Thế nhưng, ở cái nôi săn bắt, thuần dưỡng và cung ứng voi ở nước ta hiện nay còn lại được mấy con?
Săn voi thời vang bóng
Bản Đôn thuộc xã Krông Na (Buôn Đôn, Đăk Lăk) ngày nay trở thành một trong những buôn làng du lịch nổi tiếng nhất nhì Tây Nguyên. Một buôn nhỏ mà có quá nhiều huyền thoại đã tôn Bản Đôn thành vùng đất thánh theo đúng quan niệm của người dân tộc M'nông và Ê đê.
Không khó để điểm qua một thời vang bóng những huyền thoại Tây Nguyên ở Bản Đôn. Đầu tiên phải kể đến tù trưởng Y Thu Knul - người từng được mệnh danh là vua voi Tây Nguyên và cũng là người khai phá sáng lập ra Bản Đôn. Y Thu Knul cũng là người đầu tiên của Tây Nguyên làm nghề săn voi. Do các tư liệu không chính xác nên nhiều người nhầm tưởng ông Ama Kông là vua voi. Thực tế, Ama Kông là nghệ nhân săn voi giỏi nhất Tây Nguyên, đồng thời ông là cháu rể của vua voi Y Thu Knul.
Vua voi Y Thu Knul cũng là người duy nhất của Tây Nguyên săn được voi trắng. Theo luật tục, chỉ có các bậc đế vương mới được sử dụng voi trắng nên Y Thu Knul đã tặng con voi này cho quốc vương Xiêm La và được phong tặng danh hiệu Khun Ju Nôp - nghĩa là vua săn voi. Theo danh hiệu này, ai gặp Y Thu Knul cũng phải chắp tay vái chào.
Huyền thoại Tây Nguyên Y Thu Knul qua đời năm 1938. Bao nhiêu tinh hoa ông truyền lại hết cho Ama Kông, và một lần nữa "trường ca săn voi" Ama Kông tiếp tục mở sang trang mới trên đất Tây Nguyên. Cuối năm 2012, ông Ama Kông qua đời, Tây Nguyên coi như gấp lại trang sách đầy hào sảng về một thời đã qua, vĩnh viễn không bao giờ lặp lại.
|
Voi Bản Đôn phục vụ du lịch. |
Bản Đôn không có voi con
Gắn liền với bài hát chú voi con ở Bản Đôn, ngay từ khi Bản Đôn được khai phá thời Y Thu Knul thì đây đã là nơi săn bắt, thuần dưỡng và cung ứng voi cho cả nước. Những chú voi con được sinh ra ở Bản Đôn không phải là ít. Thế nhưng, hiện nay Bản Đôn không còn một chú voi con nào được sinh ra.
Một cán bộ xã Krông Na cho biết: "Loài voi không bao giờ giao phối ở nơi có bóng dáng con người. Hơn nữa, do tập tục của đồng bào Tây Nguyên nên sự giao kèo về giá cả giữa các hộ có voi đực và voi cái cũng không được thực hiện".
Còn một lý do nữa khiến voi Bản Đôn không thể sinh sản là diện tích rừng bị thu hẹp một cách đáng báo động. Voi không còn chốn tự do để sinh sống theo bản năng hoang dã, chúng phải phục vụ cho dịch vụ du lịch nên không có thời gian... giao phối. Đây có vẻ như một lý do vô lý nhưng lại là thực tế buồn ở Bản Đôn.
Vị cán bộ xã Krông Na than thở, cứ như đà phát triển như hiện giờ thì chẳng mấy chốc nữa Bản Đôn sẽ không còn bóng dáng của voi. Bản Đôn mà không có voi thì coi như không còn là huyền thoại, là đất thánh của Tây Nguyên nữa.
|
Mộ nghệ nhân săn voi Ama Kông. |
Những con voi cuối cùng
Trao đổi với phóng viên, chính quyền xã Krông Na cho biết còn tổng thảy 23 con voi. Trong đó, có 5 con voi đực và 18 con voi cái. Nhưng buồn thay, trước ngày chúng tôi có mặt ở Bản Đôn thì một con voi đã chết. Dân làng không chôn voi theo luật tục mà đem nấu cao bán kiếm tiền.
