Quân đội Ấn Độ lộ điểm yếu chí tử sau đụng độ với Pakistan

Google News

68% trang thiết bị chiến đấu lạc hậu, bộ máy cồng kềnh và quan liêu nên dù có ngân sách lớn thứ 5 thế giới, quân đội Ấn Độ chỉ có thể chiến đấu liên tục 10 ngày vì không đủ đạn.
 

Một phi công Ấn Độ đã bị bắn hạ trong cuộc không chiến với máy bay chiến đấu Pakistan. Viên phi công bị bắt làm tù binh và sau đó được trả tự do. Anh trở về nhà với những vết bầm tím trên mặt, nhưng chiếc MiG-21 cũ kĩ mà anh lái đã kém may mắn hơn.
Cuộc đụng độ trên không đầu tiên giữa hai đối thủ ở Nam Á trong 5 thập niên qua là một thử nghiệm hiếm hoi cho quân đội Ấn Độ và nó khiến các nhà quan sát sững sờ, New York Times cho biết.
Trong khi thách thức mà quân đội Ấn Độ phải đối mặt không có gì bí mật, thì việc tổn thất một máy bay khi đối đầu với quốc gia có quy mô quân đội chỉ bằng một nửa và ngân sách quốc phòng chỉ bằng một phần tư là vấn đề đáng quan tâm.
68% thiết bị lạc hậu
Chiếc MiG-21 bị bắn rơi cho thấy lực lượng vũ trang Ấn Độ đang trong tình trạng báo động. Nếu chiến tranh tổng lực xảy ra vào ngày mai, Ấn Độ chỉ có thể cung cấp đạn dược cho quân đội trong vòng 10 ngày, theo ước tính của chính phủ.
Quan doi An Do lo diem yeu chi tu sau dung do voi Pakistan
Dù đã lạc hậu, MiG-21 vẫn là nòng cốt của không quân Ấn Độ. Ảnh: Airliners. 
68% thiết bị của quân đội đã quá cũ và chính thức được xem là lạc hậu. Nhà lập pháp Gaurav Gogoi, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quốc phòng, cho biết quân đội chúng ta thiếu các thiết bị hiện đại, nhưng họ phải tiến hành các hoạt động quân sự của thế kỷ 21.
Các quan chức Mỹ được giao nhiệm vụ tăng cường liên minh với Ấn Độ bày tỏ sự thất vọng. Bộ máy quân đội Ấn Độ cồng kềnh, quan liêu. Điều đó khiến quy trình mua sắm vũ khí và huấn luyện trở nên rườm rà, thiếu minh bạch.
Các chi nhánh của quân đội thiếu hụt rất nhiều khí tài, nhưng họ lại có xu hướng cạnh tranh hơn là hợp tác cùng nhau. Điều đó khiến việc mua sắm quốc phòng không đi đúng trọng tâm, phân tán.
Ngân sách cho vũ khí mới quá ít
Năm 2018, chính phủ Ấn Độ công bố ngân sách quốc phòng trị giá 45 tỷ USD, nhưng chỉ bằng một phần tư so với ngân sách quốc phòng 175 tỷ USD của Trung Quốc. Tháng trước, New Delhi đã công bố ngân sách quốc phòng năm 2019 vẫn giữ ở mức 45 tỷ USD.
Đối với Ấn Độ, câu hỏi không chỉ là họ chi bao tiền cho quân đội mà cách họ chi tiêu như thế nào. Phần lớn ngân sách được sử dụng để trả lương cho 1,2 triệu lính nghĩa vụ, lương hưu. Chỉ 14 tỷ USD được chi cho việc mua thiết bị quân sự mới.
Quan doi An Do lo diem yeu chi tu sau dung do voi Pakistan-Hinh-2
 Quân đội Ấn Độ có quân số lớn nhưng trang bị kém khiến họ phải trả giá trong cuộc đụng độ với Pakistan. Ảnh: Reuters.
Keithoi, thành viên nghị viện Ấn Độ, cho biết vào thời điểm mà quân đội các nước trên thế giới đang đầu tư mạnh mẽ vào nâng cấp hệ thống tình báo và khả năng kỹ thuật của họ, chúng ta cũng cần làm điều tương tự.
