“Tôi làm gì có tuổi thơ”
Ngôi nhà chất chứa bao nỗi đau ấy nằm ở trong một con hẻm nhỏ, giữa lưng chừng núi thuộc, số 9, tổ dân phố 2, thị trấn Trà Xuân (huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi). Con đường đến với ngôi nhà im ắng, mặc dù cửa mở nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận thấy được cái không khí nặng nề đang bao trùm. Tiếp chuyện chúng tôi là bà Bùi Thị Hưu (81 tuổi) thủ thỉ với giọng yếu ớt “thông cảm cho vì không thể ngồi dậy được mà chỉ có thể nằm nói”.
|
Ngôi nhà của bà Hưu không có gì đáng giá. |
“Tôi làm gì có tuổi thơ”, câu trả lời đầy cay đắng của bà Hưu khi chúng tôi bảo bà bắt đầu câu chuyện buồn từ tuổi thơ của bà. Lúc mới sinh bà cũng bình thương như bao đứa trẻ khác, thế rồi vào một hôm khi bà được 8, hay 9 tuổi gì đấy, do tò mò xem mấy người lớn cưa bom để lấy thuốc nổ bán, không may bom nổ và bà bị mù một con mắt bên trái. Chưa dừng lại ở đó, vài năm sau, trong một vụ tai nạn khi đi làm, cái chân trái của bà bị thương và teo lại. Từ đó việc đi lại của bà vô cùng khó khăn, tuổi thơ của bà cứ thế nặng nề trôi. Rồi bà cố gắng vượt qua nỗi đau, cố gắng hòa đồng vào với mọi người bình thường. “Cũng may ông trời còn thương tôi nên cho tôi chút nhan sắc để kiếm được ông chồng để nương nhờ”, bà Hưu nhớ lại.
Nổi tiếng vì…mù
Người mang đến niềm vui cho bà trong cuộc sống là người chồng Lê Đực, 86 tuổi. Thế nhưng cái niềm vui ấy cũng không theo bà dài lâu được khi mà những đứa con bà sinh ra, hoặc là chết, hoặc là bị mù lòa. “Hai vợ chồng tôi có 10 đứa con nhưng 5 đứa đã bị chết từ nhỏ. Trong năm đứa còn lại thì có ba đứa bị mù, tội nghiệp cho bọn chúng là cả ba đều bị mù 2 con mắt. Hai đứa lành lặn kia thì làm ăn cũng bữa đói, bữa no nên không giúp được gì”, bà Hưu thều thào “tóm tắt” về nỗi đau của bà.
Lấy chồng được hơn một năm, bà sinh con trai đầu lòng, đó là Lê Văn Thông (nay đã 58 tuổi). Khỏi phải nói, lúc đấy bà vui sướng đến nhường nào. Thế nhưng, khi tiếng khóc chào đời của Thông chưa dứt thì bà Hưu như chết lặng khi biết đôi mắt của con mình không thể thấy được ánh sáng. Bà tâm sự: “Tôi tuy bị mù nhưng còn đỡ vì chỉ bị một con nên còn thấy được ánh sáng, thấy đời, thấy người. Chỉ tội nó ngay từ nhỏ đã không thấy được sắc màu của cuộc sống”.
|
Bà Hưu ngồi bên cạnh đứa con trai mù Lê Văn Thông. |
Được vài năm sau bà đã hạ sinh được đứa con gái, và lần này “mẹ tròn con vuông” nên hai vợ chồng bà vô cùng mừng rỡ. “Tuy nhiên, đó dường như là “nỗi đau bị tạm hoãn” chú ạ! Vì sau đứa con gái này, tôi sinh thêm nữa thì lần lượt cả 5 đứa đều bị chết, xen kẽ vào đó thì có 4 đứa sống đến ngày hôm nay nhưng phải có thêm một đứa nữa vĩnh viễn không thấy được ánh sáng ngay từ khi lọt lòng”, bà Hưu buồn bã. Người con trai bị mù mà bà vừa nhắc ở trên đó chính là anh Lê Thanh Tuấn, 39 tuổi.
Ám ảnh về cái chết của những đứa con, về đôi mắt tật nguyền của con mình, hai vợ chồng bà, nhất là bà Hưu hầu như trở thành người vô hồn. Cho đến tận bây giờ, bà vẫn chưa thôi day dứt vì cứ nghĩ tất cả chuyện đó là do mình gây nên dù bà không biết là mình đã gây nên chuyện gì! Bà tâm sự: “Tôi thật sự không biết mình đã gây nên tội gì mà khiến con cái khổ sở như thế này. Tôi ước gì mọi đau khổ mình có thể gánh lấy hết để bọn chúng còn có thể vươn lên bằng bạn bằng bè”.
