“Lố bịch”, hay hay là...
Công văn của Sở Giáo dục - Đào tạo Thanh Hóa đã gửi tới các đơn vị trực thuộc trên địa bàn với nội dung yêu cầu nhắn tin bình chọn để ủng hộ thí sinh Nguyễn Quang Anh theo thể lệ của cuộc thi. Đó là văn bản số 1579/SGD&ĐT-VP với nội dung:
"Em Nguyễn Quang Anh sinh ngày 18/3/.2003, học sinh lớp 6D Trường THCS Lý Tự Trọng, TP.Thanh Hóa. Em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng với tài năng, niềm đam mê và nghị lực vượt khó, Quang Anh đã xuất sắc lọt vào tốp 3 cuộc thi The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí)... Hãy bình chọn cho Quang Anh, người con của xứ Thanh để em vươn xa với tài năng và ước mơ ca hát của mình. Mỗi tin nhắn của chúng ta là Quang Anh được chắp thêm đôi cánh để bay cao và xa hơn. Rất mong các đơn vị, nhà trường thông báo đến cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia bình chọn cho Quang Anh".
Văn bản này do ông Vũ Mỹ Long - Phó Chánh Văn phòng Sở GDĐT Thanh Hóa, thừa lệnh giám đốc - ký ban hành ngày 5/9 cũng hướng dẫn rõ nội dung nhắn tin là soạn 07 gửi 7257.
UBND P.Đông Sơn (TP.Thanh Hóa), nơi Nguyễn Quang Anh sinh sống, cũng có một công văn với nội dung tương tự, gửi tới từng tổ dân phố.
|
Quang Anh giành giải quán quân đêm Chung kết Giọng hát Việt nhí 2013. |
Ngay trước khi đêm chung kết Giọng hát Việt nhí, hai công văn này được chia sẻ trên mạng gây ra những luồng dư luận trái chiều. Có ý kiến cho rằng, việc làm của Sở Giáo dục – Đào tạo Thanh Hóa không đáng phê phán, thậm chí còn được đánh giá cao về tinh thần đoàn kết.
Trong khi, luồng ý kiến khác thì cho rằng, công văn kêu gọi nhắn tin ủng hộ Quang Anh của phường, của sở là “phản cảm”, là việc làm can thiệp quá đà của người lớn, làm mất đi tính trong sáng ở một sân chơi trẻ em.
Công văn làm mất tính trong sáng của cuộc chơi
Về luật pháp, theo ý kiến nhiều luật sư, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thanh Hóa và UBND phường Đông Sơn ra công văn kêu gọi bầu chọn cho Quang Anh là không đúng quy định, làm mất đi tính trong sáng của cuộc chơi.
Luật sư Nguyễn Sa Linh (Đoàn luật sư TP.HCM) bình luận: “Cuộc thi Giọng hát Việt nhí đã để lại chút dư âm không hay với hai công văn vận động bình chọn được cho là của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa và UBND P. Đông Sơn (nơi Quang Anh sinh sống).
Hai công văn này không trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả cuộc thi, nhưng lại đặt ra vấn đề liệu cơ quan quản lý nhà nước có nên tham gia vận động cho thí sinh những cuộc thi mang tính giải trí như Giọng hát Việt nhí hay không?”
|
Hai công văn được cho là của Sở GD-ĐT và UBND Thanh Hóa kêu gọi bình chọn cho Quang Anh. |
Luật sư võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: “Sở GD-ĐT, UBND phường chỉ là các công văn (chứ không phải văn bản pháp quy) nhưng thường khi thấy văn bản của cơ quan hành chính nhà nước thì người dân luôn có tâm lý xem đó như văn bản mệnh lệnh có ý nghĩa bắt buộc phải thi hành.
Cuộc thi thực chất chỉ là một cuộc chơi của các em nhỏ mà cơ quan nhà nước lại can thiệp bằng các công văn vận động bình chọn cho một thí sinh là không đúng quy định.
