Kể từ khi xung đột Israel - Hamas xảy ra vào ngày 7-10, Israel rơi vào thế “thập diện mai phục” khi phải chiến đấu với các đối thủ khác nhau trên nhiều mặt trận. Ngoài việc dốc sức vào chiến dịch trên bộ nhằm tiêu diệt triệt để lực lượng Hamas ở Dải Gaza, Israel còn phải đối phó với một số nhóm Hồi giáo vũ trang do Iran hậu thuẫn, đặc biệt là Houthi ở Yemen và Hezbollah ở Lebanon, vốn liên tục tấn công vào Israel để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine.
Những mối nguy vây quanh Israel
Sau khi chiến sự ở Gaza bùng nổ vào đầu tháng 10, lãnh đạo Hezbollah - ông Hassan Nasrallah đã gặp các thủ lĩnh của nhóm Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo Jihad tại Lebanon để thảo luận những gì mà các bên trong “Trục kháng chiến”, gồm các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Trung Đông, có thể làm để đạt được chiến thắng cho cuộc chiến ở Gaza và ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel.
“Iran có thể sẽ không muốn tấn công dứt khoát và trực diện vào Israel hoặc Mỹ nhưng một sai lầm hoặc một bước đi quá xa của Iran hoặc bất kỳ lực lượng ủy nhiệm nào của Iran cũng có thể đẩy cuộc xung đột vượt ra ngoài Gaza. Vào thời điểm căng thẳng cao độ, một tên lửa nào đó có thể đi sai hướng và giết chết ai đó hoặc có thể có những chỉ huy không tuân lệnh cấp trên... và lúc đó xung đột sẽ leo thang nhanh chóng” - ông Jon Alterman, Giám đốc chương trình Trung Đông, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ).
|
lực lượng Israel di chuyển gần biên giới với Lebanon hồi tháng 10. Ảnh: AMIR LEVY/GETTY IMAGES
|
Phía Bắc Israel, Hezbollah nhiều lần tập kích tên lửa, rocket, pháo và máy bay không người lái (UAV) vào các cứ điểm của quân Israel khiến nhiều chuyên gia lo ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa hai lực lượng này. Chỉ trong năm ngày đầu của tháng 11, Hezbollah đã hai lần thông báo về việc mở các đợt tấn công vào các địa điểm của Israel. Đáng chú ý, vào ngày 4-11 vừa qua, Hezbollah được cho là lần đầu sử dụng tên lửa đạn đạo Burkan có sức công phá lớn, có thể mang đầu đạn chứa chất nổ nặng 400-500 kg, tấn công Israel.
Đáp trả các cuộc tấn công của Hezbollah, Israel điều tiêm kích, xe tăng và pháo binh đánh vào các vị trí của nhóm, bao gồm các sở chỉ huy, hạ tầng quân sự, khiến một số lính của nhóm này thiệt mạng. Giới chức Israel, trong đó có Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đã nhiều lần cảnh báo Hezbollah “đừng đùa với lửa” và sẽ phải gánh chịu hậu quả thảm khốc nếu can dự vào xung đột Israel - Hamas.
Theo đài Sky News, Hezbollah là lực lượng phi nhà nước được trang bị vũ trang mạnh nhất thế giới với hơn 100.000 rocket cùng nhiều vũ khí tinh vi khác như UAV, tên lửa đạn đạo; có khoảng 100.000 lính, theo lời của thủ lĩnh nhóm này vào năm 2021; nhận hỗ trợ vũ khí và tiền từ Iran trị giá hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Ở phía Nam Israel, hôm 31-10, nhóm Houthi đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo và UAV vào các mục tiêu ở Israel trong chiến dịch thứ ba nhằm hỗ trợ người Palestine và các vũ khí này đã bị lực lượng Israel đánh chặn. Trước đó, ngày 19-10, tàu chiến Mỹ đã bắn hạ ba tên lửa hành trình và một số UAV do nhóm này phóng, được cho là nhắm vào Israel. Các chuyên gia cho rằng dù cuộc tấn công của Houthi bị ngăn chặn nhưng đã gửi đi thông điệp rằng một lực lượng mới trong khu vực đã nổi lên chống lại Israel, cũng như chứng tỏ được Houthi có khả năng mở rộng hoạt động.
Ngoài ra, ở Đông Bắc Israel, các nhóm vũ trang thân Iran ở Syria cũng đã nhiều lần tấn công vào lãnh thổ Israel bằng súng cối, đạn pháo, rocket vào hồi tháng 10, nhân lúc chiến sự đang “nóng” ở Gaza. Israel đã trả đũa bằng các vũ khí tương tự, tấn công vào các cơ sở hạ tầng gồm sân bay và cơ sở quân sự của Syria.
Ngòi nổ Israel - Hezbollah tạm thời được tháo?
