Liên tiếp hàng loạt sự kiện liên quan tới bộ này xảy ra thời gian gần đây như tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt ở Nhật vì buôn hàng lậu, hàng ăn cắp; quan chức đường sắt Việt Nam bị tố nhận hối lộ 16 tỷ đồng của Nhật trong một dự án ODA; tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích; học sinh, thầy cô giáo vượt suối Nậm Pồ bằng túi nilon để đến trường; cầu treo Chu Va sập… đã khiến Bộ trưởng Thăng phải “xoay như chong chóng” để xử lý.
Mới đây nhất, hôm qua (28/3), Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản liên quan tới nghi án Công ty JTC của Nhật hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam để thắng thầu 1 dự án ODA. Tại buổi làm việc này, hai bên đã thống nhất, để việc trao đổi thông tin và thảo luận những biện pháp phòng chống trong thời gian tới hiệu quả thì cần có các biện pháp phòng chống tái phát và thảo luận về đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực trong các dự án ODA của Nhật. Cũng trong buổi làm việc này, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, các thông tin liên quan đến nghi án nhận hối lộ trên sẽ được đề cập trong buổi họp báo quý I/2014 của Bộ vào đầu tuần tới và không ngoại trừ việc công bố “danh sách đen” các cán bộ nhận hối lộ.
|
Bộ GTVT đang khá đau đầu với vụ nghi an quan chức đường sắt Việt Nam nhận hối lộ 16 tỷ đồng từ một công ty Nhật. |
Trong vụ nghi án nhận hối lộ này, không để dư luận và báo chí phải chờ đợi, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã vào cuộc điều tra, xác minh ngay và đã có những động thái dứt khoát lúc đầu. Đầu tiên là Bộ trưởng Thăng yêu cầu đình chỉ công tác 15 ngày để điều tra hai cán bộ trong ban quản lý là ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam) và ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam). Sau đó, Bộ trưởng Thăng quyết định tạm dừng chức vụ trong 10 ngày đối với hai phó tổng giám đốc tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và mới đây nhất là yêu cầu 7 cán bộ đương chức tại Bộ Giao thông Vận tải và 3 cán bộ ngành giao thông đã nghỉ hưu phải làm báo cáo giải trình, trong đó có nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng. Bộ trưởng Thăng cũng lập tổ xác minh, đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin liên quan tới nghi án nhận hối lộ này.
Trong lúc đang phải giải quyết vụ nghi án đưa nhận hối lộ trên thì Bộ GTVT lại đau đầu đối diện và tìm cách xử lý với thông tin một nữ tiếp viên của Vietnam Airlines bị tố tuồn hàng ăn cắp tại Nhật.
Liên quan tới vụ việc này, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – thuộc Bộ GTVT) đã yêu cầu Đoàn bay, Đoàn tiếp viên ra quyết định đình chỉ bay đối với tiếp viên đang bị tam giữ tại Nhật và tạm thời đình chỉ bay thêm đối với 1 cơ phó và 4 nữ tiếp viên hàng không khác để làm rõ. Chi nhánh VNA tại Nhật Bản cũng đã nhanh chóng cung cấp tất cả những thông tin, tư liệu theo yêu cầu cho cảnh sát Nhật để điều tra thêm về vụ việc.
Một vụ việc khác mà Bộ GTVT cũng phải “lao tâm khổ tứ”, tập trung thời gian, nhân lực, tài chính trong thời gian vừa qua đó là vụ tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.
Kể từ khi chiếc máy bay Malaysia MH370 chở theo 239 người mất tích bí ẩn vào rạng sáng 8/3, Việt Nam cùng với 5 nước khác đã thực hiện tìm kiếm suốt một tuần ròng rã. Bộ GTVT đã phối hợp cùng với Quân đội Nhân dân Việt Nam huy động lực lượng chủ lực trên không, trên biển và phương tiện hiện đại thực hiện quy mô tìm kiếm cứu nạn máy bay mất tích với qui mô lớn chưa từng có, cùng với sự tham gia của Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Philippine trên khu vực biển Đông nước ta. Riêng Việt Nam đã huy động tổng lực với 11 máy bay vận tải quân sự, trực thăng và máy bay tuần thám của cảnh sát biển với 55 lượt bay tìm kiếm; 7 tàu biển hoạt động suốt ngày đêm; các tàu thuyền đánh cá của ngư dân trong khu vực tìm kiếm; lực lượng trên không, trên biển, trên bộ, quốc phòng an ninh, nhân dân các địa phương tham gia tìm kiếm.
