Sáng 15/10, đơn vị cứu hộ lên kế hoạch bay chuyến thứ 2 vào hiện trường, tiếp tế và tìm kiếm nạn nhân ở Rào Trăng 3. Tuy nhiên, từ 7h30, tại sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) trời đổ mưa to. Do vậy, lực lượng cứu hộ chưa thể triển khai kế hoạch theo đường hàng không.
Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của lực lượng phòng không không quân đang chờ thời tiết thuận lợi và lệnh từ cấp để tiếp cận hiện trường.
|
Thiếu tướng Phạm Trường Sơn trao đổi cùng tổ bay. Ảnh: Việt Hùng.
|
Trao đổi với Zing về chuyến bay trinh sát sáng 14/10, thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, cho biết quyết định táo bạo nhất hôm qua là bay thẳng vào khe núi, xoay tại chỗ 180 độ. Sau đó, trực thăng từ từ giảm độ cao còn 30 m rồi treo ở đó.
"Trực thăng treo như vậy là cả một vấn đề, đòi hỏi phi công phải có bản lĩnh, trình độ. Nếu không có bản lĩnh và tính toán thì khi ép độ nghiêng, máy bay có thể bị quán tính va đập hoặc gió không liên tục có thể làm máy bay rơi mấy chục mét là chuyện bình thường", vị thiếu tướng chia sẻ.
Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân đánh giá chỉ đạo của sở chỉ huy tiền phương cho máy bay xuất kích giờ đó là quyết định rất đúng đắn. Nhóm cứu hộ chỉ tận dụng chớp nhoáng vài chục phút hiếm hoi, sau đó thời tiết chuyển biến xấu. Đặc biệt, mây xuất hiện phủ lưng chừng núi, không nhìn được ngọn, gây khó khăn cho việc bay.
"Thực hiện việc bay trên cơ sở khoa học, trình độ của phi công và tính năng máy bay chứ không được làm liều vì tình huống trên không thay đổi liên tục. Tôi ngồi trên máy bay liên tục gọi tổ bay hội thảo và vẽ những phương án tiếp theo. Dù trên mặt đất đã có phương án, khi lên không phải dựa vào khí tượng, điều kiện thực tế nên phải có phương án mới để xử lý ngay", vị phó tư lệnh chia sẻ.
"Chúng tôi đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ để tiếp cận cứu hộ, cứu nạn. Song, việc tiếp tế nhu yếu phẩm, thuốc men còn ít ỏi. Chúng tôi chưa tiếp cận sâu trong A Lin B2 vì xuất hiện mưa, mây xấu nên quyết định bay ra đợi trời hửng sẽ tiếp tục", thiếu tướng Phạm Trường Sơn nói.
|
Tướng Sơn thảo luận đường bay vào Rào Trăng 3. Ảnh: Việt Hùng.
|
Là người chỉ huy trực tiếp các chuyến bay trinh sát, thiếu tướng Sơn cho biết ông cảm thấy tự hào và tin tưởng đồng đội vì đã làm được nhiệm vụ quan trọng.
"Tôi cũng như anh em chỉ nghĩ làm sao tiếp cận và phát hiện được mọi người để cho máy bay hạ xuống thả thang, thả cầu để cứu họ lên", vị thiếu tướng nói.
Nói về kế hoạch tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân cho biết Bộ Quốc phòng yêu cầu lực lượng không quân chuẩn bị 2 máy bay CASA C-295, 9 trực thăng (trong đó có 3 chiếc dự bị).
Ngoài ra, lực lượng không quân cũng chuẩn bị tiếp nhận 2 trực thăng Mi-171E cất cánh từ Cần Thơ và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ra Đà Nẵng, sau đó, hạ cánh ở sân bay Phú Bài để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
- Trưa 12/10, công trình thủy điện Rào Trăng 3 sạt lở, khiến 3 người chết, 17 người mất liên lạc.
- Chiều 12/10, đoàn công tác của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quân khu 4 lên đường cứu hộ, cứu nạn.
- Rạng sáng 13/10, khu vực đoàn cứu hộ dừng chân nghỉ ở tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ bị sạt lở khiến 13 người mất liên lạc.
- Sáng 14/10, chuyến bay đầu tiên của Sư đoàn 372 vào khu vực Rào Trăng 3.
- Chiều 14/10, giải cứu 19 người và đưa một thi thể ra ngoài.