Vì sao Nga không thể ngừng hiện đại hóa "Thiên nga trắng" Tu-160?

Google News

Tại sao Nga không chờ đợi máy bay ném bom tàng hình mới mà vẫn hiện đại hóa máy bay ném bom Tu-160 có biệt danh “Thiên nga trắng”?

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2 sắp ra mắt của Nga có thiết kế gần giống với người tiền nhiệm Tu-160 thời Liên Xô, nhưng dự kiến sẽ có các nâng cấp vũ khí và hệ thống điện tử hàng không quy mô lớn.

Năm 2015, Bộ Quốc phòng Nga công bố kế hoạch hiện đại hóa Tu-160 “Blackjack” ra đời từ năm 1980. Vào năm 2018, Bộ Quốc phòng Nga công bố hợp đồng chuyển đổi 10 chiếc Tu-160 sang tiêu chuẩn “M2” mới trong thập kỷ tới, cùng với việc mua 50 chiếc Tu-160M2 mới vào năm 2030. Mốc thời gian xuất xưởng của số máy bay này dao động trong những năm gần đây, nhưng theo thông cáo báo chí của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, bốn chiếc Tu-160M2 đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2023. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov, tất cả 17 chiếc Tu-160 đang được biên chế cuối cùng sẽ được chuyển đổi thành chuẩn Tu-160M2.

Vi sao Nga khong the ngung hien dai hoa
Tu-160 "Thiên nga trắng". 

Dẫn lời Phó Thủ tướng Dmitri Rogozin, hãng thông tấn Nga Tass đưa tin rằng chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Tu-160M2 đã được lên kế hoạch vào tháng 1 năm 2018. Có thể là một phiên bản trình diễn ý tưởng chứ không phải chiếc máy bay sản xuất loạt đầu tiên, mẫu Tu-160M2 được thử nghiệm mang cùng loại động cơ với phiên bản tiền nhiệm Tu-160; trong khi đó, những Tu-160M2 sau đó sẽ được trang bị động cơ NK-32 02 mới, tiết kiệm nhiên liệu hơn, có thời gian hoạt động liên tục dài hơn đáng kể.

Trong thập kỷ qua, Điện Kremlin đã tuân theo chiến lược hiện đại hóa máy bay nhằm tìm cách bảo tồn các thiết kế và chức năng ban đầu có từ thời Liên Xô nhiều nhất có thể trong khi tích hợp các bộ phận mới bên trong. Tu-160M2 cũng theo xu hướng hiện đại hóa đó, vẫn giữ nguyên thiết kế cánh cụp cánh xòe của phiên bản Blackjack trong khi tích hợp động cơ mới cũng như một loạt các nâng cấp vũ khí và điện tử hàng không.

Gần đây nhất, có thông tin tiết lộ rằng Tu-160M2 sẽ có bộ thông tin liên lạc trên khoang giống như máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thế hệ thứ năm Su-57. “Hệ thống này đã được phát triển bằng cách sử dụng nền tảng liên lạc được tạo ra cho chiếc tiêm kích Su-57. Những ưu điểm chính là độ tin cậy cao, truyền thông tin nhanh chóng, trọng lượng nhỏ và đạt hiệu quả cao về sư dụng năng lượng”, công ty quốc phòng Nga Ruselectronics Group phát đi thông cáo báo chí về việc họ tham gia dự án Tu-160M2. Máy bay ném bom Tu-22M3M sắp tới của Nga cũng sẽ có hệ thống liên lạc tương tự, cho thấy một chiến lược rộng rãi hơn nhằm tiết kiệm chi phí R&D bằng cách đầu tư vào các thành phần điện tử hàng không có thể tương tác trên một số máy bay.

Tu-160M2 cũng sẽ được tích hợp một loạt các vũ khí mới. Ngoài các tên lửa Kh-55MS, Kh-555, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Kh-102 của phiên bản tiền nhiệm, Tu-160M2 sẽ mang một thế hệ tên lửa hành trình tầm xa mới. “Chúng tôi đang phát triển vũ khí hàng không mới, và bạn không thể so sánh máy bay Tu-160 với tên lửa Kh-55, Kh-550 và thậm chí Kh-101 với phiên bản máy bay mà chúng tôi hy vọng sẽ sản xuất hàng loạt vào những năm 2030 với các loại vũ khí trên không mới có tầm bắn khá khác nhau ", ông Borisov nói.

Tu-160M2 sẵn sàng hồi sinh phi đội máy bay ném bom chiến lược già cỗi của Moscow trong thập kỷ tới - nghĩa là, nếu ngành công nghiệp máy bay của Nga có thể đáp ứng nhu cầu đầy tham vọng của Điện Kremlin. Đặc biệt, vẫn còn phải xem liệu ngân sách quốc phòng của Nga có thể duy trì hai dự án máy bay ném bom chiến lược lớn cùng lúc hay không: ngay cả khi Moscow chuyển sang mua 50 máy bay chiến đấu Tu-160M2 mới và hiện đại hóa hơn một chục chiếc Tu-160 cũ hơn, họ cũng đang bơm nguồn lực đáng kể vào dự án máy bay ném bom tàng hình PAK DA thế hệ tiếp theo.

Theo Anh Minh/Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)