Trong khi cả Nga chưa thể tìm được giải pháp cho việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), thì Washington lại để ngỏ khả năng quay lại hiệp ước này với điều kiện Nga từ bỏ chương trình tên lửa 9M729 vốn được xem là "cái cớ" khiến Mỹ từ bỏ INF.
Và theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Andrea Thompson trong một tuyên bố vào đầu tháng 12 đã kêu gọi Nga cần loại bỏ những tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân 9M729, các bệ phóng hoặc thay đổi tầm bắn của tên lửa cho phù hợp với các điều khoản trong INF thì Mỹ sẽ xem xét lại khả năng tiếp tục duy trì hiệp ước này.
Về phía Nga, họ đã bày tỏ thái độ ngạc nhiên trước lời kêu gọi của Mỹ yêu cầu Nga phải hủy bỏ một loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhún vai và nói rằng, Nga chưa bao giờ và hiện tại cũng không vi phạm Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Nga vẫn cam kết tuân thủ các quy định trong Hiệp ước.
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo Hiệp ước này, Nga và Mỹ cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn từ 500 – 5.500 km.
|
Tên lửa đạn đạo tầm trung Novator 9M729 của Quân đội Nga. Ảnh: Wikipedia |
Vì sao Mỹ "run sợ" trước tên lửa Novator 9M729?
Theo giới phân tích quân sự Mỹ, Nga phát triển tên lửa 9M729 nhằm một số mục đích đó là: Thứ nhất, đó là nâng cao năng lực bảo vệ các mục tiêu chiến dịch, chiến lược bên trong lãnh thổ, đặc biệt là các cơ sở kinh tế, năng lượng và tài chính ngân hàng. Nguyên nhân thứ hai đó là tạo ra sức ép đủ lớn ngăn chặn các đòn tấn công của Mỹ và phương Tây. Với tầm bắn trong khoảng từ 500 - 5.000km, các tên lửa tầm trung của Nga hoàn toàn có thể vươn tới bất kỳ địa điểm nào tại châu Âu. Điều này sẽ khiến Mỹ và phương Tây phải cân nhắc cực kỳ kỹ lưỡng trước khi có động thái quân sự cứng rắn đe dọa an ninh biên giới Nga. Thứ ba, đa dạng hóa kho vũ khí tấn công chiến lược nhằm cân bằng ưu thế đối trọng với Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc quân sự khác trong phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung.
Sức mạnh thật sự của 9M729
Tính đến thời điểm hiện tại, Nga chưa công bố chính thức về các tham số kỹ thuật của Novator 9M729. Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích kỹ thuật quân sự Mỹ cho rằng, Novator 9M729 được phát triển và là biến thể của tên lửa 3M-54 Kalibr hoặc là một phiên bản sửa đổi của tên lửa Iskander-K/Kh-101. Do đó, Novator 9M729 được dự đoán có chiều dài khoảng 6 - 8m; trọng lượng từ 2.300 - 2.700kg; đường kính thân 0,533m; đầu đạn nặng 450kg; sải cánh từ 3 - 4,4m; tốc độ từ 180 - 240m/s; tầm bắn từ 500 - 5.000km; sử dụng hệ thống dẫn đường định vị toàn cầu Glonass của Nga.
Khả năng tác chiến toàn diện?
Tên lửa Novator 9M729 bắt đầu được Nga phát triển từ giữa năm 2000. Sau đó đến năm 2008, Nga đã thử nghiệm bay lần đầu tiên. Đến tháng 7/2014, thử nghiệm tấn công mục tiêu trên thực địa được tiến hành và mang lại kết quả khả quan. Vào tháng 2/2017, các cơ quan chức năng Mỹ thông báo rằng, họ đã được phía Nga xác nhận đã triển khai hai tiểu đoàn tên lửa Novator 9M729. Trong đó, một tiểu đoàn được xác định là đóng tại khu vực Kapustin Yar nằm ở phía Tây Nam nước Nga. Mỗi tiểu đoàn được biên chế gồm: 4 bệ phóng với mỗi bệ phóng được cung cấp với 6 tên lửa; 1 xe chỉ huy; 1 xe điều khiển phóng; 1 xe radar; 2 xe bảo đảm kỹ thuật
|
Phạm vi tấn công của Novator 9M729. Ảnh: Wikipedia |
Novator 9M729 được thiết kế với đôi cánh gập trong thân khiến cho nó có khả năng vận chuyển linh hoạt. Tên lửa được trang bị một bộ đẩy nhiên liệu rắn và được kích hoạt sau khi phóng. Hệ thống điều khiển và dẫn đường của tên lửa sử dụng cảm biến doppler điều chỉnh góc nghiêng theo quỹ đạo kết hợp với hệ thống định vị vệ tinh Glonass sẽ dẫn đường cho tên lửa bay đến mục tiêu. Ở giai đoạn cuối, Novator 9M729 sẽ tự động tắt tất cả các nguồn bức xạ điện từ và chuyển sang phương thức dẫn đường quán tính. Điều này giúp tên lửa tấn công chính xác mục tiêu trong khi khả năng bị phát hiện bởi hệ thống radar trinh sát đối phương cực nhỏ.
Từ những thông tin ít ỏi tên lửa Novator 9M729, có thể thấy sự lo lắng của Mỹ hay các nước phương Tây giành cho loại vũ khí chiến thuật này là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại rằng việc Nga phát triển 9M729 xuất phát điểm cũng từ các chính sách thù địch của Washington thông qua NATO khi khối quân sự này không ngừng mở rộng phạm vi ảnh hưởng về phía đông châu Âu và đã tiến sát tới biên giới nước Nga. Do đó việc Moscow cần tới một thứ vũ khí răn đe như Novator 9M729 là điều có thể chấp nhận được.
Mời độc giả xem video: Tên lửa đạn đạo chiến thuật Novator 9M729 trong một đợt diễn tập bắn đạn thật của Quân đội Nga. (nguồn Bộ Quốc phòng Nga)