Tiêm kích tàng hình đắt nhất thế giới không tốt như Mỹ kỳ vọng?

Google News

Siêu tiêm kích tàng hình F-35 được mệnh danh là "kẻ thay đổi cuộc chơi", tác chiến hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết.

Siêu tiêm kích tàng hình F-35 - dự án vũ khí tốn kém nhất
F-35 Lightning II là tên gọi chung của 3 biến thể máy bay dựa trên thiết kế cơ sở X-35 của dự án phát triển máy bay tiêm kích bom phối hợp (Joint Strike Fighter - JSF) một phi công, có khả năng tàng hình, có thể yểm trợ cận chiến, ném bom chiến thuật, và chiến đấu không đối không. Đó là: F-35A - cất và hạ cánh bình thường (thay thế F-16 của Không quân); F-35B - cất cánh khoảng cách ngắn và đáp thẳng xuống (thay thế AV-8B của Thủy quân Lục chiến); và F-35C - trang bị cho hàng không mẫu hạm (thay thế F-18 của Hải quân).
Tên Lightning được chọn nhằm tôn vinh 2 loại máy bay cùng tên của Anh trong Chiến tranh Thế giới II và Chiến tranh Lạnh. Chiến đấu cơ F-35 được coi là tương lai của không quân hiện đại, đa chức năng nhờ kết hợp khả năng hoạt động bí mật, tốc độ siêu thanh và công nghệ cảm biến tối tân để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu; được cho sẽ đóng vai trò nòng cốt trong các chiến lược phòng thủ của Mỹ và đồng minh trong nhiều thập kỷ tới.
JSF là dự án nghiên cứu và chế tạo tiêm kích lớn nhất cho Mỹ và các đồng minh (Anh, Italy, Hà Lan, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Na Uy, Đan Mạch, Hàn Quốc, Bỉ, Israel và Singapore) kể từ sau Chiến tranh Lạnh, với số lượng lên tới hàng nghìn chiếc trong khoảng thời gian tới năm 2035, mà việc phát triển đã được đưa vào kế hoạch tài chính của Mỹ, Anh và các chính phủ liên minh khác. Năm 1996, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chọn tập đoàn Lockheed Martin và các nhà thầu quốc phòng khác là Pratt & Whitney, BAE Systems và Northrop Grumman thiết kế và chế tạo F-35 Lightning II.
Hợp đồng phát triển và trình diễn hệ thống được chính thức ký năm 2001, tiêm kích tàng hình F-35 là dự án tốn kém nhất trong lịch sử và gây nhiều tai tiếng nhất của Lầu Năm Góc, từng bị chậm tiến độ 7 năm với hàng loạt lỗi kỹ thuật và đội giá đầu tư. Tổng số tiền chính phủ Mỹ đổ vào dự án này là 1.500 tỷ USD, trong đó gần 400 tỷ USD được dành cho việc mua máy bay. Ban đầu, chi phí cho một chiếc F-35 ước tính chỉ khoảng 38 triệu USD, song hiện tại nó đã bị đội giá lên gần 160 triệu USD. Năm 2014, chi phí vận hành mỗi chiếc F-35 tốn đến 67.548 USD mỗi giờ bay (cao hơn cả F-22).
F-35 là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm, 2 động cơ, tác chiến hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng mang tên lửa không đối không và bom dẫn đường bằng laser với tầm hoạt động khoảng 2.200 km và có thể đánh lừa hệ thống radar của đối phương. Nó có chiều dài: 15,37 m; sải cánh: 10,6 m; cao: 4,33 m; trọng lượng không tải: 12.000 kg; trọng lượng có tải: 20.100 kg; trọng lượng cất cánh lớn nhất: 27.200 kg; tốc độ lớn nhất: 1,6 Mach (1.930 km/h); bán kính chiến đấu: 1.100 km.
Tiem kich tang hinh dat nhat the gioi khong tot nhu My ky vong?