Vị cán bộ xã Krông Na (xin được giấu tên) cho hay, những năm 1985 khi bộ phim "Tọa độ chết" được khởi quay ở nghĩa địa Bản Đôn thì lúc này số lượng voi còn 54 con. Thời điểm đó, các nghệ nhân săn voi vẫn tiếp tục thuần dưỡng được số lượng đáng kể. Nhưng dần dà, người Bản Đôn bán voi kiếm tiền, số voi còn lại thì chết già hoặc chết bệnh. Một số ít ỏi còn lại cho đến bây giờ nhưng nguy cơ voi Bản Đôn tuyệt chủng là không nhỏ.
Trong khi mùa khô Tây Nguyên kéo dài 6 tháng ròng rã, rừng Khộp rụng trơ cành, lớp thực bì hoặc là bị đốt hoặc là bị thu vén làm phân hữu cơ. Những con suối cạn khô và thức ăn cho voi trở nên khan hiếm. Vào mùa này voi hoặc chết hoặc gầy giơ xương vì với cái cùm ở chân, voi phải nhích từng bước nặng nhọc nên rất khó kiếm đủ thức ăn.
|
Đường vào Bản Đôn. |
"Đè" voi ra vặt lông đuôi
Ông Y Nhi Rya, hậu duệ đời thứ 5 của của vua voi Y Thu Knul cho biết: "Vì quan niệm sở hữu lông đuôi voi sẽ đem lại bình an và may mắn lan rộng ra ngoài nên ai cũng muốn có lông đuôi voi. Khách du lịch đến Bản Đôn cũng cố kiếm cho mình một vài cái. Vì thế, những người hám tiền đã chẳng ngại ngùng "đè" voi ra mà vặt lông đuôi đem bán".
Cũng theo ông Y Nhi Rya, người Tây Nguyên xưa rất coi trọng voi. Voi với họ như người bạn thân thiết hoặc thần thánh. Luật tục đối xử với voi cũng phải được tôn trọng, mỗi lần lấy lông đuôi voi thì gia chủ đều phải giết lợn cúng tạ lỗi xin phép voi. Thế nhưng, thời nay một số người cứ vô tư vặt lông đuôi voi đem bán. Có những con voi không còn một sợi lông đuôi nào. Khi lông đuôi voi không còn, người ta thay thế bằng lông của một loài nào đó.
Ngẫm ra, cái quan niệm dùng lông đuôi voi làm "bùa" may mắn của người Tây Nguyên không hề kỳ quái. Nhưng người ngoài a dua học theo quan niệm ấy của người bản địa đã vô tình tiếp tay cho hành động quái đản là vặt sạch lông đuôi voi mà nhẽ ra, chúng ta cần phải bảo vệ nghiêm ngặt.
|
Bến Tha Luống - nơi vua Bảo Đại nghỉ ngơi và tắm cho voi sau mỗi lần săn bắn. |
Hiện thời, Bản Đôn còn 22 con voi, một vài con trong số ấy phải ì ạch làm dịch vụ du lịch như công nhân. Số ít ỏi khác được thả vào rừng tìm kiếm thức ăn. Số còn lại được người sở hữu chăm sóc cẩn thận để nhăm nhe bán kiếm tiền với lý do nuôi voi quá khó.
Một câu hỏi đặt ra, bao giờ voi Bản Đôn tuyệt chủng? 5 năm, 10 năm hoặc có thể chỉ mai kia thôi. Câu hỏi này không khó để có đáp án nhưng, chắc rằng không ai dám nghe câu trả lời thực sự. Vì đằng nào thì viễn cảnh cho voi Tây Nguyên cũng không hề xán lạn.
Tỉnh Đăk Lăk đã xây dựng dự án bảo tồn voi với tổng nguồn vốn lên tới 60 tỷ đồng nhằm quản lý bền vững quần thể voi rừng và voi nhà. Dự án được xây dựng sau khi xảy ra nhiều vụ voi bị sát hại. Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Đăk Lăk có gần 20 con voi bị giết. Trong văn bản dự thảo về bảo tồn voi, Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk có đề xuất các nhà khoa học vào cuộc giúp voi nhà sinh sản. Tuy nhiên, những ai biết ít nhiều về voi cũng hiểu vào kỳ động dục voi trở nên hung dữ. Chủ của chúng cũng không dám lại gần, làm sao các nhà khoa học có thể tiếp cận?