Trong phiên trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 1/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định, sau một thời gian thực hiện nhiều giải pháp đột phá, tình trạng xuống cấp y đức trong ngành y tế đã có chuyển biến. Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế cũng xác nhận, trong tương lai sẽ dừng loại hình đào tạo bác sĩ chuyên tu.
|
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. |
Không thể chấm dứt vi phạm y đức
Trả lời chất vấn của các ĐBQH về tình hình y đức trong ngành y tế hiện nay, Bộ trưởng Y tế cho biết, ngành y tế luôn nhận thức y đức là rất quan trọng. Bộ Y tế đã ban hành 12 điều y đức, các quy tắc ứng xử đối với cán bộ, nhân viên y tế, đã tổ chức 11 lớp tập huấn cho hàng ngàn cán bộ từ tuyến huyện, tỉnh cho đến trung ương. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kim Tiến thừa nhận rằng, những chuyển biến này chưa lớn so với kỳ vọng.
Trả lời đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) về hiệu quả của đường dây nóng, Bộ trưởng Kim Tiến nói, nhờ sự hỗ trợ công nghệ của Viettel, sau 5 tháng triển khai đường dây nóng, Bộ Y tế đã nhận được 6.700 cuộc gọi, trong đó có khoảng 2700 cuộc gọi là đúng nội dung liên quan đến y tế. Có 40% các cuộc gọi phản ánh về y đức, 16% cuộc gọi phản ánh về thái độ của cán bộ y tế, 22% phản ánh về việc nhân viên y tế làm sai các quy định, và 22% phàn nàn về cơ sở vật chất. Nhưng Bộ trưởng Kim Tiến công nhận, “phản ánh của đồng bào là rất đúng”.
Về việc tiếp tục chấn chỉnh y đức, Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp như: buộc thôi việc, chuyển công tác, hạ bậc lương đối với những nhân viên y tế vi phạm y đức. Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện việc công khai số điện thoại đường dây nóng tại các bệnh viện, các phòng khám; sử dụng công nghệ cao để ghi âm lại tất cả các cuộc trao đổi từ đường dây nóng nhằm tổng kết, xử lý và chấn chỉnh những vấn đề mà nhân dân phản ánh.
Về các tai nạn xảy ra liên tiếp trong ngành y vừa qua,
Bộ trưởng Kim Tiến khẳng định: “Một khi có bệnh nhân thì phải có việc khám chữa bệnh, khi có việc khám chữa bệnh thì có thể là khỏi bệnh, có thể có di chứng hoặc tai biến, hoặc có thể tử vong. Đây là những lỗi y khoa chưa thể khắc phục, mấy trăm năm nữa cũng vẫn còn. Tai biến y khoa là không thể tránh khỏi, ngay cả ở Mỹ, mỗi năm cũng có tới 12.000 ca tai biến y khoa”. Bộ trưởng Y tế cũng xác nhận, ngoài những tai nạn do tai biến y khoa, thì còn có những tai nạn do tiêu cực, do tinh thần vô trách nhiệm của các bác sĩ, nhân viên y tế, điển hình như vụ nhân bản xét nghiệp y khoa ở Bệnh viện Hoài Đức, vụ tiêm nhầm vắc-xin ở Quảng Trị.
Tuy nhiên, khi Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) hỏi tới bao giờ thì tình trạng tiêu cực trong ngành y chấm dứt, Bộ trưởng Kim Tiến cho biết,
bà không dám trả lời câu hỏi này. Bộ trưởng Y tế nói: “Chỉ có thể hạn chế tiêu cực trong ngành y chứ không thể chấm dứt được tình trạng vi phạm y đức”.
