Dự án bauxite sau 4 năm: Trồng cây phi khoa học

Google News

(Kiến Thức) - Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển cho rằng, việc trồng cây, phục hồi môi trường như hiện nay của chủ đầu tư là phi khoa học.

Đối phó, thiếu bài bản

Phản hồi hai bài viết sau chuyến đi thực tế dự án bauxite Tây Nguyên mà Báo điện tử Kiến Thức đã đăng, ông Phạm Quang Tú nhận định, từ các bức ảnh chụp cho thấy việc trồng cây thử nghiệm trên khu đất 4ha tại Tân Rai là thiếu bài bản, thể hiện cách làm cho qua chuyện, đối phó của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Trước hết, theo nguyên tắc nếu là dự án thử nghiệm thì khu thử nghiệm phải được phân ô, phân khoảnh để trồng cây. Mỗi một ô, khoảnh sẽ được trồng các loại cây khác nhau, ví dụ, một ô trồng keo, một ô trồng bạch đàn và có những ô thì được trồng hỗn hợp, xen kẽ các cây trồng. Trong mỗi ô, khoảnh, các cây trồng phải có độ tuổi giống nhau mới có thể so sánh, đối chứng. 

Thứ nữa, theo yêu cầu kỹ thuật lâm sinh (lâm nghiệp) cây trồng phải có hàng, lối rõ ràng. Hố trồng cây phải được đào đúng kỹ thuật và khoảng cách giữa cây trồng phải được tính toán. Có như thế thì mới có thể có kết quả để kết luận.

Tuy nhiên, tại khu vực 4ha ở Tân Rai, người ta trồng đủ các loại cây (keo, bạch đàn, thông) trong cùng một vùng, chỗ thì nhiều, chỗ lại rất thưa hoặc không có cây. Điều này cho thấy, khi trồng, người ta không phân hàng, phân lối rõ ràng, bạ đâu trồng đó. Cách làm này là phản khoa học. Có 2 nguyên nhân dẫn đến việc này, có thể là do năng lực người phụ trách khâu hoàn thổ và phục hồi môi trường kém có thể do cách làm qua loa và đối phó của chủ đầu tư.

Hơn nữa, nếu cây trồng thử nghiệm đã được trồng cách đây 2 năm thì cây quá còi cọc. Thông thường cây keo lai trồng ở Tây Nguyên (tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông) sau 6 năm có thể khai thác (với chiều cao khoảng 18m và đường kính thân cây ngang ngực đạt 12cm). Trong khi đó, cây keo ở đây trồng sau 2 năm mà chiều cao cây cao chưa đầy 2 - 3m là còi cọc. Có thể khẳng định chất lượng đất hoàn thổ sau khai thác bauxite kém và quá trình chăm sóc cây là không tốt. 

2 dự án bauxite đang khai thác trên đất trồng chè, cà phê và thông. (Ảnh do Viện Tư vấn Phát triển cung cấp)

Không thể đánh tráo khái niệm

Về nguyên tắc, trên tầng quặng bauxite ở Tây Nguyên đều có lớp đất đỏ bazan bao phủ và cây trồng có thể phát triển tốt trên các tầng đất này. Tuy nhiên, ở một số nơi, do thảm thực vật trên đất bauxite đã bị tàn phá (do phá rừng hoặc mưa rửa trôi...) nên đã không giữ được lớp đất phủ. Với đặc điểm quặng bauxite có chứa một hàm lượng sắt khá lớn nên khi lộ thiên, sắt bị oxy hóa, tạo ra một lớp "mũ sắt" cứng bao bọc vì thế cây trồng không thể phát triển được. Tuy nhiên, tỷ lệ diện tích đất như thế này ở Tây Nguyên không nhiều do đất đai đều đã được người dân sử dụng. 

Đối với những vùng đất đã bị rửa trôi và lộ thiên quặng bauxite (như một số vùng tại huyện Tuy Đức và ở mỏ 1 - 5) thì việc khai thác quặng rồi tiến hành bồi bổ đất màu từ nơi khác và trồng cây là điều tốt, nên làm. Tuy nhiên, các vùng mà Vinacomin đang khai thác ở Tân Rai và Nhân Cơ đất đai phần lớn đang còn lớp phủ thực vật. Tại đó người dân vẫn đang canh tác và trồng các loại cây công nghiệp như chè, cà phê và đặc biệt ở những vùng xung quanh nhà máy Tân Rai là rừng thông.

Việc chủ đầu tư cho rằng, phần lớn các vùng đất có bauxite thì không thể trồng cây và khai thác bauxite sẽ cải tạo đất, giúp đất tốt lên là không có cơ sở, mang tính ngụy biện và đánh tráo khái niệm. 

Ông Tú cho rằng, do đặc điểm tầng quặng mỏng nên quá trình khai thác bauxite sẽ chiếm dụng nhiều đất đai hơn so với các loại hình khai thác khoáng sản khác. Ngoài ra, hiện nay Vinacomin đang chuyển hướng sang thuê đất để khai thác bauxite và sẽ trả lại cho người dân sau một số năm thì việc nghiên cứu và đầu tư một cách thỏa đáng vào công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường để đảm bảo đất sau khai thác bauxite có thể canh tác, sản xuất là yêu cầu bắt buộc đối với chủ đầu tư. Nếu không, đất được trả lại sau khai thác bauxite sẽ là một "cục xương", người dân sẽ không thể hoặc rất khó có thể canh tác trên những mảnh đất này.

Theo ông Lê Việt Quang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Nhôm TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng (Vinacomin), cùng với khu vực trồng thử nghiệm còn có khu trồng cây đối chứng trên đất bauxite chưa khai thác. Kết quả là cây trồng trên đất sau khai thác bauxite tốt hơn. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Tú cho rằng, tại khu đối chứng thể hiện sức sống tốt hơn bởi ngoài cây rừng còn có cây bụi, cây cỏ... trong khi đó tại khu vực thử nghiệm trồng cây sau khai thác cây cỏ, cây bụi không mọc được.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Minh Châu

Bình luận(0)