Các nhà khoa học tiếp tục kêu gọi dừng khai thác bauxite

Google News

(Kiến Thức) - Dự án bauxite Tây Nguyên dù đã được triển khai nhưng vẫn bị các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục phản đối gay gắt vì có quá nhiều cái hại. 

Dự án bauxite ở Tây Nguyên đã qua 2 khóa Quốc hội với nhiều ý kiến phản đối của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhưng vẫn được triển khai. Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học vẫn tiếp tục lên tiếng, kêu gọi Nhà nước không nên khai thác bauxite vì hại nhiều hơn lợi.
Hiện dự án bauxite Tây Nguyên đang được triển khai nhưng vẫn bị các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục lên tiếng phản đối, kêu gọi Nhà nước không nên khai thác bauxite vì hại nhiều hơn lợi.
GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường, Đại học Công nghiệp TP HCM phân tích, trước tiên cần đánh giá về tác động xấu tới môi trường đất, nước bị hủy hoại nghiêm trọng khi triển khai dự án. Do bauxite của Việt Nam phân bố không đều (kiểu da hổ), độ dầy, độ sâu không bằng nhau, khi khai thác phải khai thác mỗi chỗ một ít gây nên đất tổ ong, nguy cơ phá nát mặt bằng là không thể tránh khỏi. 
Trong khi đó, lịch sử khai thác tài nguyên của Việt Nam chưa bao giờ hoàn thổ được trọn vẹn, khả năng hoàn thổ khó có thể làm được. Mặt bằng sau khi khai thác không còn khả năng sử dụng canh tác trồng trọt. Môi trường nước bị ảnh hưởng do phải sử dụng một lượng nước khổng lồ hàng nghìn m3 để phục vụ sản xuất. Nhất là mùa khô thì phải khai thác nước ngầm, trong khi nguồn nước ngầm địa bàn Tây Nguyên đang rất cạn kiệt, không đủ tưới cà phê, trồng trọt, phục vụ sinh hoạt của nhân dân. 
GS.TSKH Lê Huy Bá cho biết thêm, nguy hại hơn là những hồ chứa chất thải bùn đỏ có độ cao tới hàng trăm mét với độ an toàn không bao giờ tuyệt đối. Bởi không ai đảm bảo rằng ở đó không có động đất xảy ra, nếu vỡ đập thì bùn đỏ tràn xuống hạ lưu, hậu quả tiêu diệt cây cối, môi trường sinh vật là khôn lường.  
Về kinh tế, chất lượng alumin tinh luyện phụ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc, công nghệ lạc hậu, sản xuất không kinh tế, làm phép tính đơn giản cho thấy giá trị kinh tế 7 tấn nhôm = 1 tấn cà phê. Quy trình sản xuất từ bauxite ra alumin, ra nhôm, từ phế thải bùn đỏ khai thác quặng sắt... tất cả đều phải dùng điện năng, lượng điện dùng vào sản xuất là rất lớn. 
Với nhiều cái không, nên dừng dự án bauxite trước khi quá muộn, đặc biệt những nguy hại với môi trường thì không lợi nhuận nào có thể cứu vãn nổi! 
Hương Nguyên

Bình luận(0)