Mời độc giả xem video: Tiêm kích Su-27 thực hiện pha áp sát F-15 trên biển Baltic. (nguồn RT)
Hình ảnh từ đoạn video được công bố cho thấy, tình huống ngăn chặn thót tim khi một máy bay chiến đấu F-15 đang bay gần một máy bay không rõ danh tính được cho là chiến đấu cơ Nga. Lập tức Su-27 mang vũ khí xuất hiện và áp sát chiếc F-15 từ phía sau.
Khi 2 máy bay ở khoảng cách đủ gần và nhìn thấy rõ trang bị của nhau bằng mắt thường thì Su-27 thực hiện một cú "lắc vai" khoe vũ khí đầy uy lực. Lập tức chiếc tiêm kích F-15 phải rời khỏi Không phận Nga và biến mất khỏi màn hình.
Chưa rõ thời gian cụ thể diễn ra pha ngăn chặn nguy hiểm và hiện Bộ Quốc phòng Nga và Mỹ đều chưa có tuyên bố chính thức nào về hình ảnh được công bố nói trên.
Được biết, trước khi F-15 Mỹ vội bỏ đi trong pha ngăn chặn này, tiêm kích F-15 từng nhiều lần bại trận trước những cuộc diễn tập đối kháng với tiêm kích Su-27 của Không quân Nga, đặc biệt là lần diễn tập hồi tháng 8/1992.
Tại thời điểm đó, các phi công của Trung tâm huấn luyện chiến đấu và đào tạo lại phi công của Không quân Nga ở Lipetsk đã bay Su-27UB sang căn cứ không quân Langley, bang Virgimia, theo lời mời của phía Mỹ. Thiếu tá Ye. Karabasov đã đề nghị tổ chức tập trận giữa Su-27 và F-15 trước sự có mặt của khán giả.
|
Tiêm kích Su-27 thực hiện pha áp sát F-15 trên biển Baltic. |
Tuy nhiên, người Mỹ vốn đã biết rõ Su-27 qua các video clip nên đã đề nghị đơn giản hóa bài tập và tiến hành ở xa con mắt người ngoài. Họ đã quyết định tiến hành "cuộc diễn tập chung" ở cách xa bờ biển 200 km.
Theo kịch bản đề xuất, ban đầu 1 chiếc F-15D phải tìm cách thoát khỏi sự truy đuổi của Su-27UB, sau đó các máy bay sẽ đổi vai cho nhau và Su-27 phải thoát khỏi sự truy đuổi của Eagle. Ngồi trong cabin trước của chiếc Su-27UB là Ye. Karabasov, ở cabin sau là phi công Mỹ. Một chiếc F-15C cũng cất cánh để quan sát cuộc tranh hùng.
Chiếc F-15 đã cố bứt khỏi Su-27 ở chế độ tăng lực toàn phần. Nhưng Karabasov vẫn bám cứng ở đuôi chiếc F-15 bằng cách sử dụng chế độ tăng lực cực tiểu và lực đẩy không tăng lực tối đa.
Sau khi các máy bay đổi chỗ cho nhau, Karabasov đã bật tăng lực toàn phần và lập tức thoát khỏi F-15D với vòng lượn và lấy độ cao gắt. Chiếc F-15 Eagle lập tức tụt lại phía sau. Sau vòng lượn, chiếc Su-27UB bám ngay vào đuôi chiếc F-15, nhưng viên phi công Nga đã bị nhầm lẫn nên đã "bắn rơi" không phải chiếc F-15D mà là chiếc F-15C đang quan sát ở phía sau.
Sau khi nhận ra nhầm lẫn, Karabasov lập tức bắt vào máy ngắm chiếc F-15D hai chỗ ngồi. Mọi nỗ lực sau đó của viên phi công Mỹ nhằm thoát khỏi sự truy sát của máy bay Nga đều vô hiệu. Trận không chiến kết thúc ở đây.
Phải nói rằng, chiến đấu cơ Su-27UB không chỉ dễ dàng làm thịt máy bay huấn luyện F-15D mà cả máy bay chiến đấu F-15C trong khi thua kém nó về nhiều thông số (ví dụ như tốc độ ở gần mặt đất và trên cao). Khả năng cơ động siêu việt đã giải quyết tất cả.
Chính vì vậy, việc F-15 bỏ chạy khi bị Su-27 mang theo vũ khí áp sát không khiến nhiều người bất ngờ. Và có thể do đã biết được sự nguy hiểm của Su-27 nên một chiếc trinh sát cơ P-8A của Mỹ đã phải vội đổi hướng bay rời khỏi không phận Nga tại Baltic khi bị chiếc tiêm kích này áp sát hồi tuần qua.