Chết vì TNGT tương đương thảm họa sóng thần

Google News

(Kiến Thức) - Tai nạn giao thông (TNGT) liên tiếp, toàn là vụ việc nghiêm trọng. Nhiều người đặt câu hỏi liệu có điều gì bất thường ở đây? 



"Thực ra thì không bất thường. Bởi thực tế này diễn ra lâu lắm rồi. Lần này, chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên", ThS Nguyễn Văn Trường, Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, trường Đại học Giao thông Vận tải chia sẻ với phóng viên.

Liên tiếp các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong một thời gian ngắn, nhiều người đặt câu hỏi vì sao, chẳng lẽ chỉ là ngẫu nhiên?

Tình trạng này xảy ra từ rất lâu và rất nghiêm trọng rồi. Nó không phải là cái gì mới. 

Ý ông là nó không bất thường?

Theo tôi đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Hơn nữa, ở Việt Nam thì việc chết vì TNGT không có gì là lạ cả. Theo dữ liệu thống kê thì mỗi năm cả nước có hơn 10 nghìn người chết vì TNGT. Tính bình quân thì có khoảng 13 - 19 người chết/100 ngàn dân. Đó là con số có thể thống kê được. So sánh với các nước trên thế giới thì chúng ta đứng vào top đầu những nước có nhiều người chết vì TNGT. Với tỷ lệ người chết hằng năm đó, so sánh với thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản thì nó cũng tương đương nhau.

Dù là vấn đề đã cũ thì dư luận vẫn có quyền đặt câu hỏi, vì sao lại như vậy?

Trong số các vụ TNGT xảy ra thì có đến trên 90% lỗi là do người điều khiển phương tiện gây ra. Phần trăm còn lại mới là do phương tiện, hạ tầng, các điều kiện ngoại cảnh. Tôi đặc biệt nhấn mạnh vào lỗi vượt quá tốc độ, số liệu thống kê cho thấy cứ tăng tốc độ 5% thì số người chết do TNGT tăng 20%.

Theo ông, có nguyên nhân chung của các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra thời gian qua?

Có một số nguyên nhân chính, trong đó có nguyên nhân là do lái xe rất tự tin vào tay lái của mình, dẫn đến quá chủ quan khi tham gia giao thông. Thứ nữa là do phương tiện thiếu an toàn, do áp lực đối với lái xe vận tải đường dài là quá lớn, đa phần lái xe có thời gian làm việc trong ngày vượt quá quy định cho phép.

ThS Nguyễn Văn Trường, Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT,
trường Đại học Giao thông Vận tải.

Trốn được cảnh sát, lái xe rất mừng

Tôi thấy trên đường có cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông. Các chế tài xử phạt đối với xe vi phạm cũng rõ ràng. Vậy sao ta lại không kiểm soát được việc phóng nhanh vượt ẩu của tài xế?

Lực lượng cảnh sát giao thông là hữu hạn, trong khi tai nạn giao thông lại xảy ra không dự đoán được thời điểm và địa điểm. Hoạt động cưỡng chế của CSGT là những hoạt động có tác động tức thời làm thay đổi hành vi của tài xế. Để hình thành thói quen tham gia giao thông đúng theo chuẩn mực thì cần phải phối hợp với nhiều hoạt động khác và phải thực hiện trong thời gian dài.

Đi xe khách nhiều, tôi thấy các tài xế liên tục ra hiệu cho nhau bằng những "mật mã" để biết đoạn đường sắp tới có cảnh sát giao thông hay không. Rõ ràng, họ đang đối phó?

Thực tế cho thấy, khi lái xe trốn được cảnh sát, qua mặt được cảnh sát thì họ mừng lắm, họ coi đó là thành tích. Điều này rất dễ giải thích vì khi đã bị phạt thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người lái xe. 

Tôi cảm giác dường như không tài xế nào nghĩ đến sự an toàn cho hành khách?

Trước khi nghĩ đến điều đó thì họ nghĩ đến lợi ích của bản thân họ. Hôm nay đi nhanh hơn bao nhiêu phút, "bắt" được bao nhiêu khách, lãi bao nhiêu tiền, trốn được mấy chốt cảnh sát... Tất nhiên nói vậy không có nghĩa tất cả lái xe đều thế.

Giám thị “hỗ trợ” học viên

Ông đánh giá thế nào về quy trình đạo tạo và cấp phép lái xe hiện nay?

Chương trình đào tạo và những quy định về đào tạo, cấp giấy phép lái xe đã được các cơ quan nghiên cứu ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc áp dụng chương trình đào tạo trong các cơ sở đào tạo thì lại chưa ổn. Ví dụ như khi đăng ký học, tương ứng với từng hạng, chương trình đào tạo có quy định số giờ học lý thuyết, số giờ thực hành, số km thực hành cho mỗi học viên... Vấn đề ở đây là chúng ta kiểm soát những chỉ tiêu này thế nào? Ai là người kiểm soát? 

