Để tránh việc cán bộ điều tra bức cung, ép cung bị can, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết Bộ Công an đã lựa chọn giải pháp lắp camera ở phòng hỏi cung để giám sát việc này.
Thông tin này có vẻ như là một tin vui, nhưng việc thực hiện thế nào và cần có những điều kiện gì đi theo thì không hề đơn giản. Nhiều luật sư nêu ý kiến, ngoài lắp camera ở phòng hỏi cung thì cũng cần lắp tại các phiên tòa xét xử, và quan trọng hơn, cần cho luật sư tham gia vào vụ án ngay từ đầu, kể cả quá trình hỏi cung.
|
Nhiều người bị ép cung, nhục hình nhưng không có camera quay lại quá trình hỏi cung nên họ không thể chứng minh. |
Theo Luật sư Ngô Đình Hoàng, Trưởng văn phòng Luật sư Ngô Đình Hoàng, nếu đã cho lắp camera ở phòng hỏi cung thì phải bổ sung lại một số điều luật, trong đó, hồ sơ vụ án phải đưa băng ghi hình vào, nếu hồ sơ nào chưa có băng ghi hình thì chưa đủ điều kiện để xét xử, khởi tố, tuyên án.
Việc quay camera khi đã lắp camera rồi phải có quy định chặt chẽ về quản lý hoạt động của máy và bộ nhớ của máy. Với vụ án bất thường thì từ luật sư, đại biểu Quốc hội, báo chí hoặc những cơ quan có thẩm quyền đề nghị cơ quan điều tra cung cấp để xem kết quả băng ghi hình đó thì đơn vị quản lý phải thực hiện. Chủ trương trang bị camera thì cũng cần phải ra văn bản quy định để thực hiện việc giám sát mang tính rộng hơn chứ không phải chỉ bó hẹp ở cơ quan điều tra.
Còn theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, cho rằng, thực tế oan sai do cơ quan điều tra vi phạm tố tụng khi hỏi cung là có. Do vậy theo tôi thì việc lắp Camera giám sát hoạt động hỏi cung là cần thiết, là bằng chứng để chứng minh các điều tra viên có tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật khi hỏi cung hay không, có giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ cho bị can, người bị tạm giam, tạm giữ không, có mớm cung, chuẩn bị sẵn lời khai không...? Thậm chí ngay cả khi xét xử cũng cần có camera ghi lại nhằm đảm bảo cơ quan xét xử tuân thủ hoạt động tố tụng. Vì nhiều khi những sai phạm này không được ghi vào biên bản phiên tòa nên không có chứng cứ.
Bên cạnh đó, các cơ quan điều tra cần phải tạo điều kiện cho luật sư tham gia vụ án ngay từ giai đoạn đầu (đối với luật sư mời và luật sư chỉ định ở những vụ án bắt buộc phải có người bào chữa) để đảm bảo tính khách quan cho vụ án. Thực tế, theo quy định tại các Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự thì "người bào chữa" nói chung, luật sư nói riêng được quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thì Luật sư được tham gia từ khi có quyết định tạm giữ (trước khi khởi tố bị can). Trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Luật sư tham gia sau khi kết thúc điều tra. Cũng theo quy định tại Khoản 2 điều này thì Luật sư được quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu được Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can. Tuy nhiên thực tế thì có nhiều lý do khiến luật sư không thực hiện được các quyền này.
Ngoài việc lắp Camera thì theo tôi đối với những vụ án mà luật sư đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bị can thì việc lấy lời khai của bị can phải dừng lại đến khi luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa (thời hạn tối đa để được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư là 03 ngày - thậm chí cần phải sửa lại là 01 ngày). Khi luật sư đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa thì tất cả các bản hỏi cung chỉ có giá trị khi luật sư chứng kiến và ký vào biên bản; kể cả những nội dung bị can đã khai trước đó phải được làm rõ lại trước sự chứng kiến của luật sư. Trừ trường hợp bị can từ chối luật sư trước mặt luật sư. Vì đôi khi việc oan sai này nó không xuất phát từ cơ quan điều tra mà do bị can thiếu hiểu biết, tâm lý không vững vàng nên khai không chính xác, không đầy đủ. Có luật sư thì bị can sẽ cảm thấy tự tin, tâm lý vững vàng và khai báo chính xác hơn.