Theo giới phân tích quân sự, chiến thắng của chiến tranh mặt đất hiện đại được quyết định bởi hai yếu tố đó là thực lực cứng của trang thiết bị cơ giới hóa thiết giáp và thực lực mềm như thông tin hóa, điện tử hóa. Tuy nhiên, sự cơ giới hóa mạnh mẽ, lực lượng cơ giới hóa lớn, trang bị, kỹ thuật phức tạp đòi hỏi cần phải có nhân viên và trang bị bảo đảm hậu cần - kỹ thuật chuyên dụng.
Đặc biệt, khi tác chiến ở khu vực địa hình và khí hậu phức tạp, cần phải “mở đường lên núi, bắc cầu qua sông”, rà phá mìn trên bãi mìn.... không thể tách rời xe bảo đảm công binh và các loại xe bảo đảm kỹ thuật. Nhận thức rõ tầm quan trọng của các loại xe này, hiện nay quân đội các nước đang tập trung phát triển một số loại xe bảo đảm hậu cần - kỹ thuật dành cho lực lượng tăng thiết giáp:
Xe cứu thương bọc thép
Là xe bảo đảm hậu cần bọc thép có lắp cáng, thiết bị điều trị, khí tài và dược phẩm, dùng cho cứu hộ và vận chuyển thương binh trong điều kiện dã chiến. Xe cứu thương bọc thép FV104 của Quân đội Anh có trọng lượng chiến đấu toàn bộ 8,66 tấn, được cải tiến từ xe tăng hạng nhẹ Scorpvon; kíp xe 2 người (trưởng xe kiên nhân viên y tế, lái xe), khi chiến đấu cũng có thể bố trí một nhân viên y tế chuyên trách.
Bên trong xe cứu thương bọc thép FV104 được trang bị cáng, tủ lạnh cỡ nhỏ, túi cứu thương, giá truyền dịch, bình dưỡng khí, thiết bị điều trị đơn giản, thiết bị tẩy rửa, thùng đựng nước uống. Xe có thể thực hiện các biện pháp cấp cứu như băng bó, làm sạch vết thương, cố định chân bị thương, truyền dịch, truyền ô xy, truyền máu, dẫn tiểu, chống sốc, thậm chí có thể tiến hành phẫu thuật ngoại khoa đơn giản như rạch mở, khâu, cầm máu. Xe cứu thương bọc thép FV104 có thể vận chuyển 4 thương binh về tuyến sau hoặc 2 thương binh nặng và 3 thương binh nhẹ (tư thế ngồi) hoặc 5 thương binh nhẹ.
|
Xe cứu thương bọc thép FV104. Ảnh: Alamy.com |
Xe tăng bắc cầu
Xe tăng bắc cầu hay còn được gọi là xe bọc thép bắc cầu là loại xe bọc thép có lắp thiết bị bắc cầu, thiết bị thu cầu kiểu tiêu chuẩn. Đại đa số là kiểu bánh xích, thông thường dùng cho bắc cầu nhanh trong điều kiện địch uy hiếp, bảo đảm cho xe tăng và các loại xe bọc thép khác vượt qua các vật cản tự nhiên hoặc do con người tạo dựng như hào, rãnh chống tăng. Xe tăng bắc cầu thông thường nặng 30 - 50 tấn, tổ lái 2 - 3 người, có thể bắc cầu vượt hào rộng 12 - 32 m, thời gian bắc cầu 3 - 10 phút, thời gian thu cầu 5 - 10 phút. Xe tăng bắc cầu hiện đại được chia thành 2 loại: kiểu đẩy bằng và kiểu gấp kéo, mỗi loại đều có những ưu thế riêng.
