Trong cuộc diễu binh kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội vừa qua, Trung Quốc lần đầu công khai tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới mang tên DF-31AG. Tên lửa này được xem là trụ cột sức mạnh răn đe hạt nhân của Trung Quốc trong thời gian tới cùng với DF-41.
Theo Military Today, tên lửa DF-31AG được nhìn thấy lần đầu trong năm 2013, nó được thử nghiệm trong năm 2015. Tên lửa này trước đây được gọi là DF-31B. Trong cuộc diễu binh vừa qua, 16 tên lửa DF-31AG được giới thiệu, một động thái nhằm phô trương sức mạnh răn đe hạt nhân mạnh mẽ của Trung Quốc.
DF-31AG là phiên bản cải tiến từ DF-31A phóng trong silo cố định hoặc xe phóng dạng semi romooc. Có một chi tiết khá bất ngờ là trong cuộc diễu binh kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành vào ngày 15/4 tại Triều Tiên, Bình Nhưỡng lần đầu khoe một loại tên lửa đạn đạo có ngoại hình rất giống với DF-31A.
|
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31AG lần đầu công khai tại lễ diễu binh kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc. Ảnh: Military Today. |
Một số nguồn tin không chính thức cho rằng, Trung Quốc có thể đã cung cấp phương tiện chuyên chở đặc biệt cho Triều Tiên. Phần lớn các loại xe mang phóng chuyên dụng này do công ty Trung Quốc sản xuất
Điểm khác biệt của DF-31AG so với phiên bản trước là sử dụng phương tiện mang phóng chuyên dụng mới với cấu hình 8x8 bánh. Xe và tên lửa tạo thành một khối thống nhất chứ không tách rời như phiên bản DF-31A.
Khái niệm hoạt động và thiết kế của DF-31AG mới tương tự ICBM Topol và RS-24 Yars của Nga. DF-31AG thuộc loại tên lửa nhiên liệu rắn 3 giai đoạn, tầm bắn khoảng 11.200 km, có thể tiếp cận hầu hết lục địa Mỹ, châu Âu và Nga.
Trong khi DF-31AG được trang bị một đầu đạn hạt nhân, phiên bản mới có thể mang theo 3 đầu đạn có thể nhắm mục tiêu độc lập (MIRV) với đương lượng nổ khoảng 20-150 kT/đầu đạn. Ngoài ra, DF-31AG có tầm bắn xa hơn, khả năng sống sót cao hơn.
Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc. Một số nguồn tin không chính thức nói rằng tên lửa có bán kính lệch mục tiêu khoảng 150 m, thậm chí chính xác hơn. Tên lửa được trang bị kèm theo mỗi nhử để đánh lừa hệ thống đánh chặn của đối phương.
|
DF-31AG phản ánh quan điểm thiết kế mới trong phương tiện mang phóng. Ảnh: Military Today. |
Theo đánh giá của Military Today, phương tiện chuyên chở của tên lửa DF-31AG chỉ có thể hoạt động trên các tuyến đường cứng, dự trữ hành trình khoảng 500 km. Khả năng cơ động là một trong những lợi thế lớn của các loại tên lửa đạn đạo di động.
Tên lửa có thể bí mật rời khỏi căn cứ và ẩn nấp ở những khu vực xa xôi. Phạm vi hoạt động 500 km cho phép tên lửa cơ động liên tục trên một khu vực tương đương một quốc gia nhỏ, nên việc phát hiện rất khó khăn.
Cơ động tên lửa liên tục là giải pháp nhằm đảm bảo sự sống sót sau đợt tấn công đầu tiên của đối phương, khó phát hiện và đánh chặn hơn so với các tên lửa phóng từ silo cố định trong lòng đất.
DF-31AG được đánh giá là một trong những ICBM đáng gờm trên thế giới nhưng Trung Quốc cũng phát triển một ICBM có năng lực hơn là DF-41 có tầm bắn xa, mang nhiều đầu đạn hơn. DF-41 được cho là đã đưa vào sử dụng từ năm 2016, hoặc 2017.