Tương quan lực lượng và kết quả trong chiến tranh vùng Vịnh

Google News

(Kiến Thức) - Trong Chiến tranh vùng Vịnh, dù được đánh giá là nhỉnh hơn chút ít về trang bị mặt đất nhưng Iraq vẫn chịu thiệt hại khủng khiếp trước quân Mỹ và đồng minh.

Mục tiêu của Mỹ là thông qua chiến tranh vùng Vịnh để khống chế khu vực dầu mỏ ở đây (vốn chiếm hơn 30% sản lượng dầu mỏ của thế giới). Từ đó khống chế Nhật Bản và Tây Âu – những nước phụ thuộc lớn vào nguồn dầu mỏ vùng Vịnh, buộc những đối thủ kinh tế này nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Thông qua việc khuất phục Iraq, Mỹ có thể khẳng định vai trò siêu cường duy nhất trên thế giới đồng thời có cơ hội thử nghiệm những loại vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, đến hiện nay, sau hơn 20 năm, vấn đề vùng Vịnh vẫn còn rất lửng lơ...
“Gà chọi” Iraq
Vào thời điểm cuộc xâm lược Kuwait, quân đội Iraq được ví là đàn “gà trọi” bởi có nhiều đơn vị thiện chiến với hơn một triệu quân, tương đương 69-71 sư đoàn, 100.000 xe tăng và xe bọc thép, 3.000 khẩu pháo lớn.
Tuong quan luc luong va ket qua trong Chien tranh Vung vinh
 Quân đội Iraq sở hữu lực lượng lục quân lớn thứ 4 thế giới.
Iraq có lực lượng mặt đất lớn nhất vùng Vịnh và thứ 4 thế giới. Không quân có 700 máy bay chiến đấu với nhiều loại máy bay tiêm kích, cường kích hiện đại bậc nhất (MiG-29, Su-24) và một hệ thống chỉ huy kiểm soát phòng không hiện đại (C2).
Lực lượng phòng không Iraq cũng thuộc hàng "đỉnh" nhất khu vực với các tổ hợp tên lửa phòng không S-125, 2K12 Kub... cùng 7.000 khẩu pháo phòng không…
Hải quân Iraq tuy không quá mạnh nhưng cũng được trang bị các tàu tên lửa có điều khiển tốc độ cao.
Ngoài ra, Iraq còn có các loại tên lửa đạn đạo Scud (tầm bắn 600 - 700km) mang đầu đạn thường hoặc hóa học, sinh học và có tin nước này đang chuẩn bị sản xuất vũ khí hạt nhân.
Nanh vuốt “đàn diều hâu”
Mỹ lúc đó đã tập hợp lượng đồng minh gồm 34 nước được ví là “đàn diều hâu”. Quân đội Mỹ chiếm 74% trong tổng số lính trước chiến tranh. Theo thống kê, trong Chiến vùng Vịnh, Mỹ đã đưa vào đây 540.000 quân, xấp xỉ quân số đông nhất trong chiến tranh Việt Nam (560.000). Ngoài ra còn có khoảng 205.000 quân các nước đồng minh, trong đó Anh (35.000), Pháp (gần 15.000). Mỹ động viên từ lực lượng dự bị tới 200.000 người để làm nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu.
Về vũ khí trang bị, đây là lần đầu tiên các phương tiện vũ trụ được dùng trực tiếp và cũng là lần đầu tiên, tên lửa đường đạn – phương tiện trả đũa duy nhất của Iraq bị bắn hạ với tỉ lệ hơn 35%.
Tuong quan luc luong va ket qua trong Chien tranh Vung vinh-Hinh-2
 Tiêm kích F-15E chuẩn bị tham gia chiến dịch không kích.