Xe bắc cầu kiểu đẩy bằng phần nhiều được phân thành 2, 3 đoạn, được đẩy trượt ra phía trước để tạo thành cầu. Loại xe này có ưu điểm khi tác nghiệp tư thế bắc cầu thấp, tính ngụy trang tốt, nhưng kết cấu tương đối phức tạp, ngoài thiết bị bắc cầu, còn cần phải có thiết bị phụ trợ như cột dẫn. Xe tăng bắc cầu kiểu đẩy điển hình gồm xe tăng bắc cầu MTU-20 của Liên Xô/Nga, xe bắc cầu Beaver của Đức.
Trong khi đó, thân xe của xe bắc cầu kiểu gấp kéo thông thường gồm 2 tấm gấp đặt trên khung gầm xe tăng, khi bắc cầu sẽ mở ra như lưỡi kéo. Nhược điểm lớn nhất của xe bắc cầu kiểu lưỡi kéo là khi bắc cầu tư thế quá cao, dễ bị phát hiện, nhưng ngược lại ưu điểm là kết cấu tương đối đơn giản. Các loại xe bắc cầu kiểu lưỡi kéo điển hình gồm xe tăng bắc cầu M60AVLB, HAB của Mỹ, xe tăng bắc cầu FV4205 của Anh, xe tăng bắc cầu PTA 2 của Pháp.
|
Xe tăng bắc cầu M60. Ảnh: Militarytoday.com |
Xe công binh bảo đảm
Là loại xe bảo đảm công binh dã chiến được trang bị lớp giáp phòng hộ. Nhiệm vụ cơ bản của nó là dọn, tạo vật cản, mở thông đường, cứu hộ sửa chữa trên đường, xây dựng hầm hào và cứu hộ chiến trường. Căn cứ vào yêu cầu, xe công binh chiến đấu thông thường được trang bị gàu xúc hoặc gàu ngoạm, bàn ủi đất, bồn xoay nén thuỷ lực, cần cẩu hoặc trục tời, mũi khoan, thiết bị tác nghiệp liên hợp bàn gạt tuyết/ủi đất, pháo phá hoại công sự nòng ngắn, ống phóng bộc phá. Một số xe công binh tiêu biểu thuộc loại này là: Xe công binh chiến đấu European Bison 2, lấy khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 làm cơ sở, trên xe lắp cần cẩu thuỷ lực, có thể nâng vật có trọng lượng 32 tấn, bàn ủi/gạt tuyết thuỷ lực, bàn tời kép, trên tay thuỷ lực dạng gập kéo có lắp gàu xúc hoặc khoan đất; Xe công binh chiến đấu Brown, xe được trang bị gàu ngoạn, búa thuỷ lực, bệ vũ khí điều khiển từ xa với một súng máy 12,7mm và một súng phóng lựu 7,6mm; Xe công binh chiến đấu M728 của Quân đội Mỹ có lắp một khẩu pháo phá hoại công sự 165mm M135, lực nổ của đạn pháo tương đối mạnh, sau khi bắn đạn pháo vào vật cản có thể dùng cần gạt đất đẩy vật cản đi, vật cản được dọn sạch, đường thông thoáng.