 

Các điểm cải tiến so với thế hệ máy bay chiến đấu hiện tại là: kỹ thuật tàng hình bền và bảo trì ít tốn kém hơn; hệ thống radar và cảm biến tích hợp phối hợp thông tin trên máy bay và từ mặt đất nhằm tăng cường khả năng nhận biết tình huống của phi công, nhận biết địch và sử dụng vũ khí, cũng như chuyển tiếp thông tin nhanh chóng đến các nút chỉ huy và điều khiển khác; sử dụng mạng lưới dữ liệu tốc độ cao gồm IEEE-1394b và Fibre Channel; chi phí duy trì vòng đời thấp.
Điểm mạnh của F-35 là sự kết hợp hoàn hảo giữa hệ thống vũ khí tầm xa, cảm biến hiện đại, kỹ thuật tàng hình và hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh. F-35 có thể mang theo 10 tấn vũ khí - điều mà chưa tiêm kích đa năng nào của Nga và Trung Quốc có được - gồm 1 pháo GAU-12/U 25 mm gắn trong thân F-35A với 180 viên đạn, hoặc gắn bên ngoài cánh F-35B và F-35C với 220 quả đạn. Ở chế độ tấn công hỗn hợp, F-35 có thể mang được 14 tên lửa AIM-120 và 2 tên lửa AIM-9X nhỏ hơn cho các nhiệm vụ trên không, hoặc 6 quả bom GBU-31 cùng với 4 AIM-120/9X cho các nhiệm vụ hỗn hợp trên không và mặt đất, từng chiến thắng các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 hàng đầu như F-15E, Rafale, Typhoon với tỷ số không tưởng 14-1.
Theo tạp chí quân sự Jane's Defence Weekly, hôm 18/3/2019, BAE Systems đã ký hợp đồng phụ với Lockheed Martin nhằm tích hợp các hệ thống tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn MBDA Meteor và tên lửa không đối đất SPEAR 3 mang được trong khoang bom của máy bay F-35 nhằm duy trì khả năng phản xạ sóng radar mức thấp nhất, dự kiến, sẽ hoàn thành vào năm 2025. Ngày 1/5, Lockheed Martin tiết lộ đã và đang phát triển giá vũ khí mới có tên là Sidekick, cho phép F-35 mang được được 6 tên lửa không đối không lái dẫn bằng radar thay vì 4 tên lửa như hiện tại.
Không quân Mỹ vừa thực hiện tiếp nhiên liệu trên không lần đầu tiên cho tiêm kích F-35 bằng máy bay tiếp liệu siêu hiện đại KC-46A Pegasus mới được đưa vào biên chế đầu năm nay và đã hoàn thành thử nghiệm hệ thống lái tự động Auto GCAS trên tiêm kích tàng hình F-35 dùng cho những trường hợp khẩn cấp. Auto GCAS sẽ tự động kích hoạt trong tình huống máy bay xuống tới độ cao 2.500 m, sau khi so sánh hướng bay của máy bay và dữ liệu địa hình mặt đất, hệ thống này sẽ tự nhận ra tình huống nguy hiểm là có thể đâm xuống đất, trong vòng 10 giây sẽ tự động điều khiển lấy lại thăng bằng cho máy bay và điều khiển máy bay lượn vòng bay lên.
Trong tương lai, vũ khí năng lượng định hướng có thể gắn được trên phiên bản F-35A; một số vũ khí mới, bao gồm vũ khí laser bán dẫn và vũ khí chùm sóng ngắn năng lượng cao, sẽ được tích hợp. Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ, F-35 cũng sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho các lực lượng phòng thủ tên lửa - tham gia đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa.
F-35 có thực sự được như kỳ vọng?
