"90 triệu dân nhớ nguồn gốc tài sản còn cán bộ lại quên"?

Google News

(Kiến Thức) -Đại biểu Nguyễn Mai Bộ đặt câu hỏi: Tại sao 90 triệu dân Việt Nam nhớ được nguồn gốc tài sản của mình, trong khi trên dưới 4 triệu cán bộ lại có trường hợp không nhớ được nguồn gốc tài sản của mình?

Thu nhập khiêm tốn nhưng biệt phủ, siêu xe toàn của vợ con
Thảo luận trên hội trường về Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) đã dẫn quy định về thu nhập là người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên và cho biết, quy định chưa có điều kiện đủ để ràng buộc, thiếu chặt chẽ và mảnh đất màu mỡ, là khoảng trống cho những hành vi đối phó của tham nhũng tồn tại.
“Vợ hoặc chồng của người có chức vụ, quyền hạn là chủ doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó luôn làm ăn có lãi và sự giàu có của gia đình mà mọi người trầm trồ mơ ước như nhiều đất đai, biệt thự, xe sang, con đi du học nước ngoài, tất cả đều được kê khai từ nguồn thu nhập của doanh nghiệp. Còn thu nhập của người có chức vụ quyền hạn rất khiêm tốn vẫn được đánh giá là nằm trong top những người không sống được bằng lương”, ông Diến cho biết.
Đại biểu Mai Sĩ Diến. Ảnh: Quochoi.vn 
Tương tự, việc con thành niên của người có chức vụ, quyền hạn là chủ doanh nghiệp mà chúng ta biết mỗi gia đình chỉ có một đến hai người con, độ tuổi của người có chức vụ, quyền hạn lúc này khoảng ngoài 40 tuổi là độ tuổi vàng, đang giữ chức vụ, quyền hạn ở một số vị trí cụ thể, trong quy hoạch để bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử ở các vị trí cao hơn thì doanh nghiệp đó cũng luôn được đánh giá là làm ăn có lãi và sự giàu có của gia đình mà người có chức vụ, quyền hạn đang được hưởng lợi đều do tài năng của người con làm doanh nghiệp mà có.
Từ đó, ông Diến đặt câu hỏi: “Đây có phải là nơi để hợp lý hóa tiền, tài sản bất hợp pháp, nơi rửa tiền của một số người có chức vụ, quyền hạn do tham nhũng mà có?”.
Ông Diến cho rằng, tuy chưa có số liệu thống kê có bao nhiêu người có chức vụ, quyền hạn mà vợ hoặc chồng, con thành niên là chủ doanh nghiệp, chưa có một báo cáo nào về việc kiểm tra, thanh tra liên quan đến việc rửa tiền như trên nhưng nó đang là dấu hỏi lớn trong cử tri, doanh nghiệp và cán bộ, công chức.
Mặt khác, một số người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng ảnh hưởng vị trí, quyền lực của mình để có lợi cho doanh nghiệp của vợ hoặc chồng, con làm chủ. Người có chức vụ, quyền hạn có lúc sẽ biến trụ sở làm việc, phương tiện của nhà nước, thời gian thực hiện công vụ để phục vụ và điều hành hoạt động doanh nghiệp của gia đình mà các cơ quan chức năng không dễ dàng xem xét, kết luận những vi phạm này.
Từ thực tiễn nêu trên, ông Diến đề nghị luật phải thiết kế một điều để kiểm soát người có chức vụ, quyền hạn mà vợ, chồng, con làm chủ doanh nghiệp nhằm ngăn chặn những sự việc nêu trên như không bố trí người có chức vụ, quyền hạn làm việc ở địa phương mà vợ, chồng, con có doanh nghiệp hoạt động; bố trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn ở vị trí không liên quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp do vợ hoặc chồng, con làm chủ.
Tại sao gần 90 triệu dân nhớ nguồn gốc tài sản nhưng cán bộ lại không nhớ?
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nói rằng, ông đồng tình với đại biểu Trương Trọng Nghĩa đó là phải khẳng định mối quan hệ pháp luật về tài sản không trung thực hoặc không giải trình được và xử lý tài sản này, đó là quan hệ giữa nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức, không phải quan hệ giữa nhà nước với công dân.
“Ở đây có một vấn đề tại sao 90 triệu dân Việt Nam tới gần 90 triệu người nhớ được nguồn gốc tài sản của mình, trong khi số trên dưới 4 triệu cán bộ lại có trường hợp không nhớ được nguồn gốc tài sản của mình. Nếu điều này mà hỏi bà con nhân dân chắc không ai chấp nhận. Chính vì vậy, về quan điểm, tôi nhất trí với dự thảo luật là phải có quy định về việc xử lý tài sản này”,đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói.
Hải Ninh

Bình luận(0)