Mỹ và các nước đồng minh đã đưa vào cuộc chiến tranh này lực lượng máy bay chiến đấu rất hùng hậu. Phía Mỹ mang đến 1.800 máy bay các loại, trong đó có khoảng 1.600 chiếc hoạt động với nhịp độ trung bình 2.000 lần/chiếc mỗi ngày. Phía Mỹ đã thực hiện tổng cộng gần 110.000 phi vụ chiến đấu, ném 82.000 tấn bom, đạn, trong đó có 26.000 tấn vũ khí điều khiển chính xác (vũ khí kỹ thuật cao chiếm tới 34%). Tính trung bình, tỷ lệ diệt mục tiêu đạt 32%, có lúc lên tới 80% với mức thiệt hại rất thấp (chỉ mất 42 máy bay, chủ yếu do pháo phòng không Iraq bắn hạ).
Hầu như mọi máy bay chiến đấu hiện đại nhất đều được sử dụng. Nhiều loại chưa xuất hiện trong chiến tranh Việt Nam như, Tornado (Anh), F-15, F-16, A-10 và F-117 (loại máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của Mỹ). Mặc dù chỉ chiếm 2,5% tổng số máy bay của liên quân, song F-117 được giao tới 40% số mục tiêu của chiến dịch. Ưu điểm chính của loại máy bay này là khó bị radar phát hiện, do đó giảm đáng kể nhu cầu hộ tống và ngây nhiễu. Song vì khả năng quan sát hạn chế (nhất là vì không có radar), F-117A khó hoạt động khi tầm nhìn kém (mây thấp hoặc khói dầu).
Tuong quan luc luong va ket qua trong Chien tranh Vung vinh-Hinh-3
 Máy bay cường kích tàng hình F-117A.
Các máy bay tương đối cũ F-111, F-4, A-6, B-52... cũng đã được hiện đại hóa đáng kể vào những năm 1980. Ngoài radar mới (thường là bán dẫn), chúng còn được trang bị cảm biến hồng ngoại TV và laser, tạo khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm, trong điều kiện bị gây nhiễu. Máy bay còn được trang bị rộng rãi các hệ thống chiến tranh điện tử và mang các vũ khí công nghệ cao (xắc xuất trúng đích đạt tới 80%, uy lực lớn). 
Một máy bay như F-15, F-16, Tornado được cải tiến theo hướng tàng hình hóa. Nhiều máy bay như EA-6, F-111, F-4G, F-16, EC-130, EC-135... còn được dùng làm máy bay điện tử chuyên dùng.
Mỹ và liên quân có 1.500 trực thăng các loại, phần lớn thuộc về Thủy quân Lục chiến Mỹ, dụng để tấn công các vị trí phòng không, tạo hành lang cho máy bay đột nhập sâu vào lãnh thổ Iraq. Trên biển, chúng được sử dụng chủ yếu để phá thủy lôi và tấn công các đội tàu nhỏ. Ngoài ra chúng còn được dùng để chuyển quân, chuyển phương tiện chiến đấu, cứu thương, đồng thời tham gia chi viện cho hỏa lực cho lực lượng trên bộ.
Tham chiến ở vùng Vịnh có nhiều trực thăng hiện đại nhất của Mỹ và phương Tây, như: AH-64, UH-60 (Mỹ), Lynx (Anh)... nhưng loại tương đối cũ như, AH-1, CH-47... cũng đã qua cải tiến nhiều lần. Nhìn chung, các trực thăng này đều được trang bị thiết bị điện tử tiên tiến. Nhiều loại có cả radar và phương tiện chiến tranh điện tử. Một số loại như EH-60, AH-1W (Mỹ), SeaKinh (Anh) được sử dụng làm phương tiện chiến tranh điện tử chuyên dùng cho hạm tàu.
Về hải quân, Mỹ huy động 42 tàu chiến (29% lực lượng), 31 tàu đổ bộ (50%) và 6 tàu sân bay (43%). Nhiều lớp tàu đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu, như các tàu tuần dương AEGIS, tàu đổ bộ đệm khí. Đây cũng là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ, cả tàu nổi lẫn tàu ngầm được dùng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk. Riêng 6 tàu sân bay ở vùng Vịnh đã có số máy bay chiến đấu nhiều gấp rưỡi so với Iraq. Các tàu đổ bộ Mỹ có sàn sân bay khá rộng, cho phép đổ quân cả bằng máy bay lên thẳng và đảm bảo chi viện hỏa lực bằng máy bay cất hạ cánh đứng AV-8B.