Thực tế cho thấy, chương trình F-35 không được như kỳ vọng, đang gặp nhiều vấn đề và tranh cãi vì đội giá cũng như không đạt chỉ tiêu đề ra. Sau thử nghiệm, người ta đã phát hiện các lỗi thiết kế như nhiều vết nứt vỡ mà lẽ ra, không thể có với thời lượng bay chỉ mới bằng 1/10 thời gian dự tính, khiến việc bảo dưỡng tốn kém hơn. Các lỗi chính khác của dòng F-35 là các hệ thống hiển thị công nghệ cao của mũ phi công, bơm nhiên liệu, cung cấp điện dự phòng hoạt động rất đáng thất vọng, không đảm bảo an toàn... Hệ thống thông gió không cho phép bay cao hơn 6.000 m cũng như tốc độ không được vượt quá 1.829 m/phút.
F-35 không chịu được sét đánh và hiện tại loại máy bay này đang bị cấm hoạt động tại các khu vực thường xuyên có dông, phải cách xa các khu vực này ít nhất 25 dặm. Hệ thống tạo khí trơ OBIGGS cần phải được thiết kế lại để bảo vệ bình nhiên liệu trong trường hợp bị sét đánh. Mẫu F-35C được chế tạo cho Hải quân thì lại không thể đáp xuống tàu sân bay vì khiếm khuyết nghiêm trọng ở phần đuôi.
Lốp của biến thể F-35B bị mòn với tốc độ không thể chấp nhận được khi hoạt động như một máy bay chiến đấu bình thường. Bản thân F-35B dùng trên tàu sân bay đang gặp vấn đề khi sức nóng làm hỏng đường băng; nhiều hệ thống như vũ khí, ăng ten, cửa thoát và ống dẫn nhiên liệu, thuyền cứu sinh, lan can, lưới bảo vệ, và các thiết bị khác quá gần sàn đáp, bị ảnh hưởng do F-35B hạ cánh và cất cánh. Bảo trì động cơ mất đến 52 tiếng thay vì chỉ mất 2 tiếng như dự tính.
Máy bay cũng gặp trục trặc khi qua đêm ở nhiệt độ 15°C, vì thế, nó phải được cất trong nhà có máy sưởi. F-35 cũng không thể cất cánh hoặc động cơ bị tắt đột ngột nếu nhiên liệu tiếp cho nó đang ở nhiệt độ trên 40°C, khiến việc bảo trì và tiếp nhiên liệu ở những vùng khí hậu nóng trở nên rắc rối (phải xây bãi đỗ râm mát, hoặc gắn máy làm mát cho các xe chở nhiên liệu). Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Australia, Israel... sẽ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra loại tiêm kích tối tân này sẽ không thể cất cánh khi nhiệt độ vượt quá ngưỡng cho phép vào mùa hè.
Mũ phi công do công ty RCESA sản xuất, có giá hơn 500.000 USD/chiếc. Nhiều phi công thử nghiệm báo cáo họ đã bị chóng mặt, mất phương hướng trong không gian khi điều khiển F-35, nghiêm trọng tới mức phải tắt dữ liệu và hạ cánh "thủ công". Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do độ trễ nhất định của việc chuyển tín hiệu lên mũ lái, bởi máy tính của F-35 phải xác định phi công đang nhìn đi đâu để chuyển lệnh tới camera tương ứng.
Không giống HUD gắn cố định trên máy bay, mũ của F-35 được thiết kế để phi công có thể quay đầu tự do bên trong, nên khi máy bay rung lắc, phi công cũng sẽ thấy hình ảnh nhảy múa trước mắt. Thay vì giúp phi công nhìn thấy tất cả các vật thể xung quanh, chiếc mũ bay do BAE sản xuất khiến phi công bị rối tung vì quá nhiều hình ảnh từ radar và camera. Các thông tin về tốc độ, độ cao, góc hạ cánh và cất cánh cũng như mức nhiên liệu và hệ thống vũ khí cộng với hình ảnh quang cảnh xung quanh khiến mọi thứ bị quá tải, kết quả là phi công chẳng nhìn thấy gì. Hệ thống camera được dùng để thay thế cho việc phi công phải ngoái đầu lại phía sau lại có những điểm mù.
