Hoạt động tập trận của NATO tại Ba Lan thansgg 5/2023. Ảnh: Reuters
Khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lên kế hoạch tổ chức tập trận chung trực tiếp lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh vào năm 2024, với sự tham gia của trên 41.000 quân.
Chương trình tập trận Steadfast Defender là một phần trong nỗ lực tức thời của NATO nhằm chuyển đổi từ chiến lược phản ứng với khủng hoảng sang một liên minh sẵn sàng chiến đấu. Động thái trên có liên quan đến tình hình xung đột ở Ukraine hiện nay.
Các quan chức NATO cho biết kế hoạch tập trận Steadfast Defender sẽ bắt đầu vào mùa xuân năm sau. Chương trình dự kiến bao gồm từ 500 - 700 nhiệm vụ không chiến, quy tụ khoảng 50 tàu chiến và 41.000 binh sĩ. Steadfast Defender được thiết kế để mô phỏng các hoạt động diễn tập tiềm năng chống lại kẻ thù giả định mang tên Occasus.
Đây là cuộc tập trận đầu tiên của NATO về mặt năng lực kỹ thuật, sử dụng dữ liệu địa lý trong thế giới thực để tạo ra các kịch bản thực tế hơn cho quân đội.
Thụy Điển - quốc gia mong muốn tham gia NATO song vẫn chưa được Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phê chuẩn - cũng được mời tham gia, nâng tổng số quốc gia tham gia lên 32.
Cuộc tập trận sẽ diễn ra trên khắp nước Đức, Ba Lan và vùng Baltic vào tháng 2 và tháng 3. Hoạt động quy mô lớn trên đồng thời là một phần của chiến lược huấn luyện mới, trong đó liên minh quân sự NATO sẽ thực hiện hai cuộc tập trận lớn mỗi năm, thay vì một như trước đây. NATO cũng sẽ huấn luyện binh sĩ để chống lại các mối đe dọa khủng bố bên ngoài biên giới trực tiếp của mình.
Tháng 6/2022, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng liên minh quân sự này sẽ tăng lực lượng sẵn sàng từ 40.000 binh sĩ lên hơn 300.000 binh sĩ. Đó là một bước đi trong cuộc cải tổ mang tính lịch sử nhằm chuyển liên minh này hướng tới tiềm lực quân sự mạnh mẽ, thay vì các lực lượng nhẹ và cơ động được triển khai ở Balkan và Afghanistan.
Sau tuyên bố đó, các nhà lãnh đạo NATO đã đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Vilnius của Litva hồi tháng 7 về các kế hoạch phòng thủ khu vực mới. Họ cũng thành lập cái gọi là Lực lượng phản ứng đồng minh - một lực lượng đa quốc gia có thể ứng phó nhanh chóng với các mối đe dọa.
Các nước vùng Baltic đặc biệt lên tiếng kêu gọi NATO củng cố sườn phía Đông, trong bối cảnh quân đội đang được triển khai đến gần biên giới Belarus. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vũ khí hạt nhân đã được chuyển đến Belarus vào đầu tháng 7, mặc dù sự hiện diện của chúng chưa được xác nhận.
NATO đã bố trí các tiểu đoàn đa quốc gia ở các nước vùng Baltic để làm chậm bước tiến của bất kỳ kẻ thù nào trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược. Hồi tháng 6, Đức cho biết sẽ cử 4.000 quân đồn trú thường trực ở Litva.
Về phần mình, “Các nước NATO đang kiên trì thúc đẩy chính sách mở rộng, tăng cường hiện diện quân sự xung quanh Belarus, liên tục tiến hành các cuộc tập trận khiêu khích ở biên giới của chúng tôi”, hãng tin BelTA dẫn lời Tổng thống Lukashenko cho biết tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 31/8.
Theo ông Lukashenko, các quốc gia NATO đang biện minh cho những hành động đó bằng một số mối đe dọa được cho là xuất phát từ lãnh thổ Belarus. Ông nói rằng các nhà lãnh đạo Ba Lan và các nước vùng Baltic cáo buộc Belarus có ý định “gây hấn vô căn cứ”.
Tổng thống Alexander Lukashenko cho rằng các nước NATO đang kiên trì thúc đẩy chính sách mở rộng liên minh và tiến hành các cuộc tập trận khiêu khích gần biên giới Belarus.