229 kg heroin lọt lưới: Giải thích của Hải quan hài hước?

Google News

(Kiến Thức) - "Đại diện Cục Hải quan TP HCM giải thích vì công ty Long Vân là đơn vị uy tín nên hải quan tự động xếp lô hàng sang luồng xanh là quá chủ quan, thiếu trách nhiệm", luật sư Hoàng Văn Thạch nhận định.

Liên quan vụ 230 kg heroin lọt qua hải quan sân bay Tân Sân Nhất ngày 2/12, ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP HCM cho biết, chủ lô hàng trên là Công ty trách nhiệm hữu hạn và giao nhận vận tải Long Vân. Khi khai hải quan điện tử ngày 15/11, doanh nghiệp này báo đây là hàng loa thùng bình thường. Long Vân cũng là đơn vị uy tín nên hệ thống máy tính tự động xếp lô hàng này sang luồng xanh. Hải quan không có bất cứ kiểm tra nào đối với lô hàng, kể cả sử dụng máy soi và chó nghiệp vụ (vốn dùng vào những vụ án, những tuyến đường và lô hàng trọng điểm).
Như vậy, theo như trả lời của vị đại diện Cục Hải quan TP HCM, thì khi chủ lô hàng trên là Công ty Long Vân báo đây là hàng loa thùng bình thường, Hải quan cũng tin tưởng và không có bất cứ hoạt động kiểm tra nào với lô hàng. Vị này còn cho hay vì Long Vân là đơn vị có uy tín nên hệ thống máy tính tự động xếp lô hàng trên sang luồng xanh.
Theo một luật sư giấu tên thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nếu Cục Hải quan TP HCM thực hiện quy trình thông quan lô hàng này theo như lời vị đại diện trên nói thì có phần quá chủ quan.
 
