Vụ TMV Cát Tường: Chúng tôi đã làm đúng nhiệm vụ được giao
Vụ việc bác sĩ Thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác khách hàng xuống sông Hồng phi tang đã gây chấn động và phẫn nộ trong dư luận nhiều ngày nay. Trong lúc các cơ quan chức năng đang đùn đẩy trách nhiệm của mình, ngày 26/10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời báo chí bằng văn bản về trách nhiệm quản lý nhà nước về vụ việc này.
|
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến liên tục có những phát ngôn "khó hiểu". |
Trong phần trả lời bằng văn bản này, ngoài việc cho biết rất buồn, đau xót, bất bình về vụ việc, hành vi của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, cùng lời chia buồn gửi đến gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, Bộ trưởng Y tế Kim Tiến nói: “Để xảy ra sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về nhiều phía, trước hết là của chính cá nhân người vi phạm, của các cấp sở tại và quản lý ngành. Cá nhân bác sỹ Tường đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức cơ bản của một con người nói chung và đạo đức của người thầy thuốc nói riêng; hành vi trên thể hiện ý thức rất kém trong việc chấp hành pháp luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp. Việc quản lý không chặt chẽ, sát sao của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã dẫn đến việc không ngăn chặn kịp thời các vi phạm.
Như vậy, bà Tiến không nói rõ trách nhiệm của Bộ Y tế cũng như của cá nhân Bộ trưởng trong vụ việc này như thế nào, chỉ nói chung chung các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã không quản lý chặt chẽ, thế nên mới có chuyện thanh tra Bộ Y tế đổ lỗi cho Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế lại đổ lỗi cho bệnh viên Bạch Mai và cho phòng y tế quận, sau đó bệnh viện Bạch Mai lại phản pháo, tố lại Sở Y tế Hà Nội.
Không những không nêu ra trách nhiệm cụ thể của Bộ Y tế cũng như cá nhân Bộ trưởng trong vụ việc này, Bộ trưởng Kim Tiến còn khẳng định Bộ đã thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. “Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, chúng tôi tiếp tục thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức triển khai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh chữa bệnh, đặc biệt là luật Khám bệnh, chữa bệnh, nghị định 87/2011/NĐ-CP, thông tư 41/2011/TT-BYT về cấp phép hành nghề. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra giám sát các hoạt động quản lý ngành, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ngành chức năng của địa phương đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát hành nghề y tư nhân, trong đó có cả thẩm mỹ, trên địa bàn”.
|
Nguyễn Mạnh Tường, thủ phạm ném xác khách hàng để phi tang đang chỉ nơi vứt xác nạn nhân. |
Lỗi vắc xin, trách nhiệm chính thuộc về nhà sản xuất
Nhớ lại vụ việc 3 trẻ sơ sinh ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị tử vong sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B, Bộ trưởng Y tế giải thích rằng: “Tai biến sau tiêm chủng xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, trong đó nếu là do nguyên nhân sốc phản vệ, rất khó phản ứng kịp, hậu quả thường ở mức cao nhất là trẻ tử vong. Một nguyên nhân cũng khá phổ biến gây ra những vụ tai biến sau tiêm chủng chính là do chất lượng vắc xin. Nếu điều này xảy ra, trách nhiệm chính thuộc về nhà sản xuất.
Nguyên nhân cuối cùng, thường gặp đó là do lỗi "kỹ thuật" của y bác sỹ như tiêm nhầm thuốc, bảo quản vắc xin không đúng quy trình. Tất cả những yếu tố đó sẽ tác động rất lớn đến tỷ lệ tai biến sau tiêm chủng”.
Nữ Bộ trưởng còn khẳng định: “Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật”.
