Theo báo cáo quân sự của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), với hầu bao thắt chặt như thế này, nhiều khả năng các chiến dịch quân sự của Moscow sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.
Nga đã phô trương sức mạnh quân sự trong những năm qua. Việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và can dự sâu vào cuộc xung đột Syria là các ví dụ về lập trường tham chiến nhiều hơn của Moscow.
Tuy nhiên, trong khi chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng 1% lên mức 1.739 tỷ USD trong năm 2017 thì mức chi tiêu của Nga lại giảm tới 20% so với năm trước đó, xuống chỉ còn 66,3 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên Nga giảm chi tiêu quốc phòng kể từ năm 1998.
|
Trực thăng Nga bay theo đội hình phía trên tàu hải quân Hạm đội Baltic trên sông Neva trong cuộc diễn tập ngày 28/7/2017 chuẩn bị cho cuộc diễu binh Ngày Hải quân (31/7/2017) ở St. Petersburg. Ảnh: Reuters |
Các chiến dịch bị ảnh hưởng
Nhà nghiên cứu cấp cao phụ trách Chương trình chi tiêu quân sự tại SIPRI, ông Siemon Wezeman cho biết, dựa theo kế hoạch chi tiêu của chính phủ Nga đến năm 2020, chi tiêu quốc phòng của Nga trong năm nay dự kiến sẽ chỉ ngang với mức của năm 2017 hoặc thậm chí giảm đôi chút do chỉnh theo lạm phát.
Ông nói: “Rất rõ ràng là nó có tác động trực tiếp đối với các chiến dịch. Đây sẽ là những hoạt động bị cắt giảm đầu tiên”.
“Nga rõ ràng cảm thấy họ phải thể hiện mình vẫn là một cường quốc và họ thể hiện bằng cách thực hiện các chiến dịch như ở Syria, bằng cách tăng cường sức mạnh Hải quân ở Đại Tây Dương. Nhưng tôi chắc chắn rằng, sẽ có sự cắt giảm đáng kể ngân sách cho các hoạt động này”, ông Wezeman cho biết thêm.
Tài chính của Nga vẫn còn mong manh sau 2 năm bị suy giảm kinh tế do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của phương Tây cùng với sự sụt giảm giá dầu toàn cầu.
Sau khi hợp tác với các nước OPEC cắt giảm sản lượng khai thác, giá dầu thô đã phục hồi phần nào và giúp doanh thu nền kinh tế Nga tăng trưởng 1,5% trong năm 2017. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mục tiêu 2% của chính phủ.
Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nga giờ đã quen với mức giá cả hàng hóa thấp hơn so với thời kỳ trước năm 2014 và ngân sách năm 2018 nhiều khả năng sẽ chỉ thâm hụt không đáng kể, hoặc thậm chí là có thặng dư.
Đầu tư cho cơ sở hạ tầng
Tổng thống Vladimir Putin đang kêu gọi cải thiện đời sống của người dân, và tăng cường chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng xã hội như y tế và giáo dục. Một số quan chức chính phủ đã kêu gọi giảm chi tiêu quốc phòng để tăng ngân sách cho các lĩnh vực đó.
Hồi tháng 3/2018, Điện Kremlin cũng đã nói rằng, Nga sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng xuống dưới mức 3% GDP trong 5 năm tới.
Việc giảm tới 20% ngân sách đã khiến thứ hạng chi tiêu quốc phòng của Nga trên thế giới trong năm 2017 tụt xuống thứ 4, mất vị trí thứ 3 vào tay Saudi Arabia.
Hiện Mỹ vẫn là nước có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới từ trước tới nay, chiếm tới 35% chi tiêu quốc phòng toàn cầu và còn cao hơn cả 7 nước có chi tiêu quốc phòng nhiều tiếp theo cộng lại. Ngân sách quốc phòng của Mỹ không thay đổi trong năm 2016 và 2017 nhưng lại tăng đáng kể trong năm 2018.
Đứng thứ 2 thế giới về chi tiêu quốc phòng là Trung Quốc. Bắc Kinh chiếm 13% tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2017, tăng đáng kể so với mức 5,8% năm 2008.