Hiện, Công an phường 10, quận Tân Bình đã niêm phong toàn bộ số tiền có chữ ký và biên bản giao cho chị Hồng và chuyển vụ việc lên Công an quận. Theo đó, Công an sẽ gửi tiền vào ngân hàng và CQĐT sẽ làm rõ nguồn gốc số tiền này. Nếu không xác định được chủ nhân, sẽ tiến hành giải quyết theo quy định pháp luật và chắc chắn người tìm được (chị Hồng) sẽ được hưởng quyền lợi ít nhất là 50% tổng số tiền.
|
Người dân ở hẻm 84 tụ tập bàn tán xôn xao vụ việc hi hữu xảy ra tại địa phương. |
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng,(35 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) - “chủ nhân” số tiền 5 triệu Yên Nhật (trị giá hơn 1 tỉ đồng Việt Nam) cho biết: “Hiện toàn bộ số tiền 5 triệu Yên Nhật (có mệnh giá 10 ngàn Yên/tờ) đã được Công an niêm phong, gửi ngân hàng chờ xác định nguồn gốc và có hướng xử lý”.
|
Vợ chồng chị Hồng liên tục bận rộn vì tiếp chuyện người thân quen và các cơ quan truyền thông. |
Theo ghi nhận của Kiến Thức chiều muộn nay (23/3), sau khi kết thúc làm việc tại trụ sở Công an phường 10, quận Tân Bình, chị Hồng trở về nhà trọ ở hẻm 84 đường Trần Văn Quang, P.10, quận Tân Bình. Lúc này, rất đông hàng xóm vẫn còn tụ tập suốt con hẻm, bàn tán xôn xao trước sự việc quá hi hữu xảy ra tại địa phương. Trong khi đó, chị Hồng và chồng, anh Trịnh Minh Vương cũng vô cùng bận rộn khi những người quen biết, bà con thân thích và các cơ quan truyền thông… điện thoại, đến nhà trọ để hỏi chuyện.
|
Chị Hồng đang trao đổi với PV Kiến Thức tại phòng trọ của mình. |
Thông tin mới nhất PV Kiến Thức nhận được, vợ chồng chị Hồng khẳng định: “Ngay khi phát hiện số tiền “lạ”, những người hàng xóm không ai dành giựt mà vợ chồng tôi cho mỗi người 1 tờ để làm kỉ niệm. Sau đó, thông tin lan rộng ra ngoài, xuất hiện nhiều người lạ mặt khiến vợ chồng tôi hoảng quá điện báo Công an đến can thiệp và giao nộp”.
Ngay khi Công an phường tiến hành thu giữ số tiền, những người được vợ chồng chị Hồng tặng tiền cũng đã nộp lại đầy đủ cho cơ quan Công an và hiện kiểm đếm có hơn 500 tờ Yên Nhật mệnh giá 10 ngàn Yên/tờ.
|
Chiếc xe đẩy vốn là tài sản quý giá để chị Hồng rảo khắp đường phố để mua, nhặt ve chai mưu sinh. |
“Vợ chồng tôi nghèo khổ phải để 2 con nhỏ ở quê tự nương nhờ nhau cho cha,mẹ vào Nam tha hương mưu sinh. Dù số tiền này quá lớn có nằm mơ cũng chưa thấy được nhưng nếu làm rõ được của ai chúng tôi sẵn sàng trả lại. Còn nếu là “của trời cho”, nhà nước chia bao nhiêu thì chúng tôi lấy bấy nhiêu, chứ cũng chẳng dám đòi hỏi”, chị Hồng và chồng chia sẻ.
Theo quy định tại khoản 2, điều 241 Bộ Luật Dân sự, sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.