Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm trong nước, đặc biệt là khu vực phía nam liên tục phát hiện ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm và trên chim yến nuôi. Cùng với đó là những diễn biến khó lường của dịch cúm
H7N9 đang hành hoành ở Trung Quốc và có thể xâm nhập vào Việt Nam bất cứ lúc nào.
Với những thực trạng đó, ngày 15/4 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa giao cho Bộ NN&PTNT mua dự trữ 40 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm để tiêm phòng bao vây khẩn cấp khi có dịch xảy ra. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính bổ sung 10,4 tỷ đồng, từ nguồn dự toán chi sự nghiệp kinh tế năm 2013 để Bộ NN&PTNT mua vắc-xin dự phòng.
|
Tiêm phòng cúm gia cầm tại địa phương. Ảnh: Internet. |
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương để mua vắc xin hỗ trợ phòng chống dịch khẩn cấp trên địa bàn ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; đảm bảo kinh phí tổ chức tiêm phòng, mua dụng cụ, bảo hộ lao động cho người tiêm phòng.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/3 đến 31/12/2013 sẽ triển khai mua vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng mục đích số lượng, chủng loại vắc xin; chỉ đạo việc luân chuyển vắc xin để đảm bảo hạn sử dụng; quyết định cấp vắc xin, hướng dẫn các địa phương tiêm phòng khi xảy ra dịch bệnh khẩn cấp; hoàn trả ngân sách nhà nước kinh phí mua vắc xin nếu không có nhu cầu sử dụng; phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung kinh phí để mua vắc xin phục vụ yêu cầu phòng chống dịch khẩn cấp.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Cục Thú y, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Văn Đăng Kỳ cho biết: “Bộ NN&PTNT đã chọn hai công ty chuyên nhập khẩu vaccine từ Trung Quốc, về chủng loại và chất lượng đã được nghiên cứu kiểm nghiệm, 40 triệu liều này sắp về đến Việt Nam".
Với hơn 40 triệu liều vaccine mới đang nhập về Việt Nam, cùng với nguồn vaccine còn lại là khoảng từ 60-70 triệu liều, thì về mặt nguồn cung sẽ đảm bảo đủ để cấp cho các địa phương. Vấn đề là các địa phương cần khẩn trương triển khai đồng bộ và đồng loạt để tiêm phòng dịch nhằm ngăn chặn tận gốc dịch
cúm gia cầm.