Thủy điện An Khê bị cát vùi khủng khiếp như thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Thủy điện An Khê bị cát vùi sâu đến 4-5 cm, chôn lấp, tràn ngập nhiều khu vực như nhà kho, hệ thống kênh thoát nước, máy móc, thiết bị… khiến nhà máy tê liệt hoàn toàn.

Đợt lũ vừa qua, Thủy điện An Khê (thuộc Công ty Thủy điện An Khê – Ka Nak) trở thành nỗi khiếp đảm, hãi hùng của hàng ngàn hộ dân ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai và vùng hạ lưu sông Ba vì xả lũ khiến nơi này chìm trong biển nước. Nhưng chính nhà máy này cũng là “nạn nhân chết lâm sàng”, hiện tê liệt hoàn toàn do bị vùi sâu trong đất cát. 
 
Thảm họa cát vùi ở Nhà máy Thủy điện An Khê diễn ra vào tối 15/11, nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn còn bị che lấp. Vài ngày sau khi lũ rút, ngay cả chính quyền tỉnh Bình Định, nơi nhà máy đứng chân, thậm chí cũng còn ngơ ngác khi nghe đề cập đến mức độ nghiêm trọng của sự cố.
Đến 22/11, tức một tuần sau vụ cát vùi, Ban Quản lý thủy điện 7, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện An Khê mới huy động khoảng 500 người cùng phương tiện để khắc phục sự cố này.
 Nhiều khu vực, thiết bị của nhà máy bị cát vùi sâu.
Hiện, có đến 500 người cùng nhiều phương tiện cơ giới được Ban Quản lý dự án thủy điện 7 huy động dọn dẹp nhưng quang cảnh đổ nát, hoang tàn vẫn còn hằn đậm. Không chỉ khu vực trong nhà máy mà quanh khu vực bên ngoài như tại suối Cát, kênh dẫn xả nước từ Nhà máy thủy điện An Khê ra sông Kôn (Bình Định), cũng bị cát lấp dày, nhiều đoạn bị sạt lở nặng. Đường ống dẫn nước từ nhà máy ra bên ngoài cũng bị hư hỏng nhiều đoạn. Cầu Soi Lốt đường dẫn vào nhà máy bị lở một mố cầu, cầu tràn suối Cát bị vỡ tường dẫn và bị nước cuốn trôi một nhịp.
 Xung quanh khuôn viên nhà máy.
Trước đó, sau thông tin ban đầu trên một tờ báo, rất nhiều PV đã tìm cách tiếp cận Thủy điện An Khê nhưng trước sau đều bị bảo vệ cấm cửa với lý do “nhà máy đang khắc phục. Lãnh đạo có lệnh không tiếp báo chí”. Lãnh đạo nhà máy, công ty và chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án thủy điện 7 im lặng kéo dài hoặc liên tục từ chối tiếp xúc.
Phải đến chiều 22/11, sau rất nhiều nỗ lực, một số nhà báo mới lách qua được “khe cửa hẹp” để khảo sát hiện trường. Công ty An Khê – Ka Nak cử một nhân viên tên Cương dẫn đường. Trong suốt thời gian “làm việc”, ông Cương không nói bất cứ điều gì, ngoài việc giải thích “do lũ ống quá lớn, đất cát không biết từ đâu trên núi ào ạt tràn về”.
 Bên trong nhà máy, lớp cát và bùn dày đặc.
Theo quan sát tại hiện trường, Thủy điện An Khê bị cát vùi sâu đến 4-5 cm. Cát chôn lấp, tràn ngập nhiều khu vực như nhà kho, hệ thống kênh thoát nước, máy móc, thiết bị…, ... khiến nhà máy phải ngừng hoạt động.
Ông Trần Phi (57 tuổi, thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận) cho biết: "Từ nhỏ đến giờ tôi chưa chứng kiến đợt lũ nào lớn như thế này. Ở đây nhân dân rất phân vân không biết có phải do nhà máy thủy điện xả lũ mới gây ra sạt lở hay không".
Còn ông Đỗ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết, lâu nay Nhà máy thủy điện An Khê hoạt động cũng gây xói lở một phần nhưng đợt này kết hợp với mưa nên xói lở đất rất nhiều và làm hư hỏng cầu Suối Cát do công ty làm trước đó. Còn vấn đề lũ lụt có phải do nhà máy thủy điện hay không thì cần có ngành chức năng chuyên môn thẩm định.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó GĐ Sở Công thương Bình Định, cho biết: “Sau khi sự cố xảy ra, chúng tôi đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường. Thực tế cho thấy, trong cơn lũ vừa qua, trong lúc nước lũ đang lên cao thì bất ngờ có 1 cơn lũ quét ập xuống Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nat. Hai sức nước cộng hưởng đã dâng ngập nhà máy, lút cả tháp thủy lực. Khi ấy nhà máy dừng vận hành ngay để bảo toàn thiết bị”.
Minh Hiếu (Tổng hợp)

Bình luận(0)