Trong phiên tòa xử Dương Tự Trọng vừa qua về hành vi tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài, với tư cách nhân chứng, Dương Chí Dũng đã khiến tất cả mọi người dự toà cũng như những ai quan tâm “chết lặng” khi khai ra "ông anh" mật báo. Theo đó, người mật báo cho ông Dũng về quyết định ông bị khởi tố, bắt tạm giam chính là một Thứ trưởng Bộ Công an. Ngoài việc mật báo thông tin này, Dương Chí Dũng còn khai đã đưa tiền hối lộ cho "ông anh" và một số người khác, trong đó "ông anh" đã nhận 510.000 USD.
|
Dương Chí Dũng khai tên người báo tin cho mình chạy trốn. |
Trả lời báo giới về lời khai của Dương Chí Dũng ngày 8/1, Trung tướng Hoàng Kông Tư, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết: Về thông tin này, trước đây trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng đã khai báo, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã báo cáo kịp thời lãnh đạo Bộ Công an. Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra báo cáo với cấp có thẩm quyền và khẩn trương điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật. Kết quả điều tra, xác minh đến nay xác định không có cuộc gọi trao đổi trong các list (danh sách) điện thoại như Dương Chí Dũng khai báo và bản thân Dương Chí Dũng cũng đã nhiều lần thay đổi lời khai trước Cơ quan An ninh điều tra, nên chưa đủ căn cứ kết luận.
Theo Trung tướng Hoàng Kông Tư, quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự nêu rõ, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp điều tra do pháp luật quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.
Chiều 8/1, Chủ tọa Trương Việt Toàn đã thay mặt Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội công bố quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự. “Quyết định khởi tố vụ án sẽ được gửi tới VKSND TP Hà Nội”, Chủ tọa phiên tòa khẳng định.
Vậy, câu hỏi đang được dư luận đặt ra: Có bằng chứng nào đưa "ông anh" mật báo ra anh sáng trong thời gian tới hay lời khai của Dương Chí Dũng là giả?
Trao đổi với Kiến Thức, LS Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho biết: Việc Dương Chí Dũng khai nhận trước tòa được "một ông anh" ở Bộ Công an mật báo cho biết tin mình bị bắt cũng là dễ hiểu. Điều này phù hợp với các tình tiết diễn biến của vụ án.
"Tôi luôn nghĩ "không có lửa làm sao có khói". Không có lý do gì để Dương Chí Dũng bịa đặt ra những điều đó. Vấn đề bây giờ là đã khởi tố vụ án, các cơ quan phải xác minh rõ ràng, có chứng cứ cụ thể để kết luận. Phải làm rất cẩn trọng vì đó là uy tín, là sinh mệnh chính trị của cán bộ", luật sư Xiểm nói.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết thêm: "Khi còn làm, tôi đã chứng kiến những vụ việc mà theo hiểu biết của mình, theo những hồ sơ mình tiếp cận, theo người tố cáo nói, thì việc cán bộ cấp cao kia nhận cả một va li tiền là có thật. Thế nhưng, không thể tìm ra manh mối, không có một bằng chứng nào để chứng minh được điều đó. Không có giấy nhận tiền là đương nhiên rồi, nhưng cũng không có ghi âm, không có quay phim, không có bằng chứng. Cán bộ kia thì đương nhiên là chối bay chối biến. Do vậy, thực tế nhiều vụ án đã phải bị đình chỉ điều tra do không tìm ra được bằng chứng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng trong vụ án này, với sự quan tâm của dư luận, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự thật, dù là khó, rất khó, cũng sẽ được tìm ra. Nếu không tìm ra bất cứ bằng chứng gì, chỉ dựa vào lời khai tại tòa, thì rất khó để khởi tố bị can".
Liên quan tới vấn đề này, Luật sư Hoàng Văn Thạch, Văn phòng Luật sư Trí Minh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng nếu cơ quan điều tra chứng minh được lời khai của ông Dũng là đúng sự thật thì "ông anh" mật báo sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý làm lộ bí mật công tác” theo Điều 286 Bộ luật Hình sự và cả “tội nhận hối lộ” theo Điều 279 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, Điều 286 Bộ luật Hình sự quy định các trường hợp sau: 1.Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 và Điều 263 của Bộ luật này (Điều 263 Bộ luật Hình sự quy định về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Nếu trường hợp bí mật bị tiết lộ trên thuộc bí mật Nhà nước thì sẽ quy tội theo điều 263 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”. Hình phạt đối với tội này quy định như sau: 1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Về tội nhận hối lộ, theo điều 279 Bộ luật Hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình trong trường hợp: 1) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; 2) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
“Nếu lời khai của Dương Chí Dũng với nội dung "ông anh" mật báo đã nhận hối lộ tổng cộng 510.000 USD được điều tra và kết luận là đúng thì với số tiền nhận hối lộ này (trên 300 triệu đồng), vị này có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”, Luật sư Hoàng Văn Thạch nói.