Những ánh mắt tươi vui, háo hức của học sinh trường tiểu học Khuôn Kén (xã Tân Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) khi lần đầu tiên được ăn bánh gạo, được uống sữa, được biết đến miếng bánh trung thu, cứ theo chúng tôi suốt dọc đường về với cảm giác vui buồn xen lẫn.
Học lớp 1 bé bằng trẻ lên 3
Nằm cách thị trấn Chũ gần 70km, các điểm trường Khuôn Kén, Suối Am thuộc trường tiểu hơn Tân Sơn 2, xã Tân Sơn, là một trong những điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Bắc Giang. Chỉ nằm cách đường quốc lộ 279 chưa đầy 15km nhưng sự cách biệt có thể thấy rõ là con đường đất lầy lội, trơn trượt với những sống trâu, những rãnh sâu cắt ngang đường do nước suối, nước từ các rãnh núi đổ về trì xiết.
Chúng tôi phải mất đến gần 2 tiếng đồng hồ để vượt qua gần hết đoạn đường ấy và khi chỉ còn cách trường hơn 2km nữa lại phải chuyển hàng từ xe tải 1,5 tấn sang xe 3,5 tấn để có thể tiếp tục cuộc hành trình. Thế nhưng, cũng vẫn mất gần 2 tiếng đồng hồ nữa vật lộn với con đường dốc ngoằn ngoèo, dựng đứng, chỗ thì trơn trượt, chỗ thì sạt lở sau mấy ngày mưa, chúng tôi mới có thể đến được Khuôn Kén, điểm trường chung của cả mẫu giáo và tiểu học.
|
Con đường lầy sau mưa đưa chúng tôi vào Khuôn Kén. |
Lúc chúng tôi đến, các con mầm non đã vào giấc trưa trong khi học sinh tiểu học vẫn ngồi trong lớp suốt gần 3 tiếng đồng hồ, háo hức chờ được nhận quà. Những thùng bánh gạo One One, những hộp sữa TH được xé vội để chia cho các con chống đói.
Nhìn những ánh mắt rạng rỡ, vui sướng khi được cầm trên tay cái bánh, hay lúng túng không biết làm sao để mở được hộp sữa, thậm chí có con đã cắm được ống hút vào hộp sữa cũng không biết làm cách nào uống được, nhiều người trong chúng tôi không cầm được nước mắt. Tất cả mới chỉ là lần đầu tiên của các con. Hỏi các con đã uống sữa bao giờ chưa thì duy nhất ở các lớp chỉ có 1 bạn giơ tay, các bạn khác thậm chí còn không biết sữa là gì.
|
“Cháu sẽ để dành cho em cháu”. |
Hầu hết các con đều rất nhát, ngại nói chuyện với người lạ nên khi hỏi gì cũng chỉ gật và lắc đầu. Làm quen và tỉ tê hỏi han mãi, tôi mới được nghe cậu bé Nông Văn Phơ (lớp 3, trường Khuôn Kén) hồn nhiên khoe: "Cháu ăn hết 1 gói bánh gạo to rồi, ngon lắm í". Còn bạn Giáp Thị Hường (được thầy giáo Lương Văn Thảo giới thiệu là học sinh giỏi nhất lớp 1) thì chỉ e dè gật đầu khi hỏi con có vui khi nhận được quà không.
Những chiếc áo khoác, đôi tất ấm được các cô, các bác trong đoàn chuyền tay đưa đến cho các con được các con đón nhận bằng ánh mắt vui sướng ngỡ ngàng. Dù chúng tôi đã lường trước là các con ở đây nhỏ bé hơn các bạn ở thành phố để mua áo nhỏ size hơn lứa tuổi nhưng áo vẫn thùng thình khi các con khoác thử lên người, bởi các con quá nhỏ bé. Hầu hết các con học lớp 1, lớp 2 chỉ nhỏ như trẻ lên 3 ở thành phố.
|
Những chiếc áo khoác, đôi tất ấm... |
Hẹn gặp Suối Am
Cùng với sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Kinh Đô miền Bắc, Công ty Cổ phần sữa TH (TH True Milk), Công ty Cổ phần thực phẩm One One Việt Nam, Công ty TNHH bất động sản B&B, nhóm thiện nguyện Vùng cao yêu thương và nhiều cá nhân khác, Báo KH&ĐS đã mang đến cho 154 học sinh của điểm trường Khuôn Kén, Suối Am một mùa Trung thu ấm áp. Điều chúng tôi tiếc nhất trong chuyến đi là không thể vào được Suối Am, điểm trường khó khăn nhất với 17 học sinh, dù chỉ cách Khuôn Kén 4km, đành phải nhờ người vào tận bản, mời phụ huynh ra nhận quà.
|
... được các cô, các bác trong đoàn chuyền tay đưa đến cho các con. |
Suối Am là bản gần như cách biệt hoàn toàn với bên ngoài, vì đường đi lại khó khăn, không điện nước sinh hoạt, không thông tin liên lạc. Anh Nông Văn Tăng, Phó thôn Suối Am, cũng là một phụ huynh thay mặt cho các con và phụ huynh Suối Am nghẹn ngào cảm ơn đoàn khi nhận quần áo ấm, bánh, sữa cho các con, và gạo, dầu ăn, gia vị, sữa đặc... hỗ trợ cho các gia đình.
|
Niềm vui khi mang quà về nhà. |
Rời khỏi Khuôn Kén khi trời đã nhạt nắng, chúng tôi vội quay ra để có thể kịp vượt qua đoạn đường gian nan trước khi chiều muộn và mưa rừng có thể sập xuống bất cứ lúc nào khiến cho đường thêm lầy lội và khó đi. Lòng xen lẫn cảm xúc vui buồn. Vui vì mình đã có thể mang lại được chút hạnh phúc nhỏ nhoi cho các con, nhưng buồn nhiều hơn khi thấy cuộc sống, điều kiện học tập, sinh hoạt của các con còn khó khăn quá mà sự giúp đỡ của mình cũng chỉ như muối bỏ bể.