Cuộc xung đột tại Ukraine đang ảnh hưởng đến kế hoạch hiện đại hóa lực lượng hải quân của Nga. Điều đó được thể hiện rõ với các tàu chiến mặt nước lớn nhất của nước này, chẳng hạn như tàu Đô đốc Nakhimov và Pyotr Velikiy (Peter Đại đế) thuộc lớp tàu tuần dương hạng nặng chạy bằng năng lượng hạt nhân Kirov hay tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga.
Vào giữa những năm 1960, Liên Xô đã bắt tay thực hiện dự án chế tạo tàu tuần dương lớp Kirov, mang tên Đề án 1144 "Orlan" nhằm tạo ra các tàu chiến chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng tiêu diệt tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là những tàu chiến mặt nước có kích thước và lượng giãn nước lớn nhất thế giới. Mỗi chiến hạm lớp Kirov đều sở hữu hệ thống vũ khí mạnh tương đương một hạm đội tàu chiến, khiến chúng được mệnh danh là "siêu pháo đài nổi" thời Liên Xô.
Liên Xô bắt đầu đóng chiến hạm đầu tiên thuộc lớp Kirov vào năm 1974. Ở thời điểm đó, các tàu tuần dương lớp Kirov được thiết kế để đối đầu với mọi tàu chiến của đối phương. Liên Xô có kế hoạch đóng 5 con tàu thuộc lớp Kirov, nhưng chỉ có 4 tàu được hoàn thiện. Ba chiếc tàu đầu tiên là Kirov, Frunze và Kalinin được đưa vào biên chế lần lượt vào các năm 1980, 1984 và 1988. Chiếc thứ tư Pyotr Velikiy, được biên chế cho hải quân Nga vào năm 1998.
Với chiều dài 252 m và lượng giãn nước 28.000 tấn, chúng chỉ thua kém các loại tàu sân bay hạng nặng. Mỗi con tàu có 2 lò phản ứng hạt nhân, khiến chúng có phạm vi hoạt động không giới hạn.
Các tàu lớp Kirov cũng được cho là tàu chiến trang bị vũ khí mạnh nhất từ trước đến nay. Chẳng hạn, tàu Pyotr Velikiy có dàn vũ khí chính gồm 20 tên lửa hành trình chống hạm P-700 Granit, mỗi quả có thể mang đầu đạn nặng 750kg (hoặc đầu đạn hạt nhân), có tầm bắn 500 km và tốc độ tối đa là Mach 2,5.
Đối với vai trò phòng không, Pyotr Velikiy được trang bị 72 tên lửa đất đối không S-300, 128 tên lửa SAM 3K95 Kinzhal và 6 hệ thống vũ khí tầm gần 3M87 Kortik, mỗi hệ thống được trang bị 8 tên lửa SAM 9M311. Với vai trò chống ngầm, Pyotr Velikiy mang theo 1 súng cối RBU 6000, 2 súng cối chống ngầm RBU 1000 cùng 10 ống phóng ngư lôi bắn tên lửa chống ngầm.
Con tàu cũng có một khẩu súng AK-130 cỡ nòng 130 mm, có chỗ chứa dành cho trực thăng Ka-27 và Ka-31. Nhiệm vụ ban đầu của các tàu tuần dương lớp Kirov là đánh chìm tàu sân bay và tàu hộ tống của đối phương. Ngoài ra, chúng cũng đảm nhiệm vai trò hộ tống các tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Khi biên chế tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cho lực lượng Hải quân năm 1991, Liên Xô từng kỳ vọng con tàu sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực hàng không của hải quân.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov có chiều dài 306,45 m, chiều rộng 71,96 m, lượng giãn nước khoảng 58.000 tấn – bằng một nửa lượng giãn nước của các tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ. Tàu có khả năng di chuyển với tốc độ đến 29 hải lý/giờ, thời gian hoạt động độc lập trên biển 45 ngày đêm.
Vũ khí chủ lực của tàu sân bay này là 12 bệ phóng trang bị đạn tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh P-700 Granit. Ngoài ra, nó còn có 190 tên lửa đất đối không tầm trung 3K95 Kinzhal, 14 vũ khí tầm gần gồm 6 hệ thống pháo AK-630M và 8 hệ thống pháo Kortiks.
