CA làm việc với cố vấn bà Phương Hằng, ông Dũng “lò vôi” có bị gọi tên?

Google News

Công an đã làm việc với cố vấn và hàng loạt trợ lý được cho đã giúp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng. Dư luận đặt câu hỏi, liệu ông Dũng “lò vôi” có bị gọi tên?

Cố vấn cùng hàng loạt trợ lý bị mời làm việc, vì sao?
Ngày 26/6, Công an TP HCM đã mời tiến sĩ luật Đặng Anh Quân - giảng viên Trường Đại học Luật TP HCM và luật sư Nguyễn Đình Kim lên làm việc. Đây là diễn biến mới trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi) - Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Ông Đặng Anh Quân bị bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh) và bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni) tố giác về hành vi làm nhục người khác, vu khống và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
CA lam viec voi co van ba Phuong Hang, ong Dung “lo voi” co bi goi ten?
Một buổi giao lưu của bà Nguyễn Phương Hằng. 
Cụ thể, đơn tố giác của ca sĩ Vy Oanh, ông Đặng Anh Quân được biết đến với vai trò là cố vấn pháp lý cho bà Hằng tại các buổi livestream. Ông Quân được bà Hằng giới thiệu có học vị tiến sĩ luật và đang công tác tại Trường đại học Luật TP HCM nên các buổi livestream của bà Hằng có ông Quân tham gia thu hút rất nhiều lượt xem, bình luận và chia sẻ vì người xem muốn được biết quy định của pháp luật liên quan đến từng chủ đề livestream của bà Hằng. Tuy nhiên, trong các buổi livestream cùng bà Hằng, ông Quân không chia sẻ nhiều về các quan điểm pháp lý hoặc nếu có cũng chỉ là những suy diễn dựa trên những thông tin chưa được xác thực, kiểm chứng.
"Phần lớn thời gian ông Quân tham gia cùng bà Hằng là để phụ họa, tạo điều kiện thuận lợi về mặt tinh thần, cũng như giúp sức, củng cố cho quan điểm sai trái của bà Hằng. Ông Quân đã dùng những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt nhằm vu khống, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của tôi" – ca sĩ Vy Oanh viết trong đơn.
Nhà báo Hàn Ni cho rằng, sự xuất hiện thường xuyên, liên tục của ông Quân - tiến sĩ luật, giảng viên Trường đại học Luật TPHCM, trong các buổi bà Hằng livestream là một cách để củng cố, ủng hộ và cố vấn pháp luật và làm tăng độ tin cậy cho bà Hằng.
"Việc ông Quân đồng hành trong các buổi livestream của bà Hằng, dù không phát ngôn nhiều, nhưng dựa trên sự có mặt của ông Quân, người được xã hội đánh giá và thừa nhận là có học thức, trình độ đã góp phần làm cho dư luận hiểu những phát ngôn của bà Hằng về tôi là có căn cứ, có cơ sở dẫn đến một bộ phận người nghe đã đánh giá không đúng về tư cách đạo đức, phẩm hạnh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh bản thân tôi" – nữ nhà báo nêu trong đơn tố giác.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã tiếp nhận đơn của bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh) (đề nghị khởi tố 9 cá nhân, có vai trò đồng phạm, giúp sức bị can Nguyễn Phương Hằng. Công an TP HCM sau đó đã mời làm việc với ba cá nhân bị tố giác có vai trò đồng phạm, giúp sức tích cực, giữ vai trò trợ lý, thư ký cho các buổi livestream của bà Phương Hằng gồm ông Huỳnh Công Tân, bà Lê Thị Thu Hà (Ha Lee) và bà Nguyễn Thị Mai Nhi (Hoàng Nhi) lên làm việc.
Theo bà Oanh, đây là nhóm người giữ vai trò trợ lý, thư ký xuyên suốt trong quá trình bà Hằng livestream cho đến khi bà Hằng bị bắt. Những người này đã giúp bà Hằng quản lý khoảng 12 kênh, trang mạng xã hội, lên kịch bản, khách mời trong các buổi livestream của bà Hằng để phát các thông tin trực tiếp với nội dung, ngôn từ sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tôi cũng như những cá nhân, tổ chức khác.
Nữ ca sĩ Vy Oanh cho rằng, hành vi của những cá nhân nêu trên có dấu hiệu của tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331 BLHS 2015. Do đó kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM xác minh, khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử những cá nhân trên.
Ông Dũng "lò vôi" có bị gọi tên?
Ngày 24/3/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với bị can Nguyễn Phương Hằng về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo khoản 2 Điều 331 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngày 22/6, theo đề nghị của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, Viện KSND TPHCM đã gia hạn tạm giam thêm 2 tháng đối với bị can Nguyễn Phương Hằng.
Công an TPHCM xác định, bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty Đại Nam, quản lý và sử dụng 12 kênh mạng xã hội và là người trực tiếp thực hiện các buổi livestream có nội dung xuyên tạc đời tư của nhiều cá nhân khác và nhiều vấn đề xã hội nhạy cảm, với những lời lẽ dung tục, phản cảm, thậm chí gây kích động, tạo nên một làn sóng văn hóa rác rưởi, làm "ô nhiễm" môi trường mạng và đời sống xã hội.
Đáng chú ý, bà Hằng có rất nhiều người, đội ngũ kỹ thuật giúp việc, trong đó có chồng bà - ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi). Vậy ông Dũng “lò vôi” có liên đới trách nhiệm?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội khi trao đổi về vụ việc trên từng cho rằng, sau khi khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng, lấy lời khai của bà Hằng cũng như người liên quan, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ được thực hiện như thế nào, để thực hiện hành vi đó thì có ai giúp sức xúi giục hay không?
“Bởi quá trình thực hiện hành vi này không chỉ một mình Hằng thực hiện, có người phụ giúp về mặt kỹ thuật cũng như về mặt nội dung, thông tin, đằng sau đó còn cả một đội ngũ tư vấn, hỗ trợ và cả những người tham gia livestream, cùng bàn luận trên mạng xã hội sẽ được điều tra”, luật sư Cường cho biết.
Trong trường hợp kết quả điều tra, truy tố, xét xử có căn cứ cho thấy đã có người giúp sức, xúi giục bị can thực hiện hành vi phạm tội như: Bàn bạc, thống nhất với nhau về phương thức thực hiện hành vi phạm tội, cung cấp các thông tin, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất cơ sở vật chất để bị can thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ có thể sẽ xử lý những người này với vai trò đồng phạm.
Theo luật sư Cường, tất cả những người tham gia các buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội, những người cung cấp thông tin, những người chuẩn bị phương tiện, thiết bị sẽ đều bị cơ quan điều tra triệu tập làm rõ để xác định vai trò là người làm chứng, người liên quan hay vai trò đồng phạm.
Trường hợp có căn cứ cho thấy ngoài bị can đã bị khởi tố còn có những người khác có cùng ý chí thực hiện hành vi nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố bị can để xử lý đối với những người đấy theo quy định về đồng phạm tại điều 17 của bộ luật hình sự.
Luật sư Nghiêm Xuân Lý - Đoàn Luật sư TPHCM từng trao đổi trên báo Công an TPHCM cho rằng, công an xác định bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó, bà Hằng sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Theo đó, những người tham dự cùng với bà Hằng có dấu hiệu đồng phạm theo điều 17 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Vì vậy, cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra để xem xét vai trò của từng đồng phạm như người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức để xử lý vụ án toàn diện, triệt để.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng:

Nguồn: THĐT

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)