Sẽ dừng loại hình đào tạo bác sĩ chuyên tu
Trả lời câu hỏi về cơ sở vật chất, nhân sự ngành y của ĐB Trương Minh Hoàng (Đồng Nai),
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Cơ sở vật chất là điều mà Bộ Y tế hết sức trăn trở, nhưng lĩnh vực này (PV) lại vượt quá quyền hạn của Bộ Y tế. Các bệnh viện trung ương từ khi giải phóng thủ đô vẫn vậy. Vừa qua, chính phủ đã chi tiền để xây dựng cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức. Nguồn lực của đất nước còn nghèo nhưng chính phủ đã nỗ lực rất lớn. Trong tương lai không xa, cơ sở vật chất ngành y tế sẽ tăng lên, thu hút bệnh nhân nhiều hơn”.
|
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Về nhân lực, Bộ trưởng Kim Tiến đảm bảo, số lượng dược sĩ, bác sĩ trong tương lai sẽ tăng lên, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Việc quản lý chất lượng quy mô đào tạo sẽ chặt chẽ hơn. Đặc biệt, Bộ trưởng Y tế khẳng định, hình thức đào tạo bác sĩ chuyên tu sẽ bị hạn chế và tiến tới dừng hẳn loại hình đào tạo này. Đồng thời, Bộ Y tế vẫn duy trì hình thức đào tạo bác sĩ cử tuyển, áp dụng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đến năm 2018, sẽ có khoảng 1800 bác sĩ cử tuyển tốt nghiệp và được đưa về vùng sâu vùng xa.
Nói về lý do duy trì loại hình đào tạo này, Bộ trưởng Kim Tiến cho biết: “Chất lượng của bác sĩ cử tuyển mặc dù không cao như bác sĩ thi tuyển, nhưng nếu thi tuyển, thì con em đồng bào dân tộc thiểu số không thể thi đậu vào các trường ĐH Y, nên loại hình đào tạo này vẫn duy trì để cung cấp bác sĩ cho vùng sâu vùng xa, vùng bà con dân tộc thiểu số”.
Trả lời chất vấn của ĐB Thạch Dư (Trà Vinh) về việc tồn tại nhiều trung tâm y tế ở các tuyến tỉnh, tuyến huyện, Bộ trưởng Kim Tiến nói, Bộ Y tế rất trăn trở về bộ máy các đơn vị sự nghiệp trong hệ thống y tế địa phương. Có khi một huyện có tới 3 trung tâm y tế khác nhau, chưa kể có huyện còn có cả Trung tâm Vệ sinh An toàn thực phẩm. Sự phân chia các trung tâm này theo Bộ trưởng Y tế gây ra sự tốn kém, lãng phí về nhân lực, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng. Bộ trưởng nói: “Nếu quay lại mô hình hệ thống y tế trước đây, mỗi huyện có thể “tiết kiệm” được từ 50 đến 70 bác sĩ”.
Bộ trưởng Y tếcho biết, bộ này đang xây dựng mô hình hệ thống y tế liên hợp theo mô hình của các nước như Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc… Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ ngành liên quan có chấp nhận mô hình này không lại là vấn đề khác, Bộ trưởng Kim Tiến trăn trở.
Nên trưng cầu dân ý
Tham gia chất vấn và thảo luận tại UBTV QH chiều 1/4, Phó chủ nhiệm UBKT Quốc hội Nguyễn Văn Phúc phát biểu: Mấy ngày nay, Chính phủ và dư luận cũng bàn tán sôi nổi về việc VN có nên đăng cai Asiad 18 hay không. Cá nhân tôi cho rằng, không nên đăng cai Asiad để dành kinh phí đầu tư cho ngành y tế. Nếu cần thiết, chúng ta phải trưng cầu dân ý, cần thực hiện những cuộc lấy ý kiến nhân dân. Rõ ràng khi đi tiếp xúc cử tri, chúng ta thấy rằng, cần phải tiếp tục đầu tư cho y tế. Tuy nhiên, khi đầu tư thì cần phải đầu tư đồng bộ. Theo ông Phúc, nhiều địa phương có bệnh viện, trang thiết bị hiện đại, nhưng lại không có bác sĩ có khả năng sử dụng những thiết bị này.