Tôi được biết nhiều người có bằng lái xe ô tô nhưng lại không thể điều khiển xe an toàn khi tham gia giao thông?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người có bằng nhưng không thể điều khiển được phương tiện như vấn đề quản lý chất lượng trong quá trình đào tạo, có nhiều người thời gian tham gia đào tạo không đủ nhưng vẫn được thi, nhiều người kỹ năng chưa tốt nhưng may mắn vượt qua kỳ sát hạch... Với những vấn đề như vậy ai dám đảm bảo khi tham gia giao thông, họ sẽ đảm bảo an toàn? 

Tôi tưởng là giáo viên dạy lái xe, trung tâm đào tạo lái xe phải là người chịu trách nhiệm giám sát và đảm bảo điều đó chứ, họ cấp giấy phép cho lái xe cơ mà?

Rất nhiều trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe ô tô còn tồn tại nhiều vấn đề. Thực tế họ lắp camera giám sát thi lý thuyết, sử dụng phần mềm tự động để thi thực hành, thế nhưng học viên vẫn có những mánh khóe vượt qua được vòng thi lý thuyết, thậm chí giám thị còn “hỗ trợ” học viên để vượt qua. 

Vì sao thế?

Người học nào cũng muốn rút ngắn thời gian học, rút ngắn các hoạt động trong chương trình đào tạo. Còn các trung tâm đào tạo thì lại tạo điều kiện tốt cho học viên. Học phí đã đóng đủ rồi, cắt bớt chương trình đào tạo thì họ đỡ phải lên lớp nhiều mà lại thu được nhiều lợi nhuận hơn. Thực tế cho thấy có sự cạnh tranh nhau giữa các cơ sở đào tạo, cơ sở nào dễ dàng thì thu hút được nhiều học viên hơn, hình thành các mối quan hệ giữa giáo viên với người học. Việc giám sát đảm bảo chất lượng đào tạo trong hoàn cảnh như vậy không dễ thực hiện. 

Vậy là việc có một cái giấy phép lái xe không hề khó?

Không hề!

Kiện ai được!?

Giả sử tôi điều khiển xe rất tốt, có kiến thức kỹ năng vững, nhưng tôi vẫn bị TNGT rất nặng do gặp phải ổ gà trên đường, tôi có thể khởi kiện ai không?

Hạ tầng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT. Tuy nhiên, cũng cần xác minh rõ nguyên nhân tai nạn là gì? Nhiều lái xe có kỹ năng rất tốt nhưng do thiếu quan sát cũng có thể dẫn đến tai nạn. Trong mạng lưới giao thông ở nước ta ai dám đảm bảo là không bao giờ có ổ gà ổ voi? Việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa luôn cần thời gian và tiền bạc. Nếu lái xe đi bình thường theo đúng quy định, chú ý quan sát cẩn thận thì sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro.

Nhưng ở góc độ lập luận, nếu không cái ổ gà này, tôi sẽ không bị tai nạn?

Phải bắt nguồn từ nguyên nhân mới có thể quy trách nhiệm cụ thể, ổ gà chỉ là một trong những điều kiện gây tai nạn.

Lại giả sử, vì tránh ổ gà mà tôi làm cho người khác thiệt mạng, tôi có phải chịu trách nhiệm hoàn toàn?

Đa số vụ tai nạn là xảy ra vào ban đêm. Thế thì không thể đổ lỗi vì tối quá mà gây tai nạn chết người được. Trong Luật Giao thông đường bộ và trong nhiều văn bản khác, thậm chí trong các chương trình đào tạo lái xe cũng có hướng dẫn, trong những tình huống nguy hiểm thì hành động đầu tiên nên là giảm tốc độ để hạn chế thiệt hại. Còn trách nhiệm của ai, đến đâu là do cơ quan chức năng quyết định dựa trên mức độ lỗi của người đó trong vụ việc.

Nếu kết quả đúng là đơn vị thi công có vấn đề, liệu tôi có được yêu cầu bồi thường?

Ở Việt Nam thì chưa có quy định rõ ràng cho việc này.

Xin cảm ơn ông!

Công tác kiểm tra phương tiện trước khi đưa vào vận hành thường không được các doanh nghiệp quan tâm. Người ta thường bỏ qua khâu này. Nhiều khi lái xe mơ hồ nhận thấy xe có vấn đề, nhưng vẫn bỏ qua và tiếp tục sử dụng. 

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)