Theo quy định, hàng hóa xuất nhập khẩu được phân vào 3 luồng Xanh, Vàng, Đỏ. Khi nhận được thông tin khai hải quan điện tử của doanh nghiệp, thông qua hệ thống xử lý dữ liệu, hải quan điện tử sẽ có phân luồng theo các hình thức sau: Chấp nhận thông quan trên cơ sở thông tin khai hải quan điện tử (luồng Xanh); Kiểm tra chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan trước khi thông quan hàng hóa (luồng Vàng); Kiểm tra chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi thông quan hàng hóa (luồng Đỏ).
“Như vậy, nếu hàng hóa của doanh nghiệp được xếp vào luồng xanh sẽ miễn kiểm tra hồ sơ giấy và thực tế hàng hóa, mà chỉ dựa trên cơ sở thông tin khai trên hải quan điện tử. Tuy nhiên, để hàng hóa được vào “luồng xanh” thì bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải qua “luồng vàng”, “luồng đỏ” trước. Doanh nghiệp nào không vi phạm thủ tục hải quan một thời gian dài mới được chuyển sang “luồng xanh”. Nhưng việc căn cứ vào uy tín doanh nghiệp để mặc định những lô hàng xuất nhập khẩu thuộc luồng xanh từ trước tới nay vẫn được cảnh báo có rất nhiều rủi ro. Bởi sẽ có không ít doanh nghiệp lợi dụng việc này để tuồn hàng cấm qua cửa khẩu, hải quan. Thực tế, hải quan nhiều nơi cũng không dám dựa vào uy tín doanh nghiệp mà bỏ qua khâu kiểm tra hàng hóa ban đầu trước khi phân loại hàng vào luồng xanh, thế nên việc đại diện Cục Hải quan TP HCM trả lời vì công ty Long Vân là đơn vị uy tín nên hải quan tự động xếp lô hàng sang luồng xanh là không thuyết phục, thậm chí còn có phần chủ quan, thiếu trách nhiệm. Đấy là chưa nói công ty Long Vân có phải là đơn vị uy tín hay không”, Luật sư này nói.
Tm hiểu của Kiến Thức cho thấy, Công ty TNHH Giao nhận - vận tải Long Vân, chủ của lô hàng 229kg heroin trên có trụ sở tại số 188/55 Võ Văn Tần, Phuờng 05, Quận 3, TP HCM. Giám đốc và người đại diện pháp luật của công ty là Lê Ánh Tuyết. Công ty bắt đầu hoạt động từ ngày 3/4/2006 với các dịch vụ kinh doanh chính là đại lý vận tải đường biển, đại lý tàu biển và hiện vẫn hoạt động bình thường… Như vậy, công ty này mới chỉ hoạt động được 7 năm. Trong một lĩnh vực đầy chuyên sâu và nhạy cảm như vận tải đường biển, hàng không, đại lý tàu biển mà một công ty mới chỉ hoạt động được 7 năm thì có gọi là công ty lớn và đáng tin cậy đến mức mặc nhiên cho hàng hóa xuất khẩu của công ty này thuộc diện luồng xanh không?
Theo một chuyên gia về ngành vận tải đường biển của Việt Nam – ngành nghề kinh doanh chính của công ty Long Vân, các công ty vận tải biển Việt Nam với thương hiệu lớn trong ngành vận chuyển chỉ đếm trên đầu ngón tay như Vosco, Vinaship, Falcon... Hầu hết các công ty vận chuyển còn lại có qui mô nhỏ và không đáp ứng được các yếu tố cần thiết để cạnh tranh để hội nhập. Như vậy, Công ty Long Vân thuộc lĩnh vực này cũng không được xem là thương hiệu lớn, có tiếng tại Việt Nam?!
Những hàng hóa nào được miễn kiểm tra:
Quyết định 662/QĐ-TCHQ Quy định về phân luồng hàng hóa nhập khẩu và kiểm tra hải quan theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 100/2010/TT-BTC quy định:
Điều 1. Quy định về phân luồng hàng hóa nhập khẩu và kiểm tra hải quan theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 100/2010/TT-BTC.
1. Hàng hóa luồng 1: gồm hàng hóa nhập khẩu là tài liệu, chứng từ thương mại; hàng hóa nhập khẩu được hưởng chế độ ưu đãi miễn trừ theo quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu không phải nộp thuế, bao gồm hàng nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, hàng nhập khẩu có thuế (là hàng không có hợp đồng giữa người gửi hàng và người nhận hàng) nhưng được miễn thuế theo quy định hiện hành của pháp luật, trừ hàng hóa quy định tại khoản 3 Điều này.
Về kiểm tra hải quan: hàng hóa luồng này được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Trường hợp xét thấy cần thiết thì lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra xác suất theo tỷ lệ từ 1% đến 5% của cả luồng hàng. Thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa bằng thiết bị máy soi hàng. Nếu phát hiện lô hàng có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa bằng biện pháp thủ công đối với toàn bộ lô hàng.
2. Hàng hóa luồng 2: bao gồm hàng hóa nhập khẩu phải nộp thuế, có trị giá khai báo đến 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).
Về kiểm tra hải quan: hàng hóa luồng này thực hiện kiểm tra thực tế 100% hàng hóa bằng thiết bị máy soi hàng. Trường hợp xét thấy cần thiết thì lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra xác suất theo tỷ lệ từ 3% đến 5% của cả luồng hàng bằng biện pháp thủ công.
3. Hàng hóa luồng 3: bao gồm hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục quản lý chuyên ngành, hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa nhập khẩu phải nộp thuế có trị giá khai báo trên 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng), hàng hóa nhập khẩu là mặt hàng thuộc diện kiểm tra trọng điểm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, hàng hóa chưa xác định được nội dung khai báo hải quan, hàng hóa có nghi ngờ về trị giá khai báo theo quy định của pháp luật.
Về kiểm tra hải quan: hàng hóa luồng này thực hiện kiểm tra thực tế 100% hàng hóa bằng biện pháp thủ công. Riêng đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình đầu tư, gia công, sản xuất xuất khẩu, kinh doanh thì việc kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện theo quy định riêng của từng loại hình hàng hóa nhập khẩu.
Điều 2. Quy định về phân luồng hàng hóa xuất khẩu và kiểm tra hải quan theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 100/2010/TT-BTC.
1. Hàng hóa xuất khẩu là tài liệu, chứng từ thương mại, hàng hóa được hưởng chế độ ưu đãi miễn trừ theo quy định của pháp luật, hàng hóa không phải nộp thuế (bao gồm hàng xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, hàng có thuế nhưng được miễn thuế theo quy định của pháp luật) được phân luồng hàng hóa và kiểm tra hải quan tương tự như hàng hóa luồng 1 theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Quyết định này.
2. Hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa phải nộp thuế, hàng hóa thuộc danh mục quản lý chuyên ngành, hàng hóa xuất khẩu có điều kiện, hàng hóa xuất khẩu là mặt hàng thuộc diện kiểm tra trọng điểm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa bằng thiết bị máy soi hàng. Lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định đối với lô hàng cần phải kiểm tra thực tế hàng hóa bằng biện pháp thủ công.
Điều 3. Quy định dán giấy màu lên gói hàng, kiện hàng để thực hiện phân luồng thực tế hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại điểm 1.1, khoản 1, Điều 7 Thông tư số 100/2010/TT-BTC.
Căn cứ quyết định của Chi cục Hải quan đối với nội dung khai hải quan để thực hiện luồng thực tế hàng hóa. Từng luồng hàng hóa nhập khẩu được đánh dấu bằng việc dán giấy màu khác nhau lên từng kiện hàng, gói hàng trước khi kết thúc việc phân luồng thực tế hàng hóa, cụ thể như sau:
- Hàng hóa luồng 1: dán giấy màu xanh (trừ tài liệu, chứng từ thương mại);
- Hàng hóa luồng 2: dán giấy màu vàng;
- Hàng hóa luồng 3: dán giấy màu đỏ;
Điều 4. Tổ chức thực hiện.
1. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo kịp thời Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn giải quyết.
Về kiểm tra hải quan: hàng hóa luồng này thực hiện kiểm tra thực tế 100% hàng hóa bằng thiết bị máy soi hàng. Trường hợp xét thấy cần thiết thì lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra xác suất theo tỷ lệ từ 3% đến 5% của cả luồng hàng bằng biện pháp thủ công.
3. Hàng hóa luồng 3: bao gồm hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục quản lý chuyên ngành, hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa nhập khẩu phải nộp thuế có trị giá khai báo trên 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng), hàng hóa nhập khẩu là mặt hàng thuộc diện kiểm tra trọng điểm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, hàng hóa chưa xác định được nội dung khai báo hải quan, hàng hóa có nghi ngờ về trị giá khai báo theo quy định của pháp luật.
Về kiểm tra hải quan: hàng hóa luồng này thực hiện kiểm tra thực tế 100% hàng hóa bằng biện pháp thủ công. Riêng đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình đầu tư, gia công, sản xuất xuất khẩu, kinh doanh thì việc kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện theo quy định riêng của từng loại hình hàng hóa nhập khẩu."

Minh Hiếu

Bình luận(0)