Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời Kurt Volker đại diện đặc biệt của Mỹ tại Ukraine cho biết, Ukraine chưa thực sự sẵn sàng để có thể gia nhập khối quân sự NATO và liên minh quân sự này cũng chưa có kế hoạch chào đón thêm một thành viên mới trong thời điểm hiện tại. Phát biểu trên có thể là một cú sốc cho Kiev khi họ luôn tuyên bố rằng đã sẵn sàng gia nhập khối quân sự này.
Thông tin trên được ông Volker đưa ra trong một buổi phỏng vấn với một kênh truyền hình của Ukraine vào hôm 26/8 vừa rồi. Với nội dung chính liên quan đến việc Kiev chưa đủ điều kiện để gia nhập NATO và bản thân NATO cũng chưa muốn kết nạp nước này vào khối.
|
Cánh cửa để Ukraine gia nhập NATO, chưa bao giờ hẹp như lúc này bởi NATO không đào sâu thêm căng thẳng với Nga. Cũng càng không muốn mang thêm một gánh nặng từ Kiev. Nguồn ảnh: unian. |
NATO là tên viết tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, một liên minh quân sự dựa trên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết vào ngày 4 tháng 4 năm 1949 bao gồm Mỹ và một số nước ở châu Âu (các nước 2 bên bờ Đại Tây Dương), với mục đích thiết lập một liên minh phòng thủ trong đó các nước thành viên thực hiện phòng thủ chung khi bị tấn công bởi bên ngoài. Hiện tại khối quân sự này đã có tới 29 nước thành viên.
Vị đại diện này cũng cho biết, việc Ukraine có thể gia nhập NATO hay không còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau, mà xuất phát điểm phải đến từ Kiev, sau đó Brussels (nơi NATO đặt tổng hành dinh tại thủ đô Brussels của Bỉ), sự chấp thuận của Washington và cuối cùng là nét mặt của Nga trong vấn đề này. Ông này cũng nhấn mạnh Ukraine là một quốc gia độc lập nhưng việc họ có được gia nhập NATO hay không, không phải do họ quyết định và không ai có thể nói trước được điều này.
Trước đó vào hôm 24/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng cho biết, trong một cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko rằng Mỹ đánh giá cao nổ lực thay đổi các tiêu chuẩn quốc phòng của Ukraine theo tiêu chuẩn của NATO và mong muốn sự thay đổi trên ngày càng thiết thực hơn. Nhưng chừng đó là chưa đủ để Ukraine có thể nhận được một cam kết nào đó từ Washington về khả năng gia nhập NATO.
Cũng trong tháng 7 vừa rồi, Tổng thống Poroshenko đã thông qua một dự luật nhằm hiện thực hóa các điều kiện gia nhập NATO của nước này và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Kiev.
Hiện tại, Washington cũng đang cân nhắc cung cấp thêm các loại vũ khí sát thương cho Kiev sau chuyến thăm của Bộ trưởng Mattis.
|
Trong cuộc chiến ở miền Đông Ukraie, Kiev có thể nhận được viện trợ từ NATO nhưng họ phải chiến đấu một mình. Trong ảnh là Tổng thống Ukraine thị sát một tiền đồn của quân Kiev ở miền đông nước này. Nguồn ảnh: Sputnik. |
Về phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov trả lời phỏng vấn với Sputnik cho biết việc Mỹ chuyển giao vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ càng làm tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine trở nên phức tạp và điều này sẽ không giúp gì cho tiến trình hòa giải giữa Kiev với hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông, Ukraine. Bản thân các tướng lĩnh của NATO cũng không đồng tình lắm với cách làm này của Mỹ.
Dựa trên tình hình hiện tại sẽ rất khó để Ukraine có thể gia nhập NATO trong tương lai gần, thậm chí điều này có thể sẽ không xảy ra. Bởi suy cho cùng việc Ukraine gia nhập NATO sẽ không bên nào có lợi từ NATO, Nga cho đến Mỹ khi đẩy khu vực Đông Âu vào một vòng xoáy bất ổn mới. Và chắc chắn Moscow sẽ không ngồi yên để NATO kéo quân tới sát cửa nhà mình.
Còn về phía NATO họ cũng chẳng được lợi lộc gì từ việc cho phép Ukraine gia nhập, khi mà điều này càng làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Brussels và Moscow vốn đã căng như dây đàn hiện tại.