Thực tế, Quang Anh chiến thắng thuyết phục chứ không hẳn là nhờ vào hai công văn vận động trên. Việc xuất hiện các văn bản trên làm mất đi tính trong sáng của cuộc chơi, làm ảnh hưởng đến tâm lý của tất cả các em thí sinh”.
Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Luật sư Trương Xuân Tám cũng đồng tình ý kiến: “Công văn của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa và UBND phường Đông Sơn không chỉ mang tính thông báo mà còn có ý nghĩa vận động bầu chọn, chỉ dẫn cách bầu chọn cho Quang Anh là không ổn, làm mất tính trong sáng của cuộc thi.
Còn việc cơ quan hành chính ra văn bản để vận động bầu chọn cho một thí sinh của cuộc thi (trong khi lượng bầu chọn có ý nghĩa quyết định đến kết quả) là không đúng, không công bằng với các thí sinh khác”.
Người trong cuộc nói gì?
"Tác giả" của công văn - ông Vũ Mỹ Long - Phó Chánh Văn phòng Sở GDĐT Thanh Hóa - khẳng định, đó là văn bản do văn phòng sở phát hành. Ông Long lý giải: “Em Quang Anh đang là học sinh, hoàn cảnh gia đình em ấy khó khăn nhưng có nghị lực, có tố chất. Xuất phát từ tình cảm của người thầy, chúng tôi ra văn bản trên cũng chỉ muốn thông báo cho học sinh, giáo viên biết thôi chứ chẳng có mục đích gì cả”.
Theo ông Long thì “đó không phải là công văn yêu cầu bắt buộc, chỉ là thông báo và kêu gọi nên ai bình chọn thì bình không thì thôi”.
|
Quang Anh với tiết mục "Quê nhà" đêm Chung kết.
|
Quang Thắng, anh trai của Quang Anh lên tiếng: "Tại sao mọi người không nghĩ đơn thuần là những người này yêu mến Quang Anh và họ có nghề nghiệp làm ở Sở đó, Ủy ban đó, nên họ đã làm mọi cách có thể để thể hiện tình cảm của họ dành cho Quang Anh. Những người được gợi ý nhắn tin, họ cũng có tự do đầy đủ để quyết định có nhấn nút gửi bình chọn hay không mà. Không ai ép buộc ai cả".
Thanh Thảo, với vai trò MC chương trình thì cho rằng: “Tôi nghĩ cách nào miễn sao không vi phạm pháp luật và quy chế cuộc thi là được. Việc một em bé 12 tuổi đại diện quê nhà tham gia cuộc thi hoành tráng và vang danh như thế, mọi người ở cùng quê với em sẽ hãnh diện, yêu mến và kêu gọi bình chọn cho em là việc bình thường.
Hoàn cảnh Quang Anh rất khó khăn, nhưng em vượt khó học giỏi, tôi nghĩ các chú có ưu ái hơn để ủng hộ em là chuyện bình thường. Điểm bất thường là sự việc bị đẩy lên thành scandal để bàn tán xôn xao, gây ra hiểu lầm. Tội nghiệp bé vẫn hồn nhiên giữa bão dư luận, vấn đề là người lớn đang xé to mọi chuyện.
Tôi nghĩ mọi người nên xem The Voice Kids như sân chơi mùa hè cho trẻ con, cơ hội cho các bé tỏa sáng, kể cả các bé nhà quá nghèo không mơ gì đến việc trở thành ca sĩ, bây giờ đã chạm đến giấc mơ của các bé”.
Showbiz Việt từng có nhiều bàn cãi quanh chuyện fan cuồng của ca sĩ Uyên Linh dùng hơn 1.000 sim điện thoại để nhắn tin cho thần tượng tranh giải Bài hát yêu thích, hay thông tin sinh viên "bị ép" nhắn tin bình chọn cho ca sĩ Tùng Dương. Ra công văn kêu gọi bầu chọn như thế này được ghi nhận lần đầu. Vì thế, những tranh luận quanh việc nên hay không nên có công băn kêu gọi ủng hộ Quang Anh, công văn đó phản cảm hay không dường như vẫn chưa có hồi kết.