Trong bài viết trên Asia Times, chuyên gia Philippines Richard Heydarian nhận định rằng, Mỹ trong thời gian qua đã áp dụng học thuyết phòng thủ mới, nhấn mạnh sự cần thiết của việc Washington cần có một mạng lưới đồng minh và đối tác để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ năng lực quân sự của Trung Quốc.
|
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong những tuần qua đã chứng kiến chiến lược "răn đe tích hợp" có thêm nhiều bước tiến mới. Chỉ riêng tháng này, Mỹ tham gia 2 cuộc tập trận lớn với các nước lớn trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. |
Hồi đầu tháng, tại khu vực biển Okinawa, Nhật Bản, 2 tàu sân bay Mỹ, một tàu sân bay Anh và một tàu sân bay trực thăng Nhật Bản cùng chiến hạm các nước khác đã tiến hành cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn. Một tuần sau đó, nhóm "Bộ Tứ" gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia tiến hành tập trận Malabar 2021 giai đoạn 2 ở vịnh Bengal.
Tiếp đến, Philippines, một đồng minh của Mỹ, tuyên bố sẽ khôi phục cuộc tập trận Balikatan "quy mô toàn diện", với hàng nghìn binh sĩ của cả hai bên dự kiến sẽ tham gia vào các hoạt động diễn tập lớn trong bối cảnh căng thẳng hàng hải gia tăng trong khu vực.
Quyết định trên được đưa ra vài tháng sau khi Washington và Manila khôi phục Hiệp ước quân sự Các lực lượng thăm viếng (VFA). Các động thái này cho thấy, 2 nước đang hướng tới việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, trong bối cảnh các bên quan ngại về hành động của Trung Quốc trong khu vực trong thời gian qua.
Ngoài ra, theo Asia Times, thỏa thuận hợp tác quân sự đa phương AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia dường như chỉ là phần nổi của tảng băng, khi chính quyền Biden gia tăng bắt tay với các đồng minh và đối tác khác trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhiều lần nhắc tới khái niệm "răn đe tích hợp" trong các bài phát biểu. Hồi tháng 4, khi tới thăm Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương ở Hawaii, ông Austin nói: "Trong suốt lịch sử nước Mỹ, sự răn đe có nghĩa là khiến các đối thủ tiềm tàng của chúng ta hiểu rằng rủi ro và cái giá phải trả của sự hiếu chiến là lớn hơn rất nhiều so với bất cứ lợi ích nào có thể hình dung. Chúng ta sẽ sử dụng các khả năng hiện có và xây dựng các khả năng mới, đồng thời hợp tác với các đồng minh và đối tác của chúng ta".
Trong những tháng qua, Lầu Năm Góc đã nhiều lần nêu ra quan điểm về học thuyết phòng thủ mới của nước này trước sự mở rộng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc.
Melissa Dalton, quyền trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về chiến lược, kế hoạch và khả năng, giải thích, "khả năng răn đe tổng hợp" dựa trên giả định rằng Mỹ không còn có thể chỉ "dựa vào sức mạnh quân sự của riêng mình để ngăn chặn đối thủ tấn công".
Trong khi đó, Gregory M Kausner, quyền Thứ trưởng quốc phòng, nhấn mạnh rằng "khả năng răn đe tích hợp" dựa trên sự kết hợp của công nghệ, chiến lược tác chiến và năng lực - tất cả được kết hợp và kết nối theo cách đáng tin cậy, linh hoạt và mạnh mẽ để ngăn chặn bất cứ đối thủ nào.