Mới đây, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm lên TAND TP Hà Nội vì cho rằng không phạm 4 tội như quy kết của tòa án (Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) với mức án phải nhận là 30 năm tù. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng đề nghị cấp phúc thẩm xem xét toàn diện các chứng cứ buộc tội và gỡ tội.
Dư luận cho rằng, việc “Bầu Kiên” gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm là điều chắc chắn bởi ngay từ đầu phiên tòa sơ thẩm, bị cáo này đã không tâm phục khẩu phục bản án tòa tuyên. Tuy nhiên, dư luận quan tâm nhiều hơn ở chỗ, việc gửi đơn kháng cáo của bầu Kiên liệu có tính khả thi?
|
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa sơ thẩm. |
Trao đổi với Kiến Thức về việc “bầu Kiên” gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, Luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật nhìn nhận, việc bị cáo Nguyễn Đức Kiên kháng cáo bản án sơ thẩm không có gì là lạ, trước đó mọi người ai cũng nghĩ bị cáo Kiên sẽ kháng cáo.
“Tôi cho rằng, mọi người ai cũng sẽ nghĩ là bị cáo Nguyễn Đức Kiên sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm. Bởi lẽ bản án sơ thẩm không thuyết phục, không giải thích, không trả lời được những câu hỏi mà bị cáo Kiên đặt ra và cũng không đưa ra những lập luận vững chắc để bác bỏ những quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên. Nếu bị cáo Kiên không kháng cáo có nghĩa là bị cáo Kiên đồng ý với bản án sơ thẩm, mà điều này chúng ta thấy là bị cáo Kiên cương quyết không nhận tội ngay từ ban đầu và cho rằng, pháp luật không cấm ông làm những điều đó”, Luật sư Hoàng Cao Sang nhìn nhận.
|
Luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật. |
Nói về tính khả thi của việc kháng cáo này, Luật sư Sang cho rằng, nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, phiên tòa phúc thẩm có nhiều cơ hội cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên trình bày những lập luận, những suy nghĩ, chứng minh mình không phạm tội theo những cáo buộc của bản cáo trạng và bản án sơ thẩm đã tuyên. Nếu bị cáo Kiên có tội, chắc chắn bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
“Tôi cho rằng, Tòa án cấp phúc thẩm xử như thế nào là quyền của Tòa án; còn quyền kháng cáo của bị cáo thì bị cáo cứ làm. Bị cáo Kiên vẫn có những cơ hội để chứng minh mình không phạm tội theo những cáo buộc của bản cáo trạng và bản án sơ thẩm đã tuyên”, Luật sư Sang đánh giá.
Theo Luật sư Sang cho biết, trong thời hạn 07 ngày, kể từ khi Tòa án Hà Nội nhận được đơn kháng cáo của bị cáo thì Tòa án Hà Nội thông báo bằng văn bản về việc kháng cáo này cho VKS thành phố Hà Nội và những người tham gia tố tụng trong vụ án biết. Những người này có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình lên Tòa phúc thẩm và những ý kiến này sẽ được đưa vào hồ sơ vụ án. Sau khi nhận được kháng cáo của bị cáo Kiên và các bị cáo khác, thì trong thời hạn 07 ngày kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án Hà Nội sẽ chuyển hồ sơ vụ án và đơn kháng cáo lên Tòa án cấp phúc thẩm để Tòa án cấp phúc thẩm xem xét. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ và đơn kháng cáo thì Tòa án cấp phúc sẽ mở phiên tòa xét xử.
Trước đó, như Kiến Thức đã đưa tin, vừa qua TAND Hà Nội cho biết, đơn vị này đã nhận được đơn của 4 trong 8 người bị xét xử. Cụ thể, cựu phó chủ tịch HĐQT ACB Nguyễn Đức Kiên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng không phạm 4 tội (Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) như quy kết với mức án phải nhận là 30 năm tù. Bị cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét toàn diện các chứng cứ buộc tội và gỡ tội.
Cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải (án sơ thẩm phạt 8 năm tù) cũng chống án vì cho rằng không phạm tội "cố ý làm trái" ở cả hành vi uỷ thác cho nhân viên gửi 718 tỷ đồng tại Vietinbank và đầu tư mua cổ phiếu gây thiệt hại cho ACB gần 688 tỷ đồng, theo cáo buộc của các cơ quan tố tụng.
Cùng với đó, lý do chống án của ông Trịnh Kim Quang (cựu phó chủ tịch HĐQT ACB, 4 năm) cũng tương tự ông Hải. Người thứ thư là ông Huỳnh Quang Tuấn (cựu phó tổng giám đốc ACB, án 2 năm) đề nghị xem xét lại việc bị kết tội Cố ý làm trái chỉ vì tham dự cuộc họp ngày 22/3/2010 đề ra chủ trương bị cho là trái quy định của HĐQT ACB.