"Vàng xanh" sẽ tiếp tục bị "chảy máu" đến kiệt cùng nếu chúng ta muộn mằn lên phương án bảo tồn những cây thuốc quý.
Theo Đông y, cây khôi còn có tên khác là cây độc lực hoặc đơn tướng quân. Với công dụng chủ yếu là chữa các bệnh liên quan đến dạ dày. Cây khôi phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, sau một thời gian khai thác cạn kiệt, thì hiện nay cây khôi chỉ còn nhiều ở một số xã thuộc huyện Chợ Mới (Bắc Kạn).
|
Lá khôi có tác dụng chữa bệnh đau dạ dày. |
Lên rừng tìm lá cây khôi
Theo bật mí của ông Lưu Văn Thanh, Giám đốc dự án ADC thuộc Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc thì xã Mai Lạp thuộc huyện Chợ Mới được mệnh danh là "thủ phủ" của giống cây khôi quý hiếm. Với đặc điểm khí hậu thuận lợi nên trước đây, cây khôi ở xã Mai Lạp nhiều như rau. Chúng có thể mọc ở bất cứ đâu, từ trên nương đồi đến các thung lũng.
Tuy nhiên, theo ông Thanh: "Bây giờ thì cây khôi chỉ còn ở trên rừng hoặc trên núi cao. Khi các thương lái Trung Quốc sang tận thu với giá cao thì người dân đã khai thác gần như kiệt quệ. Theo tìm hiểu của tôi, ở những vùng gần khu dân cư hầu như cây khôi không còn tồn tại. Những người "săn vàng xanh" lại rủ nhau lên núi khai thác loại cây thuốc này về bán kiếm lời".
Hôm chúng tôi có mặt tại xã Mai Lạp, dù mặt trời chưa ló qua ngọn núi đầu bản nhưng những người chuyên "săn" lá khôi đã í ới gọi nhau. Mỗi người trong nhóm cầm theo một cái dao cán dài cùng bao tải, dây thừng để lên núi tìm thuốc. Anh Hà Văn Bính, một người trong nhóm "săn" cây khôi cho biết: "Muốn hái được lá khôi thì phải xuyên rừng, treo mình trên vách đá mới mong kiếm được vài cân. Bây giờ cây khôi rất hiếm, các nhóm tìm kiếm cũng nhiều nên tranh nhau từng khu rừng".
Theo anh Bính, ngày cao điểm có thể lấy được hàng chục cân lá khôi tươi. Công việc tuy nguy hiểm, vất vả nhưng thu nhập cao hơn làm nương rẫy. Chưa ai có thể làm giàu bằng việc săn tìm lá cây thuốc quý hiếm này nhưng ở miền núi, chẳng có việc gì kiếm tiền dễ hơn lên rừng hái thuốc.
Chủ tịch UBND xã Mai Lạp, ông Hà Văn Chín cho biết: "Việc bà con ồ ạt săn tìm lá cây khôi để bán cho thương lái đã diễn ra từ lâu. Chúng tôi cũng từng vận động bà con gieo trồng, bảo vệ loại cây này nhưng không thành công. Bà con rất nghèo, việc họ lên rừng kiếm thuốc cũng là chính đáng".
|
Giá lá khôi tươi là 60.000đ/kg. |
Đào tận gốc, trốc tận rễ
Bà Trần Thị Phượng ở bản Khuẩy Đác tiết lộ cho chúng tôi: "Những năm 2010, thương lái Trung Quốc chỉ sang đây thu mua lá cây khôi. Lá tươi giá 60.000đ/kg, lá khô là 150.000đ/kg. Nhưng thời gian gần đây, họ mua cả lá, cả thân, cả rễ của cây khôi. Trước đây, khi chúng tôi chỉ hái lá để bán thì cây khôi vẫn còn nhưng khi họ mua cả thân cả rễ thì cây khôi dần tuyệt chủng".
Trước cái lợi trước mắt, bà con địa phương "trốc tận rễ" cây khôi để bán. Cho đến nay, cả xã Mai Lạp hầu như rất hiếm loại cây thuốc này nếu không muốn nói là không thể tìm thấy. Trước thực trạng này, chúng tôi điện thoại tham vấn ý kiến ThS Phan Thị Thu Hiền, Vụ Y học Cổ truyền, Bộ Y tế.