Tưởng như thế là tận cùng nỗi đau mà người đàn bà tội nghiệp này gánh lấy, cách đây hơn chục năm, chồng bà vì quá suy nghĩ về chuyện con cái mà trở thành người “điên điên, khùng khùng”. Từ đó mọi gánh nặng trong gia đình đều trút lên đôi vai gầy yếu của bà. Dù bị mù một mắt, dù con mắt còn lại chỉ còn thấy mờ mờ, dù cái chân trái ngày càng teo tóp và hành hạ nhưng bà vẫn cố gắng nai lưng ra làm để kiếm miếng cơm cho chồng con. Vì quá làm lũ mà miếng ăn vẫn thiếu thốn, lại hay suy nghĩ về chuyện con cái nên sức lực của bà cũng đến lúc tàn kiệt, và cách đây hơn 5 năm, sau cơn sốt nhẹ tưởng chừng như vô hại, bà đã gần như trở thành người tàn phế.
Đau đớn hơn có lẽ chính là việc có vài người hàng xóm nhìn thấy hoàn cảnh của bà như thế nên đã phao tin rằng cả nhà bà bị như thế là do “ma ám”, trước kia cha mẹ bà ăn ở thất đức nên giờ con cháu phải nhận lấy hậu quả. Bà Hưu chua xót: “Tôi thật sự không hiểu sao mà người ta có thể độc miệng như vậy. Nhìn thấy nhà tôi như thế này, họ không giúp thì thôi chứ sao lại cay nghiệt như vậy. Tôi thật đắng họng biết giải bày thế nào?”.
Dìu nhau qua bất hạnh
Khi biết nỗi đau đã là hiện thực phũ phàng, và nhất là khi biết không thể lẩn tránh nỗi đau, bà đã cố vươn lên trong cuộc sống. Dù phải chịu nhiều vất vả bà vẫn chạy ngược, chạy xuôi lo cho chồng con. Trầy trật mãi cuối cùng bà cũng tìm được nơi “tìm hướng đi mới” cho anh Thông và anh Tuấn, đó là các trung tâm bảo trợ người mù trong tỉnh. Tại đây hai anh đã được học nghề để có kế sinh nhai. Riêng người chồng mắc bệnh thần kinh, bà không thể rời nữa bước.
Anh Thông trong quá trình học nghề và giao lưu tại các cơ sở khuyết tật đã gặp và nên duyên cùng với chị Vương Thị Thơm, 48 tuổi, quê ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). “Ngày thằng Thông nói sẽ dắt con Thơm về để ra mắt và xin phép cưới nhau, tôi mừng lắm, vì nghĩ con mình tật nguyền như thế này mà có người chịu lấy thì quý quá vì sau này còn có người chăm sóc. Thế nhưng khi nghe nói con Thơm cũng bị mù thì tôi không thể tin vào tai mình nên phải hỏi lại mấy lần, và nó đều khẳng định như thế. Lúc đó tôi chỉ chỉ biết cắn răng cho số phận của con mình. Thôi thì chúng nó thương nhau, muốn đùm bọc nhau thì mình phải chấp nhận và mong cho chúng ít sớm gió thôi”, bà Hưu nhớ lại lúc con trai mình lấy vợ.
“Ngày vợ mình sinh con cả nhà ai nấy cũng nơm nớp lo sợ, thế nhưng khi biết đứa bé thoát cảnh mù lòa như hai vợ chồng tôi thì ai cũng mừng”, anh Thông cho biết. Cũng theo anh, hiện hai vợ chồng anh sinh sống bằng nghề đan lát trong Hội người mù của huyện. Vì không thể làm lụng được nhiều, lại có thêm con nhỏ nên cuộc sống của hai vợ chồng gặp không ít khó khăn.
Giống như người anh trai của mình, anh Lê Thanh Tuấn đi học nghề massage và trở thành vợ chồng với chị Cao Thị Hằng (người cùng huyện) cũng trong hoàn cảnh đôi mắt không thể nhìn thấy ánh sáng. Anh Thông cho biết, hiện cả hai vợ chồng người em trai mình đang xuống thành phố Quảng Ngãi để làm, đến chiều tối thì cả hai mới trở về nhà.
Hiện tại ngôi nhà của bà Hưu có 7 người nhưng có đến 5 người bị mù lòa và một người đàn ông bị thần kinh. Những con người đau khổ này đang dìu dắt nhau để vượt qua khổ đau để hòa mình vào cuộc sống. Và, theo lời bà Hưu, tất cả dường như đã quên đi thân phận mình để cầu mong cho đứa con của anh Thông – người duy nhất lành lặn trong nhà sẽ không phải rơi vào cảnh như cha mẹ và ông bà nội.