Máy bay không thể ném bom, tham gia không chiến hoặc hỗ trợ bộ binh do phần mềm vẫn chưa hoàn thiện. Tính đến năm 2013, chương trình F-35 bị tìm ra đến 363 lỗi có thể phát sinh 719 vấn đề - một con số đáng kinh ngạc cho dự án vốn quá đắt đỏ. Một báo cáo năm 2018 từ cơ quan chuyên trách Mỹ đã phát hiện chương trình này có hơn 960 "thiếu sót mở" cần phải giải quyết, chưa kể các vấn đề liên quan đến vũ khí và tuổi thọ.
Theo báo cáo của Cơ quan đánh giá hoạt động thử nghiệm (DOT&E), F-35 khó sống sót nếu tham gia cận chiến vì pháo Gatling 25 mm không thể bắn trúng mục tiêu. Đây là kết quả không thể chấp nhận được bởi số tiền quá lớn chi cho loại vũ khí này (gần 2 triệu USD cho mỗi khẩu). Mang được ít tên lửa hơn, phạm vi hoạt động chỉ đạt 2.222 km, tốc độ tối đa 1,6 M, vì vậy, F-35 thua kém trong không chiến, đặc biệt là cận chiến là điều không khó tiên lượng.
Các nghiên cứu mới đây đều chứng minh rằng, sóng dài đặc biệt có hiệu quả trong việc phát hiện các mục tiêu tàng hình, nhất là khi bước sóng bằng 2 lần kích thước mục tiêu. Để có thể tàng hình trước radar băng tần VHF thì phải gỡ bỏ đuôi của F-35 nhưng chưa biết nên xử lý thế nào. Những gì mà F-35 thực sự đang có là "tấn công điện tử" hay còn gọi là EA và một hệ thống radar ngụy trang - BAE Systems ALE -70, nhưng cả hai đều nhằm mục đích đánh chặn tên lửa chứ không ngăn chặn việc nó bị phát hiện.
Truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ trang Aviationist tiết lộ, mỗi khi F-35 (cả 3 phiên bản) bay ở tốc độ cận âm và chớm vượt tường âm thanh, phần thân vỏ vẫn hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, ngay khi vượt ngưỡng Mach 1,2 (gấp 1,2 lần tốc độ âm thanh), lớp phủ tàng hình của chiếc tiêm kích này bắt đầu bị đốt cháy và khiến F-35 hiện rõ trên màn hình của những hệ thống radar không được thiết kế để bắt mục tiêu tàng hình - lý do khiến rất hiếm khi F-35 bay vượt tốc độ Mach 1,2 hoặc mỗi khi quyết định bay vượt ngưỡng này, Không quân Mỹ lại phải đổ tiền phủ lại toàn bộ lớp vỏ tàng hình đắt đỏ.
Thừa nhận mới nhất này của Lockheed Martin cũng cho thấy, có thể đây chính là nguyên nhân khiến chi phí cho mỗi chuyến bay của F-35 Lightning II, dù chỉ là một chuyến bay huấn luyện, bị đội lên mức khủng khiếp. Theo số liệu thống kê của Không quân Mỹ mà trang Defense Aerospace có được, để bay trong một giờ, máy bay đa năng tàng hình F-35 tiêu tốn hết 24.000 USD - gấp nhiều lần so với các loại tiêm kích thế hệ 4 hiện có của Không quân Mỹ và cao hơn F-22 khoảng 4.000 USD.
Chưa đề cập đến việc thực chiến của F-35 tại các chiến trường Afganistan, Iraq, Syria… nhưng năm 2014, một chiếc F-35A của Không quân Mỹ đã bốc cháy trước khi cất cánh do sự cố động cơ tại căn cứ Eglin. Năm 2018, một chiếc F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ đã bị rơi, nguyên nhân có thể do trục trặc từ ống dẫn nhiên liệu bên trong động cơ của máy bay. Ngày 9/4/2019 một tiêm kích tàng hình F-35A mới chỉ “một năm tuổi” và 250 giờ bay thuộc Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (JASDF) đã bị rơi xuống biển.