Bà Hiền cho biết: "Tình trạng khai thác thuốc theo kiểu "đào tận gốc, trốc tận rễ" là có và rất phổ biến. Trong khi đó, một cây thuốc từ khi đâm mầm đến khi thu hoạch được không phải là ngắn. Ở đây, chúng ta lại thấy ý thức của người dân còn thấp. Đồng thời, với giá thuốc Nam hiện nay do các thương lái gom hàng đã thúc đẩy bà con bản địa khai thác kiệt quệ nguồn thuốc. Bộ Y tế rất khó quản lý vấn đề này mà cùng với đó là kiểm lâm các địa phương nhưng thế vẫn không đủ. Người dân họ phải sống, họ dựa vào rừng để sống".
Trong khi đó, ông Hà Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Mai Lạp cũng phải thừa nhận: "Không thể cấm bà con vào rừng khai thác thuốc. Có thể họ hái thuốc để bán, có thể để dùng nhưng không có bất cứ văn bản nào cấm dân vào rừng tìm thuốc cả".
Cách thức tận thu của thương lái Trung Quốc rất tinh vi. Theo bà Phượng: "Ở mỗi xã hoặc huyện, họ thuê một hai người làm đầu mối thu mua. Chúng tôi chỉ việc lên rừng lấy thuốc rồi bán cho họ. Cứ mỗi tuần hoặc hàng tháng, họ cho xe tải về gom hàng rồi chở về nước".
Bà Phượng thừa nhận, bà và tất cả bà con trong bản trong xã đều cố gắng khai thác thật nhiều thuốc bán cho thương lái. Chỉ khi con trai bà Phượng, anh Trần Đình Hiệp từng là quân nhân lại hiểu rõ tác dụng của lá cây khôi nên khi xuất ngũ, anh vận động bà con không lên rừng hái thuốc. Đồng thời, anh và gia đình trồng cây khôi ngay trong nương đồi để bảo tồn loài thuốc quý này.
|
Cây khôi chỉ còn ở trong rừng sâu. |
"Vàng xanh" ồ ạt xuất ngoại
Trao đổi với PV Báo KH&ĐS, ông Vũ Văn Dũng, Hội Khoa học - Kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam cho biết, tình trạng "vàng xanh" của nước ta bị thương lái nước ngoài tận thu đã trở thành nỗi lo lớn của ngành y. Mỗi ngày, có hàng trăm tấn thuốc theo đường tiểu ngạch "chạy" sang nước ngoài. Cứ tình trạng như hiện nay, không lâu nữa cây thuốc của chúng ta sẽ kiệt quệ.
Theo khảo sát của chúng tôi, Tây Bắc nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng từng là vựa thuốc lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, đó cũng là miếng mồi ngon của thương lái Trung Quốc. Họ bằng mọi cách tận thu cây thuốc của chúng ta, trong khi Bộ Y tế không hoặc ít có một phương cách nào ngăn chặn tình trạng đau lòng này.
Tại cửa khẩu các tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn... hàng đoàn dài xe tải chở dược liệu sang phía bên kia mà hải quan đành bất lực. TS Trần Văn Ơn, trường Đại học Dược Hà Nội phải thốt lên: "Trung Quốc thu gom dược liệu của chúng ta với ý đồ gì? Tôi nghĩ, một phần lỗi ở các nhà khoa học do chậm nghiên cứu hoặc nghiên cứu không đến đầu đũa. Tất nhiên, cũng phải nhìn lại cuộc sống còn nhiều khó khăn của người bản địa vùng núi, họ cần phải sống và chỉ có thể sống bằng cách lên rừng hái thuốc".
Để ngăn chặn tình trạng "vàng xanh" bị bán ra nước ngoài, Trung tâm Nghiên cứu nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã vào cuộc vận động bà con ngừng khai thác. Đồng thời, cung cấp giống cây khôi giúp bà con vùng núi bảo tồn cây thuốc. Tuy nhiên, cây khôi vừa ra lá đã bị những người chuyên khai thác thuốc... vặt trộm.
"Trung Quốc dồn dập thu mua thuốc của chúng ta với giá rất cao và tất nhiên, với cái lợi trước mắt thì người dân đã khai thác tràn lan. Tính trên địa bàn cả nước hiện nay, số lượng loài thuốc tuy nhiều nhưng khối lượng đang giảm dần bởi mỗi ngày có hàng trăm xe tải chở thuốc của chúng ta qua biên giới".
PGS.TSKH Trần Công Khánh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Cây thuốc dân tộc cổ truyền)
"Bà con dân tộc tỉnh Bắc Kạn thường dùng lá khôi chế biến, sắc uống chữa đau bụng và các bệnh liên quan đến dạ dày. Trước đây, ở huyện Chợ Mới rất dễ để tìm loài cây này nhưng bây giờ thì phải lên rừng mới tìm thấy".
Ông Hà Văn Chín (Chủ tịch UBND xã Mai Lạp)