"Xe tăng hiện đại cần phải có các hệ thống tác chiến chống tăng tiên tiến. Có thể nói T-90M Proryv là xe tăng tốt nhất thế giới hiện nay. T-90M có tầm bắn xa hơn và chính xác hơn, đồng thời khả năng bảo vệ của xe cũng rất hiện đại", tờ Military Watch trích lời Tổng thống Nga Putin nhận xét.
Để tăng tính thuyết phục, Tổng thống Nga đã trích dẫn một báo cáo về độ bền của T-90M khi va phải một quả mìn bên đường trên chiến trường Ukraine, "Khi quả mìn phát nổ, chiếc xe tăng như nhảy lên và khiến một người lính bên trong bị thương, nhưng không phải do vụ nổ mà do anh ta va chạm khá mạnh với thành xe và chiếc xe tăng vẫn còn nguyên vẹn".
Trước đó, vào hồi tháng 3, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Dmitry Medvedev cũng tuyên bố rằng, "Theo tôi, T-90M hiện là xe tăng tốt nhất trên thế giới... Nó chắc chắn tốt hơn Leopard, Challenger, Abrams, kể cả về tính năng chiến thuật và kỹ thuật, thậm chí cả về yếu tố khối lượng".
T-90M được đưa vào phục vụ trong Quân đội Nga từ tháng 4/2020, hai tháng sau khi hoàn thành các cuộc thử nghiệm. Vào thời điểm đó, Quân đội Nga dự định chỉ mua một số lượng nhỏ xe tăng từ dây chuyền sản xuất, tuy nhiên cuộc xung đột nổ ra vào tháng 2/2022 đã dẫn đến việc mở rộng kế hoạch mua sắm lên hàng nghìn xe.
Khả năng sản xuất theo kế hoạch được ước tính là hơn 1.300 chiếc mỗi năm, cùng với một số lượng nhỏ xe tăng T-14 hiện đại hơn vẫn chưa chính thức được đưa vào biên chế Quân đội Nga. Điều này khiến những chiếc xe tăng chủ lực T-90 trở thành phương tiện chiến đấu chủ lực của quân đội Nga.
Ngoài ra, vào cuối năm 2022 thiết kế lớp giáp tiên tiến của T-90M cũng đã được lựa chọn, để tiến hành gói nâng cấp cho những chiếc xe tăng T-72 cũ từ thời Liên Xô, nhằm tạo ra phiên bản mới được nhiều chuyên gia suy đoán là T-72B4
Khả năng của T-90
Các tính năng đáng chú ý của T-90M bao gồm lớp giáp rất hiện đại có phạm vi bao phủ rất rộng nhờ sử dụng giáp phản ứng nổ Relikt, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến và kính ngắm nhiệt. Đồng thời xe cũng được trang bị thiết bị quan sát nhiệt độc lập và màn hình kỹ thuật số cho người chỉ huy - một bổ sung mới so với các thiết kế xe tăng Nga trước đây.
Hỏa lực của xe tăng cũng được cải thiện nhiều so với những phiên bản xe tăng tiền nhiệm, với bộ nạp đạn tự động và trang bị pháo chính mới cho phép T-90M bắn được các viên đạn xuyên giáp dài hơn có khả năng xuyên giáp lớn hơn nhiều so với các xe tăng của phương Tây.
Việc tách riêng khoang chứa đạn cũng giúp làm tăng đáng kể khả năng sống sót cho kíp lái, thực tế trên chiến trường cho thấy những chiếc T-90M không phát nổ sau khi bị trúng đạn như T-72.
Một số chuyên gia cho rằng, hỏa lực, cảm biến và giáp bảo vệ làm nên đẳng cấp khác cho T-90M khi so với các xe tăng khác trong kho vũ khí của Nga, đồng thời T-90 cũng được đánh giá cao hơn những chiếc xe tăng được sản xuất ở các nước phương Tây.
Một lợi thế khác của T-90M là xe có kích thước và trọng lượng chỉ bằng 2/3 so với xe tăng phương Tây, trong khi đó các loại xe tăng của Mỹ và Đức nặng tới 70-80 tấn. Với lợi thế này, xe tăng Nga sẽ có mức tiêu thụ nhiên liệu và nhu cầu bảo dưỡng thấp hơn, đồng thời dễ vận chuyển hơn nhiều.
Kích thước nhỏ gọn hơn cũng sẽ hạn chế khả năng nhắm bắn của các xạ thủ đối phương, đồng thời xe tăng cũng dễ dàng trong việc sử dụng các con đường và cây cầu được xây dựng cho các phương tiện dân sự, điều mà ít xe tăng phương Tây có thể làm được.
Xe tăng T-90M còn có một lợi thế khác là yêu cầu kíp lái chỉ cần ba người, trong khi xe tăng của Đức, Mỹ và Anh yêu cầu bốn người, do sử dụng bộ nạp đạn tự động (Autoloader) để có tốc độ bắn cao hơn.
Mặc dù T-90M có những lợi thế đáng kể so với các phương tiện phương Tây, tuy nhiên vị thế của xe tăng vẫn bị đánh giá kém hơn khi so sánh với các loại xe tăng mới nhất của Trung Quốc và Hàn Quốc (Type-99A và K2).
So sánh với xe tăng K2
Khả năng của xe tăng K2 ngày càng trở nên phù hợp với lợi ích an ninh của các thành viên NATO. Cụ thể, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã có kế hoạch triển khai gần 1.000 chiếc xe tăng của Hàn Quốc, không chỉ có nhiều khả năng hơn về mặt kỹ chiến thuật các lô xe tăng K2 còn được bàn giao nhanh hơn nhiều so với các phương tiện của phương Tây.
K2 được phát triển một phần dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc khi vận hành các xe tăng T-80U và T-80UK của Nga được mua vào những năm 1990, những loại xe tăng có năng lực nhất trong biên chế của Nga vào thời điểm đó.
Những chiếc K2 được hưởng lợi từ khả năng ống thở, bộ nạp đạn tự động và tổ lái ba người, vốn là những đặc điểm nổi bật của các thiết kế xe tăng Liên Xô. Giống như những chiếc T-90, K2 tương đối nhẹ, ít cần bảo trì và có thể hoạt động trên những con đường và cây cầu dân sự.
Mặc dù đạn APFSDS của K2 bị đánh giá là kém khả năng hơn so với T-90, nhưng K2 có một số lợi thế bao gồm khả năng tích hợp đạn tầm xa rất độc đáo và sử dụng radar để nhận biết tình huống tốt hơn. Tuy nhiên, chi phí của xe tăng Hàn Quốc lại cao hơn nhiều so với xe tăng Nga.
Cuối cùng thì xe tăng nào là tốt nhất phụ thuộc phần lớn vào nhiệm vụ hoặc vai trò mà phương tiện đó được sử dụng. Ví dụ như những chiếc T-55 đã được hiện đại hóa vẫn được ưa chuộng cho các hoạt động chống nổi dậy, trong khi các phương tiện như Pokpung Ho của Triều Tiên và Type 15 của Trung Quốc được coi là tối ưu cho chiến tranh ở địa hình đồi núi.
Còn T-90M tạo ra sự cân bằng giữa khả năng chống bộ binh, khả năng chống thiết giáp, tính cơ động, khả năng vận chuyển, khả năng bảo vệ và yêu cầu hậu cần nhỏ. Điều này khiến nó trở thành ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu xe tăng tốt nhất trong mọi tình huống.