Không quân Nga – Syria tấn công Idlib
Không quân Nga – Syria cùng hợp lực tấn công quy mô lớn xuống các vị trí của nhóm phiến quân Hay’at Tahrir Al-Sham (HTS) ở phía nam tỉnh Idlib vào ngày 7/11.
Theo hãng tin AMN, dưới sự hỗ trợ của các máy bay trinh sát Nga, chiến đấu cơ của không quân Syria đã thả loạt bom xuống sở chỉ huy và kho đạn dược của nhóm phiến quân HTS cùng quân đồng minh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Nguồn tin cho hay, các đợt không kích này đã nhắm trúng nhiều vị trí đồn trú của HTS ở vùng Jabal Al-Zawiya, phía nam Idlib. Khu vực này lâu nay thuộc sự kiểm soát của HTS và các nhóm nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng.
|
Chiến đấu cơ Su-25 của không quân Nga hoạt động tại Syria. (Ảnh: AMN)
|
Trong đoạn video được AMN công bố, một vụ nổ lớn xuất hiện ngay sau khi không quân Syria cho ném bom xuống một vị trí của HTS ở phía nam Idlib.
Trận không kích hôm 7/11 đã phá hủy 6 vị trí ẩn nấu của phiến quân Syria bao gồm 1 sở chỉ huy, 1 trung tâm kiểm soát và 1 kho đạn. Số binh lính phiến quân thiệt mạng là từ 20 – 30 người và nhiều tay súng khác bị thương.
Vụ không kích trên diễn ra chỉ sau vài ngày không quân Nga cho ném bom hạng nặng xuống một trại huấn luyện của nhóm nổi dậy Faylaq Al-Sham vốn được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Hậu quả, hơn 100 tay súng Faylaq Al-Sham đã thiệt mạng.
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục rút quân
Hôm 7/11, hơn 50 xe tải quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã chở theo các thiết bị kỹ thuật và hậu cần rời khỏi phía nam vùng Ma’arat al-Numan thuộc tỉnh Idlib để di chuyển tới khu vực Jabal al-Zawiya, nơi phiến quân Syria đang nắm quyền kiểm soát.
Nguồn tin từ tỉnh Idlib cho biết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ điều động các xe tải tới vận chuyện binh sĩ và thiết bị hậu cần ra khỏi một chốt quan sát đang bị quân đội Syria bao vây.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã lập chốt quan sát này vào tháng 8/2019. Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra đúng thời điểm nhờ sự hỗ trợ đắc lực của không quân Nga, quân chính phủ Syria giành ưu thế và nắm quyền kiểm soát thành phố chiến lược Khan Sheikhoun ở phía nam tỉnh Idlib.
Chốt quan sát ở Maarhatt là vị trí thứ 3 mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai rút quân trong vài tuần qua. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển binh sĩ và thiết bị rời khỏi 2 chốt quan sát ở Morek và Sher Magher, phía bắc tỉnh Hama.
Điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố trước đây mà Ankara đưa ra về việc sẽ không bao giờ rút quân khỏi các chốt quan sát bất chấp thực tế, những khu vực này đang bị quân đội Syria bao vây.
Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán với quân đội Nga, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng thuận rút lui khỏi những chốt quan sát trên.
Chiểu theo Hiệp ước Sochi ký kết ngày 17/9/2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thiết lập 12 chốt quan sát ở tây bắc Syria. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ còn cho xây dựng hơn 50 chốt quan sát khác ở dọc vùng phía bắc Syria.
Reuters từng đưa tin, theo phiến quân Syria, Thổ Nhĩ Kỳ duy trì từ 10.000 – 15.000 binh sĩ trong vùng tây bắc Syria.
Liên quân Mỹ tiến hành gần 35.000 đợt không kích
Kể từ khi Mỹ bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự chống lại quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS vào năm 2014, liên quân của Mỹ đã tiến hành gần 35.000 trận không kích nhằm vào IS, lực lượng từng chiếm đóng nhiều phần lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria.
Nhưng ngay cả sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố liên quân Mỹ đã đánh bại IS, Lầu Năm Góc vẫn tiếp tục thi hành sứ mệnh chống lại “quân nổi dậy cấp thấp”.
Tướng thủy quân lục chiến Mỹ Jose Uriarte, phát ngôn viên Chiến dịch nhổ tận gốc (CJTF-OIR) chia sẻ với tờ Military Times rằng, Mỹ và các đồng minh đã triển khai 34.917 trận không kích nhằm vào IS từ tháng 8/2014 – 9/2020.
Sputnik đưa tin, theo số liệu của không quân Mỹ, phần lớn các trận không kích diễn ra dưới thời lãnh đạo của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama với 23.740 đợt tấn công từ năm 2014 – 2016.
Tuy nhiên, tuyên bố trên không nhắc tới con số dân thường thiệt mạng sau các trận không kích của liên quân Mỹ. Song theo báo cáo hồi năm 2019 của Lầu Năm Góc, khoảng 1.257 dân thường đã không may thiệt mạng.
Vào tháng 2/2019, Tổng thống Trump ra tuyên bố Mỹ đã đánh bại IS và khẳng định Mỹ “đã nắm quyền kiểm soát 100%” vùng lãnh thổ mà IS từng chiếm đóng. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trump ngay sau đó vấp phải sự phản đối từ một số tướng quân đội Mỹ và chiến dịch tiêu diệt IS vẫn được quân đội Mỹ triển khai nhưng với quy mô nhỏ hơn.