Phát biểu của Bộ trưởng Y tế càng làm dư luận thêm “nổi sóng” vì cho rằng Bộ trưởng dường như chưa thấu hiểu nỗi đau, mà còn cố gắng tìm cách né trách nhiệm. Dư luận hoang mang không biết rằng theo phát ngôn Bộ trưởng “lỗi của vắc xin thì xử vắc xin”… Vậy, làm thế nào “xử” được vắc xin?! Nếu chất lượng vắc xin kém, theo Bộ trưởng thì trách nhiệm thuộc về nhà sản xuất, vậy mọc ra cơ quan thanh tra, giám sát của Bộ để làm gì?
|
Một bé sơ sinh xấu số ở Hướng Hóa, Quảng Trị tử vong sau khi đi tiêm phòng vắc xin viêm gan B. |
Vụ nhân bản kết quả xét nghiệm: Thực thi chính sách là nhiệm vụ của chính quyền, Bộ chỉ ban hành chủ trương
Vụ việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội bị phát giác vừa qua đã khiến dư luận vô cùng bất bình, hoang mang. Trả lời báo chí về trách nhiệm của Bộ Y tế trong vụ này, Bộ trưởng Kim Tiến cho biết: Trong công tác quản lý ngành, trách nhiệm của Bộ là ban hành văn bản pháp luật, chủ trương chính sách, đốc thúc thực hiện các quy định nhưng triển khai thực thi chính sách là nhiệm vụ của chính quyền. Vì thế, việc thực thi sai ở chỗ nào, cấp nào, ai làm không nghiêm thì sẽ phải xử lý cho nghiêm.
Thiếu giường bệnh thì phải hỏi… Nhà nước
Ngày 27/5/2013, bên hành lang phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Kim Tiến đã trả lời báo chí về vấn đề giảm tải bệnh viện, đầu tư cho ngành y tế…
Liên quan đến tình trạng quá tải bệnh viện kéo dài nhiều năm nhưng việc khắc phục vẫn diễn ra rất chậm, 3-4 bệnh nhân vẫn phải nằm ghép giường, phóng viên có đặt vấn đề, Bộ Y tế đưa ra thời điểm cụ thể giải quyết vấn đề này.
Bộ trưởng Tiến đã không ngần ngại trả lời rằng: “Câu hỏi này cũng phải dành cho Nhà nước vì Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà, xây bệnh viện hay mua trang thiết bị. Chúng tôi rất chia sẻ với cử tri và cảm thấy đau xót vô cùng với những nỗi vất vả mà người dân phải chịu khi nằm ghép, chờ đợi lâu. Nhưng cái chính là đầu tư vì Nhà nước mình còn nghèo. Ðương nhiên, Nhà nước đã cố gắng nhưng không thể giải quyết một sớm một chiều”.
Chính phủ với vai trò lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành đã giao nhiệm vụ giải quyết các vấn đề của ngành cho những người đứng đầu. Vậy mà Bộ trưởng Kim Tiến chuyển câu hỏi của dân cho “Nhà nước” thì người dân biết phải… hỏi ai?
Tăng viện phí là… thành tựu y tế
Ngày 4/1/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký quyết định công bố 10 thành tựu tiêu biểu của ngành y tế năm 2012. Trong đó, việc tăng giá một số dịch vụ y tế là một trong những thành tựu hàng đầu.
Tại phiên chất vấn ở Quốc hội tháng 11/2012, Bộ trưởng Kim Tiến từng thốt lên rằng, mức viện phí hiện nay là quá thấp so với giá thực chi, vô hình trung làm khổ người dân. Bộ trưởng Tiến cho rằng, việc tăng giá dịch vụ không ảnh hưởng đến người nghèo mà hoàn toàn ngược lại. Nữ Bộ trưởng nhấn mạnh, chính vì giá dịch vụ thấp nên chất lượng không thể cao, vừa làm khổ bệnh nhân, vừa làm khổ bác sĩ.
Tuy vậy, người dân cho rằng, không biết Bộ trưởng có đặt vị trí vào quần chúng để hiểu, rằng thu nhập, mức sống của người dân thì có hạn, mà cứ tăng viện phí mãi như thế chỉ “thành tựu” cho bác sĩ, y tá còn người dân thì sẽ chỉ… “thành bệnh”?