Mời độc giả xem video: Xe tăng bắc cầu M60 AVLB, biến thể đặc biệt của xe tăng chiến đấu M60 Patton. (Nguồn AiirSource Military)
Xe bảo đảm sửa chữa kỹ thuật
Xe bảo đảm sửa chữa kỹ thuật là loại xe bảo đảm cứu hộ, sửa chữa, cứu viện kỹ thuật và kéo về tuyến sau đối với xe tăng trong điều kiện dã chiến. Xe bảo đảm sửa chữa kỹ thuật, thậm chí còn được gọi “trạm sửa chữa cơ động” được trang bị đầy đủ các thiết bị tiên tiến, có thể bảo đảm đi cùng bộ đội. Trong các xe bảo đảm sửa chữa kỹ thuật, loại giữ địa vị quan trọng nhất là xe bảo đảm kỹ thuật có trang bị thiết bị cứu viện chuyên dụng, chủ yếu dùng cho cứu hộ, kéo về tuyến sau đối với xe tăng, xe bọc thép bị tổn thương trong tác chiến và xảy ra sự cố kỹ thuật. Khi cần thiết có thể trợ giúp nhân viên sửa chữa triển khai sửa chữa tại thực địa, trợ giúp phân đội xe tăng, xe bọc thép tiến hành tác nghiệp công binh như sửa đường, dọn vật cản hoặc đào công sự. Xe sửa chữa cứu hộ xe tăng chủ yếu sử dụng khung gầm kiểu bánh xích, trọng lượng nặng, lực kéo mạnh, thậm chí còn được gọi là “đại lực sĩ” trong lực lượng thiết giáp. Một số xe bảo đảm sửa chữa kỹ thuật tiêu biểu gồm:
Xe cứu hộ xe tăng M88A2 Hercules của Quân đội Mỹ: Xe do Công ty BAE Systems sản xuất. Khối lượng chiến đấu của M88A2 là 63,5 tấn, kíp lái 4 người, sử dụng động cơ điêzen có công suất tối đa là 772Kw. Trong tình huống xe chạy trên đường với vận tốc 42km/h, có thể kéo được một xe tăng chiến đấu chủ lực có khối lượng tương đương. Trang bị trên xe gồm cần cẩu, lực nâng 180Kn, trục tời cơ giới, lực kéo tối đa 450Kn, trục tời phụ, bản ủi/gạt đất.
Xe cứu hộ xe tăng Leclerc của Quân đội Pháp: Xe có trọng lượng chiến đấu toàn bộ là 60 tấn, kíp lái 3 người. Công suất tối đa của động cơ là 1.500 mã lực, vận tốc tối đa 72km/h. Trang bị trên xe gồm cần cẩu, lực nâng 300Kn, tháp pháo có thể nâng được 20 tấn (khi pháo không hoạt động), độ cao lớn nhất có thể nâng 9,317m; một trục tời chính, lực kéo tối đa 350Kn, sử dụng bánh trượt động có thể tăng lực kéo lên gấp đôi, cáp tời dài 160m, đường kính 33mm; một trục tời phụ, lực kéo tối đa 150Kn, cáp tời dài 230m; một lưỡi ủi rộng 4,32m, cao 0,88m, dùng để dọn vật cản, đào công sự trên chiến trường.
|
Xe cứu hộ xe tăng M88A2 Hercules. Ảnh: Wikipedia.org |
Xe tiếp đạn bọc thép
Loại xe bọc thép này có lắp thiết bị tiếp đạn và trữ đạn, dùng để bổ sung đạn dược cho xe tăng và pháo tự hành trong điều kiện tác chiến. Do xe tăng và pháo tự hành bị hạn chế về không gian trong xe nên cơ số đạn của nó chỉ khoảng 40 -60 viên. Nếu với tốc độ bắn lớn nhất 8 phát/phút, thì đến 5 - 8 phút sau là hết đạn. Trong tình huống giao chiến ác liệt, thông thường, một cơ số đạn cũng không bắn quá 2 phút, việc bổ sung đạn kịp thời là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là lựu pháo tự hành, thông thường đều phải có xe tiếp đạn bọc thép đi cùng.
Xe tiếp đạn bọc thép gồm các bộ phận: Thiết bị tiếp đạn, cần cẩu lắp đạn tự động, giá đỡ đạn pháo và bệ lắp đạn pháo. Khi cung tiếp đạn, vị trí tương đối của 2 xe thường là đuôi nối đuôi hoặc mặt chính diện của xe tiếp đạn đối diện với phần đuôi pháo lựu tự hành (như K9 và K10 của Lục quân Hàn Quốc), cũng có loại dùng cần cẩu tiếp đạn (như lựu pháo tự hành Caesar của Lục quân Pháp). Xe tiếp đạn bọc thép Archer của Lục quân Thụy Điển có thể mang được 120 quả đạn pháo 155mm hoặc cơ số liều phóng tương đương. Trong 10 phút có thể lắp bổ sung một cơ số 20 quả đạn cho pháo tự hành 155mm Archer.