Những hành động này cùng với thái độ, tinh thần tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam đã được dư luận trong nước và thế giới công nhận, trân trọng và hết lời khen ngợi.
Giới chức Việt Nam chưa từng đưa ra công bố nào về kinh phí nước ta phải chi ra trong suốt 1 tuần tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, nhưng truyền thông nước ngoài đã đưa tin rằng mỗi ngày Việt Nam phải bỏ ra nhiều tỷ đồng cho việc tìm kiếm máy bay của nước bạn.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: “Việt Nam tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích không chỉ vì trách nhiệm trong quy định và cam kết quốc tế về tìm kiếm cứu nạn mà còn vì tinh thần nhân đạo, tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế của Việt Nam. Chúng ta đã nỗ lực hết sức và triển khai tất cả lực lượng có thể để làm nhiệm vụ quốc tế này”.
Trong lúc đang bận rộn với những việc lớn trên, một câu chuyện nhỏ về việc các học sinh và thầy cô giáo ở bản Sam Lang (Nậm Pồ - Điện Biên) phải chui vào túi nilon để băng qua con suối Nậm Pồ tới trường học có lẽ cũng khiến Bộ trưởng Thăng cảm thấy nhức nhối.
Ngay khi đọc thông tin này trên báo chí, Bộ trưởng Thăng đã nghĩ ngay đến việc phải xây một cây cầu treo cho các em và bà con dân bản. Lúc này, ông đang đi công tác tại Nhật Bản. Ông đã giao Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trả lời một tờ báo về quyết định xây cây cầu này của Bộ.
Không những thế, Bộ trưởng Thăng còn nhắn tin cho cô giáo Tòng Thị Minh, người quay video clip các thầy cô, học sinh phải chui vào túi nylon để vượt suối đến trường. Tin nhắn của Bộ trưởng nói: “Cảm ơn em, anh sẽ cho anh em nghiên cứu để làm sớm 1 cây cầu treo. Còn đường thì tỉnh phải có trách nhiệm, anh sẽ có ý kiến với tỉnh. Chúc em khỏe”.
|
Cô giáo Tòng Thị Minh, người quay video clip các thầy cô, học sinh phải chui vào túi nylon để vượt suối đến trường. |
Có lẽ nhiều người không thể quên được hình ảnh và những hành động kịp thời của Bộ trưởng Đinh La Thăng khi sự cố sập cầu treo Chu Va 6 tại Lai Châu xảy ra. Ngay sáng hôm sau ngày xảy ra tai nạn, Bộ trưởng Thăng đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu để thăm hỏi, chia sẻ với các nạn nhân của vụ sập cầu. Tại đây, nhận thấy tình hình bệnh nhân nguy kịch, ông Thăng đã gọi điện báo cáo ngay cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đề nghị điều trực thăng chở bác sỹ giỏi tăng cường cho bệnh viện tỉnh đang quá tải, thiếu bác sỹ phẫu thuật.
Tiếp đó, Bộ trưởng Thăng cũng đã tới hiện trường vụ sập cầu Chu Va 6 để tìm hiểu, điều tra, sau đó làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên về vụ việc.
3 ngày sau, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ sập cầu Chu Va (tỉnh Lai Châu) và kiến nghị xem xét khởi tố vụ án để truy trách nhiệm của 4 tổ chức và cá nhân có liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc này. Bộ này cũng đưa ra nguyên nhân chính thức khiến cầu Chu Va 6 sập là do nhà thầu đã không làm theo đúng yêu cầu của hồ sơ thiết kế...
Có thể thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, các vụ việc liên quan tới đường không, đường thủy và đường bộ dồn dập xảy đến, khiến Bộ GTVT, nhất là Bộ trưởng Đinh La Thăng cứ là toát mồ hôi hột xử lý... !!!