Hy vọng nâng cấp và hiện đại hóa
Vào những năm 1990, Nga cắt giảm ngân sách quốc phòng vì thế quân đội nước này gặp nhiều khó khăn trong việc bảo trì các tàu chiến. Moscow đã cho nghỉ hưu hơn 70% số tàu thừa hưởng từ thời Liên Xô. Nhiều con tàu trong số này đã lỗi thời.
Các con tàu thuộc lớp Kirov có kích thước to lớn và nhiều bộ phận phức tạp, vì thế cần được bảo trì, bảo dưỡng liên tục. Nhưng thách thức trong quá trình bảo trì đã khiến tàu chiến lớp Kirov phải ngừng hoạt động.
Tàu Kalinin thuộc lớp này đã được đổi tên thành tàu Đô đốc Nakhimov song hiếm khi triển khai sau Chiến tranh Lạnh. Năm 1997, nó được đưa vào xưởng đóng tàu ở Severodvinsk. Đến năm 2014 Nga bắt đầu thực hiện kế hoạch đại tu và hiện đại hóa toàn diện con tàu này. Còn Pyotr Velikiy - tàu chiến mới nhất trong lớp Kirov, đã được nâng cấp vào năm 2004 và hiện là soái hạm của Hạm đội Phương Bắc.
Giống như các tàu lớp Kirov, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cũng gặp nhiều sự cố do trục trặc máy móc. Vào năm 2016, Nga đã triển khai con tàu này tới Syria để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu nhưng trong quá trình di chuyển, hai máy bay trên tàu đã rơi xuống Địa Trung Hải do gặp vấn đề với dây cáp hãm của tàu.
Bất chấp những thách thức nói trên, Nga vẫn quyết tâm đưa cả tàu Đô đốc Nakhimov và tàu sân bay Kuznetsov trở lại hạm đội.
Truyền thông Nga cho biết, mạng cáp quang và hệ thống vô tuyến điện tử của tàu Đô đốc Nakhimov đã được thay thế. Hiện con tàu này có khả năng mang các tên lửa chống hạm Kalibr và P-800 Oniks, tên lửa chống ngầm Otvet, hệ thống phòng không Pantsir-M và hệ thống phóng ngư lôi Paket-E/NK. Các quan chức Nga cũng có kế hoạch trang bị cho Nakhimov tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon.
Sau khi hoàn thành công việc nâng cấp tàu Đô đốc Nakhimov, Nga có kế hoạch tiếp tục nâng cấp và tái trang bị cho tàu Pyotr Velikiy. Tuy nhiên, truyền thông Nga trích dẫn một nguồn tin hồi tháng 4 cho biết, con tàu này có thể được cho nghỉ hưu do chi phí ái trang bị của Đô đốc Nakhimov quá cao. Nhưng một số nguồn tin hải quân của Nga đã bác bỏ thông tin này.
Nga cũng đã đưa tàu sân bay Kuznetsov vào một ụ tàu mới để sửa chữa. Tờ Izvestia đưa tin, con tàu này sẽ được nâng cấp để mang hệ thống phòng không Pantsir-M, hệ thống kiểm soát phòng không tích hợp mới và cơ sở lưu trữ đặc biệt cho các loại đạn dẫn đường chính xác mới. Ngoài ra, Hải quân Nga cũng đang tập hợp lại đội ngũ thủy thủy đoàn của con tàu, vốn bị giải thể phần lớn sau khi con tàu được tái trang bị.
Do tàu được tích hợp các hệ thống tự động mới nên không cần số lượng lớn nhân lực như trước đây. Ước tính sau khi nâng cấp, tàu sẽ có 1.500 thủy thủ và phi công. Các thủy thủ sẽ phải học cách vận hành con tàu và những hệ thống vũ khí mới của nó.
Các nhà máy đóng tàu tiến hành công việc nâng cấp, tái trang bị cho tàu Đô đốc Nakhimov và Kuznetsov cho biết, họ dự định sẽ bàn giao hai con tàu này vào năm 2024./.