoa hiện hành vẫn dùng được. Một số sách chúng ta chỉ cần biên tập lại. Ví như chương trình toán, trong chương trình mới tôi chắc chắn rằng "số ảo - Y2 = -1" phải bỏ đi, tích phân, đạo hàm không đến nỗi nặng nề như thế. 
Trong chương trình mới nếu phần này bỏ đi thì chúng ta dùng sách cũ và có thể rút gọn các chương theo tinh thần của chương trình mới. Như thế vừa đòi hỏi người viết phải biết chắt lọc, đồng thời phải nắm vững tinh thần đổi mới để có điều chỉnh nội dung phù hợp. Chứ kiến thức hàn lâm thì vẫn thế, phương pháp học về cơ bản cũng thế, nếu viết lại hoàn toàn thì quá lãng phí mà không hiệu quả.
Đừng vội vã
Có người cho rằng bây giờ mới nói chuyện đổi mới là đã muộn lắm rồi, nhưng vì muộn mà muốn làm nhanh, làm gấp thì càng hỏng, ông có đồng tình?
Tôi cho rằng việc làm thế nào để có nhiều bộ SGK cho một chương trình học là phải tiến hành trong một thời gian dài. Lộ trình có thể là 5 - 7 năm. Chúng ta không có đủ lực, đủ tiền để làm một lúc. Ngược lại còn phải làm từng cuốn một, từng cấp học một. Sai đâu sửa đó, sửa đến khi nào không còn sửa được nữa thì thôi. Chứ nếu làm nhanh, làm vội thì sẽ hỏng thôi.
Theo ông, khó khăn nhất trong lần đổi mới này là gì?
Việc Bộ đứng ra tổ chức viết 1 bộ sách đúng thời điểm là cần thiết nhưng sẽ dẫn đến tình trạng không có cá nhân, tổ chức nào dám viết một bộ SGK khác ngay lúc này. Như vậy, Bộ vẫn sẽ độc quyền trong việc biên soạn và phát hành SGK. Đổi mới phải thực sự căn cơ, làm một cách thận trọng, từng bước một rất kỹ càng. Tôi thấy mừng là trong kỳ họp lần này, Quốc hội chưa thông qua đề án đổi mới vì cần có sự chuẩn bị, đầu tư rất bài bản để có thể đổi mới một cách vững chắc.
Vậy thì giải pháp sẽ phải là gì?
Chúng ta phải xây dựng một chương trình rất chi tiết, không ai có thể thay đổi được. Chương trình này sẽ được dùng cho toàn quốc, thỏa mãn các tiêu chí về kiến thức chuẩn, dễ học, dễ dạy. SGK mới hay cũ cũng phải bám vào chương trình chuẩn của Bộ. Khi đã có chương trình chuẩn, giáo viên có thể thoải mái lựa chọn các hình thức truyền đạt làm sao đạt hiệu quả cao nhất, không khô cứng, không truyền thụ một chiều. 
Sau khi đã có chương trình thì mới bàn đến làm SGK thế nào, ai làm, kinh phí ra sao? Và như tôi nói, không phải cuốn SGK nào từ trước đến nay cũng đều vất đi. Viết SGK mới trên cơ sở kế thừa những ưu việt của bộ sách cũ để tránh lãng phí.
Xin cảm ơn ông!
Rất khó để có một cá nhân, tổ chức nào có thể đứng ra viết trọn một bộ SGK để cho Bộ GD&ĐT thẩm định, kịp tiến độ. Đây là điều không tưởng, không khả thi bởi chúng ta đang đưa những môn học rất mới vào chương trình. Đơn cử như môn "Hoạt động trải nghiệm và sáng tạo", theo đúng lộ trình, môn học này sẽ có mặt ở tất cả các cấp học, 5 tiết/tuần ở cấp tiếu học, 5 tiết/tuần ở THCS và 5 tiết/tuần ở THPT. Đây là môn học mới, chưa từng có trong chương trình. Làm sao trong một sớm một chiều, chúng ta có thể kiếm được một tập thể đảm bảo viết được một bộ SGK theo đúng yêu cầu và chủ trương mới của Bộ?
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)