Theo các phương tiện truyền thông, có nhiều khả năng dẫn đến thảm họa, bao gồm cả hệ thống phần mềm điều khiển máy bay hỏng hoặc bị hack. Theo Nikkei, một chuyên gia dấu tên cho biết, có nguy cơ rằng hệ thống phần mềm điều khiển F-35A có thể bị bẻ khóa, nhất là trong quá trình cập nhật hệ thống, có thể dẫn đến sự cố hệ thống tái tạo dưỡng khí cho phi công (OBOGS - On board Oxygen generation Systems). Trong trường hợp này, phi công có thể bị choáng ngất và mất ý thức, thiết bị điện tử nói trên không hoạt động, không gửi bất kỳ tín hiệu nào về việc mất độ cao nghiêm trọng, máy bay bị rơi.
Theo tạp chí Vif, các chuyên gia của dự án phi chính phủ Project On Government Oversight (POGO) cho biết, F-35 được Bỉ mua từ Mỹ không phù hợp cho các hoạt động chiến đấu. Một cuộc kiểm tra độc lập đã xác định F-35 có những lỗi và khiếm khuyết kỹ thuật, đó là độ chính xác thấp, thiếu hệ thống bảo vệ chống lại các cuộc tấn công mạng và thiết kế mỏng manh. Cũng theo POGO, đội ngũ quan chức phụ trách phát triển F-35 thậm chí tìm cách che giấu những điểm yếu "chết người" của dòng máy bay này thay vì khắc phục chúng.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định F-35B và F-35C là phương tiện tấn công chủ lực của Không quân Mỹ, nhưng hiện tại chúng đều chưa sẵn sàng cho bất cứ hoạt động quân sự nào. Theo POGO, mức độ sẵn sàng chiến đấu khoảng 18% đối với máy bay F-35B và chỉ là 1 - 2% đối với F-35C bởi sự không đồng bộ trong chương trình F-35. F-35 không thể thực hiện đầy đủ số giờ bay vì thiếu phụ tùng thay thế đáng tin cậy; các phụ tùng thay thế dự trữ thường xuyên không còn phù hợp do thường xuyên có những thay đổi. Có tới 44% số chi tiết không còn phù hợp với F-35 được chuyển giao cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ thời gian qua.
Sau vụ chiến đấu cơ Nhật Bản rơi, báo chí còn tiết lộ các máy bay F-35 của nước này từng 7 lần gặp sự cố do những trục trặc của các thiết bị trên khoang và phải hạ cánh khẩn cấp, khiến giới phân tích nghi ngờ về khả năng thực sự của F-35. Theo tiết lộ của báo chí Mỹ, quyền Bộ trưởng Quốc phòng nước này Shanahan trong một cuộc họp hồi tháng 1/2019 đã gọi F-35 là “nỗi kinh hoàng”, rằng chương trình F-35 đã thất bại. Một cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Mỹ hiện làm việc tại POGO cảnh báo chương trình phát triển F-35 sẽ còn tiếp tục vấp phải nhiều vấn đề nữa.
Sau hai thập niên khởi động, giới chức Mỹ cho rằng việc hủy bỏ chương trình “hao tiền, tốn của” này là không thể khi F-35 được kỳ vọng trở thành xương sống của phi đội máy bay chiến đấu Mỹ trong tương lai và dự án đã phát triển "quá lớn, tới mức không được phép thất bại". Một trong những lý do khiến chương trình phát triển F-35 tiếp tục “sống khỏe” sau hàng loạt vấn đề được cho là chương trình F-35 trực hoặc gián tiếp tạo ra 194.000 việc làm cho nền kinh tế Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, chi phí nghiên cứu đã tăng quá cao và động cơ chính trị khiến chính phủ Mỹ không dám đình chỉ dự án này, dù giá thành máy bay đắt hơn nhiều so với dự kiến và nhiều lỗi kỹ thuật liên tục phát sinh.
Theo Lê Ngọc/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)