“Diều hâu” áp đảo, đánh gục “gà chọi”
So sánh vũ khí trên mặt đất (xe tăng, xe bọc thép, pháo tự hành...), về số lượng có thời điểm Iraq nhỉnh hơn.
Iraq có 4.280 xe tăng chủ lực, còn phía Mỹ chỉ có 3.750 chiếc. Tuy nhiên, trong khi 500 xe tăng T-72 tương đối hiện đại của Iraq chỉ chiếm chưa đầy 1/4 tổng số, thì lượng xe tăng của liên quân có tới hơn một nửa là M-1 (2.000 chiếc), một trong những xe tăng hiện đại nhất thế giới ở thời điểm đó.
Tuong quan luc luong va ket qua trong Chien tranh Vung vinh-Hinh-4
 Xe tăng Type 69 của Quân đội Iraq bị liên quân phá hủy.
Bên cạnh đó, các loại tăng M60A3 (Mỹ), AMX-30 (Pháp) và Challenger (Anh) cũng có ưu thế hơn T-72. Chúng được lắp kính ngắm ảnh hồng ngoại thế hệ mới, cho phép hoạt động ban đêm và trong môi trường không có khói dầu. Pháo tự hành và hệ thống rocket phóng loạt (dàn pháo phản lực) cũng được liên quân sử dụng rộng rãi để đánh phá các sở chỉ huy, vị trí pháo binh, hậu cần và các đơn vị vệ binh cộng hòa. Tổng cộng có hơn 10.000 rocket được phóng đi.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, 149 binh sĩ Mỹ đã chết trận (trong đó có 35 người chết do trúng đạn của quân đồng minh). Ngoài ra, Anh có 24 binh sĩ, Pháp 2 binh sĩ, và các quốc gia Arập có 39 binh sĩ thiệt mạng. Số người bị thương là 776 người, trong đó có 467 binh sĩ Mỹ.
Về phía Iraq, theo một báo cáo của Không quân Mỹ, ước tính có khoảng 10.000 - 12.000 binh sĩ tử trận trong chiến dịch trên không và khoảng 10.000 tử trận trong cuộc chiến trên bộ. Theo số liệu của chính phủ Iraq, có khoảng 2.300 thường dân thiệt mạng trong các chiến dịch không kích của liên quân.
Tuong quan luc luong va ket qua trong Chien tranh Vung vinh-Hinh-5
 Tiêm kích F-16C của Mỹ bị bắn hạ.
Lượng bom đạn sử dụng trong cuộc chiến tranh này tương đương với số lượng bom đạn đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong thời gian chiến tranh có khoảng một triệu thùng dầu thô đổ ra vịnh Péc Xích, hơn 570 giếng dầu bị đốt cháy làm ô nhiễm nghiêm trọng vùng trời, đất đai, nguồn nước, sinh vật... ở Vùng Vịnh cũng như ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái các khu vực khác.
Về chi phí của cuộc chiến, các chuyên gia ước tính lên tới 71 tỷ USD. Khoảng 53 tỷ USD trong số đó do các nước khác chi trả. Quân đội Mỹ chiếm 74% tổng lực lượng liên quân, và vì thế tổng chi phí của họ cũng cao hơn.
Chiến tranh vùng Vịnh gây ra những tổn thất to lớn đối với nhân dân Iraq và Kuwait, biến Iraq thành mảnh đất của máu và nước mắt, đồng thời làm thiệt hại không nhỏ cho nhiều nước khác, để lại những hậu quả nặng nề như chết chóc, bệnh tật, đói nghèo, ly hương, không nhà cửa, chia rẽ sắc tộc, tôn giáo... Chiến tranh vùng Vịnh cũng đã làm thay đổi trật tự ở Trung Đông, đồng thời tác động chung đến cục diện thế giới.
Đại Dương

>> xem thêm

Bình luận(0)