|
Tàu khu trục tên lửa USS Dewey của Mỹ và tàu JS Izumo của Nhật trong một chuyến đi qua biển Đông năm 2017. (Ảnh: US Navy) |
Năm ngoái, Hàn Quốc ám chỉ rằng họ quan tâm đến một chiếc tàu sân bay, cho biết sẽ chế tạo một “con tàu vận tải lớn đa mục đích”. Nhưng trong kế hoạch quốc gia cho giai đoạn 2021-2025 được công bố tuần này, Chính phủ Hàn Quốc lần đầu tiên khẳng định công khai sẽ chế tạo con tàu trị giá hàng tỷ đô la.
“Tàu sân bay 30.000 tấn có thể vận chuyển các lực lượng, trang thiết bị và vật liệu quân sự, có thể hỗ trợ các máy bay chiến đấu cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng”, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
“Nó sẽ giúp quân đội đối phó hiệu quả hơn với các mối đe doạ và phái lực lượng cũng như trang thiết bị ra một khu vực tranh chấp trên biển bằng cách đóng vai trò như một con tàu kiểm soát cho hải quân”, tài liệu cho biết.
Kế hoạch dự kiến của Hàn Quốc là sẽ mua các máy bay chiến đấu F-35B của Mỹ, loại có thể cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng, phù hợp với một chiếc tàu sân bay cỡ nhỏ.
Khi hoàn thành kế hoạch này, Hàn Quốc sẽ cùng Nhật Bản và Mỹ triển khai các máy bay F-35B trên những tàu sân bay hạng nhẹ ra vùng biển tây Thái Bình Dương. Cả 3 quốc gia này đều có quan hệ căng thẳng với Triều Tiên.
Tháng 12/2018, Nhật Bản thông báo sẽ cải hoán các tàu khu trục lớp Izumo để phù hợp với máy bay F-35B. Kế hoạch này được nêu ra trong sách trắng quốc phòng dự kiến bắt đầu thực hiện từ năm tài khoá 2020.
Mỹ cũng để một tàu tấn công đổ bộ mà Hải quân nước này gọi là tàu sân bay cỡ nhỏ cùng các máy bay F-35B ở Nhật.
Với lượng choán nước 30.000 tấn, quy mô con tàu mà Hàn Quốc sẽ chế tạo tương đương với tàu của Nhật Bản và nhỏ hơn loại tàu 43.000 tấn của Mỹ.
Hàn Quốc không cho biết chi phí ước tính để chế tạo tàu sân bay này là bao nhiêu, nhưng báo cáo của chính phủ Mỹ về phiên bản mới của tàu sân bay Mỹ (lớn hơn tàu của Hàn Quốc 25-30%) là gần 4 tỷ USD. Máy bay F-35B tiêu tốn khoảng 122 triệu USD/chiếc.
Ông Chun In-bum, một tướng 3 sao nghỉ hưu của Hàn Quốc, nghi ngờ liệu Seoul có đầu tư khôn ngoan.
“Rất cần phân tích chi phí và lợi ích. Liệu có đáng đầu tư nhiều tiền như vậy vào việc này. Một khía cạnh khác liên quan đến chi phí là nếu chúng ta đầu tư vào năng lực này, liệu chúng ta có giảm bớt ưu tiên cho thứ khác?” ông Chun nói với CNN.