Không giống Trung Quốc có thể thiết lập chính sách quân sự theo ý muốn, Ấn Độ là nền dân chủ đa đảng nên việc lập lại chính sách quân sự là rất khó khăn. Việc cắt giảm quân số để có nhiều tiền hơn cho mua sắm thiết bị là điều không đơn giản.
Quân đội Ấn Độ từ lâu được xem là nguồn cung cấp việc làm, trong một quốc gia đang vật lộn với tình trạng thiếu việc làm nghiêm trọng. Đó là một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử sắp tới.
Thủ tướng Narendra Modi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2014. Ông hứa sẽ tạo ra một triệu việc làm mỗi tháng để đáp ứng lực lượng lao động ngày càng tăng. Nhưng với các cuộc bầu cử diễn ra quanh năm, ông Modi đã tạm gác các biện pháp cải cách kinh tế và chấp nhận các giải pháp dân túy thông thường.
Quan doi An Do lo diem yeu chi tu sau dung do voi Pakistan-Hinh-3
 Một số ý kiến thắc mắc tại sao tiêm kích Su-30MKI (sau) hiện đại không được sử dụng trong cuộc đụng độ với không quân Pakistan. Ảnh: AFP.
Amit Cowshish, cựu cố vấn tài chính của Bộ Quốc phòng Ấn Độ về mua sắm quân sự, cho biết chính phủ cần tập trung lực đẩy vào phát triển kinh tế. Đó là những gì Trung Quốc đã làm. Họ tập trung phát triển kinh tế, sau đó dùng nguồn lực kinh tế để xây dựng tầm vóc quân sự hiện đại. “Sự khác biệt là Trung Quốc đã khởi đầu trước chúng ta khoảng 20-30 năm về tự do hóa nền kinh tế”, ông Cowshish nói.
Các quan chức chính phủ ở New Delhi nói rằng họ đang đấu tranh để cải thiện cuộc sống của công dân theo những cách cơ bản nhất. Ấn Độ đang đối mặt với tỷ lệ mù chữ cao và cơ sở hạ tầng kém vệ sinh. Đó chỉ là 2 ví vụ khiến cho việc đưa tiền vào quân đội trở nên khó khăn hơn.
Cùng thời gian đó, Trung Quốc đang xâm nhập sâu hơn vào sân sau của Ấn Độ bằng đường bộ và đường biển. Trung Quốc đã vượt xa Ấn Độ tạo ra tầng lớp trung lưu mạnh mẽ. Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc đã cho phép họ đầu tư mạnh mẽ vào việc mua sắm vũ khí hiện đại và đầu tư sản xuất trong nước.
Khi các cuộc xung đột trên thế giới ngày càng chiến đấu với vũ khí tối tân, hơn là các cuộc xâm lược quy mô lớn trong quá khứ, Ấn Độ đang tụt lại phía sau. Quân đội Ấn Độ dù có ngân sách quốc phòng lớn thứ 5 thế giới, nhưng chỉ khoảng một phần tư số tiền hàng năm được chi cho mua vũ khí mới.
Việc mua sắm phần cứng quân sự hiện đại là một quy trình khá chậm chạp ở hầu hết quốc gia, nhưng ở Ấn Độ, quy trình này thậm chí còn chậm hơn với bộ máy hành chính quá cồng kềnh, cùng những cáo buộc về tham nhũng.
Thủ tướng Modi đang bị phe đối lập cáo buộc thực hiện thỏa thuận mờ ám trị giá 8,9 tỷ USD để mua 36 tiêm kích Rafale của Pháp. Các đối thủ chính trị nói rằng thỏa thuận là tham nhũng trong nỗ lực làm mất uy tín của ông trước cuộc bầu cử.
Đáp lại, Thủ tướng Modi, ngày 2/3 đã nói rằng Ấn Độ sẽ chiến đấu tốt hơn trong cuộc giao tranh với Pakistan nếu có tiêm kích Rafale. “Đất nước này đã cảm thấy sự thiếu hụt của Rafale”, Thủ tướng Modi nói.
Theo Trung Hiếu/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)