Trước nguy cơ xung đột lan rộng, hôm 3-11, trong bài phát biểu công khai lần đầu kể từ khi chiến sự xảy ra ở Gaza, lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah không đưa ra tuyên bố hay kế hoạch nào về việc mở rộng xung đột giữa Hezbollah và Israel. Điều này đã khiến người dân trên khắp Trung Đông thở phào nhẹ nhõm bởi đã có nhiều lo ngại về cuộc chiến tổng lực giữa Israel và Hezbollah, theo tờ The New York Times.
Ông Nasrallah xác nhận rằng Hezbollah đã chiến đấu với lực lượng Israel nhằm buộc nước này phải triển khai lực lượng ở biên giới phía bắc giáp với Lebanon để giảm tải áp lực cho Hamas. Tuy nhiên, ông nói rằng lực lượng Hezbollah đang được đặt trong tư thế sẵn sàng và sẽ hành động nếu Israel tấn công mạnh hơn ở Gaza và vào nhóm này. Ông nhấn mạnh Hezbollah đã chuẩn bị cho mọi kịch bản trên chiến trường và tất cả phương án đều sẵn sàng để nhóm có thể dùng đến bất cứ lúc nào.
Sau phát biểu của lãnh đạo Nasrallah, Thủ tướng Israel Netanyahu cảnh báo Hezbollah đừng thử Israel và nếu gây chiến thì đó sẽ là một sai lầm và nhóm sẽ phải trả cái giá đắt không thể tưởng tượng được, theo tờ The Jerusalem Post.
TS Aaron Y. Zelin, nhà nghiên cứu các phong trào thánh chiến tại Viện Washington về chính sách Cận Đông (Mỹ), cho rằng phát biểu của thủ lĩnh Hezbollah là tín hiệu cho Israel rằng không nên cố gắng phát động chiến đấu quy mô lớn. Theo ông, từ góc độ của Israel, có lẽ nước này “đang thở phào nhẹ nhõm, mặc dù biên giới phía bắc đã nóng lên nhiều hơn kể từ năm 2006” - theo tạp chí Time.
Một số chuyên gia đồng ý rằng Hezbollah hiện không muốn mở một cuộc chiến tổng lực với Israel vào thời điểm này. Ông Mohanad Hage Ali, Phó Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Carnegie Trung Đông, cho rằng Hezbollah quan tâm nhiều hơn đến việc thể hiện quyền lực và khả năng răn đe chống lại Israel cũng như muốn có một vị trí trên bàn đàm phán ở cấp khu vực hơn là tham gia vào một cuộc xung đột toàn diện. Theo ông, nhóm này “quan tâm nhiều hơn đến một chiến lược dài hạn mang lại cho họ nhiều quyền lực và ảnh hưởng hơn”.
Theo các chuyên gia, vấn đề là nếu Israel càng gay gắt trong việc tiêu diệt Hamas thì áp lực can thiệp của Hezbollah vào cuộc chiến ngày càng tăng. Ông Firas Maksad, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông (Mỹ), cho rằng căng thẳng càng tăng cao thì khả năng một bên sẽ vấp phải tính toán sai lầm chết người càng lớn. Chẳng hạn như khi một bên lỡ tấn công vào mục tiêu ngoài ý muốn hoặc tiêu diệt số lượng lính đối phương lớn hơn dự kiến khiến bên kia tăng áp lực để đáp trả tương xứng.
Mỹ và các nước Trung Đông bất đồng về xung đột ở Gaza
Lập trường về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas giữa Mỹ và các đối tác Ả Rập vẫn còn rất khác biệt. Điều này được thể hiện qua sự bất đồng trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với những người đồng cấp Trung Đông ở thủ đô Amman (Jordan) vào ngày 4-11, theo đài CNN.
Bộ trưởng Ngoại giao Jordan đã tổ chức cuộc họp cấp cao, trong đó mời ông Blinken và lãnh đạo Bộ Ngoại giao của Ai Cập, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Saudi Arabia và tổng thư ký của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).
Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Ả Rập kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, cực lực lên án các cuộc tấn công của Israel, bao gồm các cuộc tấn công vào dân thường, cơ sở y tế, ở khu vực này, đồng thời kêu gọi Mỹ hành động để ngăn chặn thương vong.
Đáp lại, ông Blinken nhắc lại quan điểm của Mỹ rằng Israel có quyền tự vệ nhưng phải thực hiện mọi biện pháp để giảm thiểu thương vong cho dân thường. Tuy nhiên, ông không ủng hộ lệnh ngừng bắn vào lúc này. “Quan điểm của chúng tôi là lệnh ngừng bắn lúc này đơn giản chỉ là giúp Hamas cố thủ, có thể tái tập hợp lực lượng và tái diễn những gì họ đã làm vào ngày 7-10… Không quốc gia nào, không ai trong chúng ta có thể chấp nhận điều đó” - ông Blinken nói.