Rất nhanh chóng, Lực lượng tuần duyên cũng đóng kênh San Pedro với phần lớn tàu bè; giới chức tuyên bố Catalina đã trở thành Khu quân sự liên bang (FMZ). Đảo Catalina đã thành một trại huấn luyện cho điệp viên, lính biệt kích và các nhà buôn đường biển. Các khách sạn bỏ trống biến thành doanh trại. Nhiều bến du thuyền, hải cảng, câu lạc bộ du thuyền… đã được biến đổi thành những chiến trường mô phỏng. Được thiết kế bởi gia đình Wrigley (gia đình nắm quyền kiểm soát toàn bộ hòn đảo), chiến thuật đã cứu lấy đảo Catalina khỏi thảm họa kinh tế.
Căn cứ tuyệt mật từ Thế chiến II
Dick Hamada lao khỏi chiếc thuyền ngay giữa biển Thái Bình Dương vào cái đêm tối đen như mực và sải tay bơi vào hòn đảo Santa Catalina, một bóng đen khớp với bầu trời đêm. Đó là mùa Thu năm 1944, chàng trai tròn 22 tuổi đang là thành viên của cơ quan tình báo đầu tiên của Hoa Kỳ: Cục tình báo chiến lược (OSS, tiền thân của Cục tình báo Trung ương Mỹ, CIA). Dick Hamada và các đồng đội đã được cấp trên giao nhiệm vụ phải đi lén qua những người lính làm nhiệm vụ canh gác bờ biển, để rồi từ đó thâm nhập vào một ngôi nhà tại đó.
Thực ra nó chỉ là một bài huấn luyện, song các binh lính đồn trú trên bờ biển trong tay luôn lăm lăm khẩu súng trường nạp đầy đạn thật cũng không biết điều đó đâu. Ông Johnny Sampson, Trưởng phụ trách tại Bảo tàng nghệ thuật và lịch sử Catalina, cho hay: “Nếu toán lính biệt kích (của OSS) bị phát giác, họ sẽ bị coi là gián điệp xâm nhập”.
Các lính canh trên đảo trong tình thế cảnh giác cao độ vì Catalina (cách thành phố Los Angeles không đầy 50 dặm) có lẽ đã được dùng làm nơi dàn dựng cho một cuộc xâm lược của Nhật Bản vào lục địa Mỹ. Dick Hamada và lớp học của anh gồm 13 biệt kích người Mỹ gốc Nhật là đặc biệt dễ bị tấn công bởi hỏa lực giao hữu: sau này một trong các lính biệt kích năm nào là Ralph Yempuku đã kể với sử gia William Sanford White trong cuốn sách mang tựa đề Santa Catalina tham chiến, rằng hoàn cảnh các ông khi đó chả khác gì kẻ thù.
Nhìn từ đại dương đen thăm thẳm, Dick Hamada thấy những người lính đang đi qua lại trước một bến tàu. Trong một cuốn lịch sử truyền miệng của Dự án Nisei Hawaii, Hamada nhớ lại “Tôi thấy anh ta (người lính đảo Catalina), còn họ thì không hay biết gì”.
|
Các thành viên của đơn vị hàng hải đã sử dụng địa hình gồ ghề trên đảo Santa Catalina nhằm phục vụ cho các bài huấn luyện sinh tồn.Ảnh nguồn: Catalina Museum for art & history. |
Sau mỗi nhiệm vụ huấn luyện như thế trên đảo Catalina trong khoảng thời gian đó, dấu vết duy nhất của toán biệt kích là một chữ “X” được viết nguệch ngoạc trên bưu điện, ngân hàng, và những mục tiêu khác. Là tiền thân của CIA, OSS được thành lập vào tháng 6-1942 nhằm mục đích tiến hành các hoạt động gián điệp sau phòng tuyến địch. Việc huấn luyện đã được tiến hành tại 16 căn cứ trên toàn quốc, và cơ sở trên đảo Catalina thì chuyên về các hoạt động xâm nhập và đột kích đường biển.
Là một phần của quần đảo Eo Biển (là một thuộc địa của Hoàng gia Anh tại eo biển Manche ở ngoài khơi bờ biển Normandy, nó không phải là một phần của Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland), đảo Santa Catalina trải dài khoảng 22 dặm với bờ biển là những vịnh nhỏ đầy cát và bãi đá, cùng các ngọn núi cao đến 609,6m.
OSS đã thành lập căn cứ chính của mình tại vịnh Toyon, đó là một cửa biển có mái che nằm cách thành phố Avalon trên đảo Catalina khoảng 2 dặm. Vịnh Toyon từng là nơi đặt một trường nội trú, sau đó OSS đã cải tạo nó thành doanh trại, một hội trường, các văn phòng hành chính và các lớp học.
Địa hình gồ ghề bao xung quanh vịnh nhỏ là môi trường lý tưởng để kiểm tra sức bền cơ thể của các tân binh, cũng như nó mô phỏng địa lý mà những người lính sẽ tìm thấy ở Đông Á. Và quan trọng hơn hết là vịnh Toyon là một nơi khá hẻo lánh với những vách đá dựng đứng bao bọc, thời điểm đó không hề có đường sá để ra vào khu vực này.
Căn cứ Catalina được giữ kín trong suốt thời kỳ Thế chiến II mà ngay cả dân cư địa phương cũng như các viên chức dịch vụ hoạt động trên đảo cũng không hề hay biết gì về sự tồn tại của khu căn cứ. Theo ông Johnny Sampson, chỉ đến thập niên 1980, thông qua các hồ sơ OSS thì căn cứ mới được giải mật.
Quá trình huấn luyện khắc nghiệt
Các lính biệt kích được huấn luyện trên đảo Santa Catalina chủ yếu là thành viên thuộc Đơn vị hàng hải của OSS, nhiệm vụ của họ là chui sâu vào lãnh thổ địch bằng đường biển để hoạt động do thám và phá hoại. Nhằm lấp đầy hàng ngũ của mình, OSS đã tuyển dụng nhiều vận động viên bơi lội chuyên nghiệp trong các lực lượng vũ trang.
Tù binh Hàn Quốc đã được phóng thích sau khi họ cam kết chiến đấu chống lại quân Nhật cũng tham gia khóa đào tạo của OSS trên đảo Catalina. Những người được tuyển dụng có gốc gác tổ tiên là người Nhật như Hamada và Yempuku, đều là các nhà ngôn ngữ và thông dịch viên đa tài, và họ đủ khả năng để luồn sâu vào lãnh thổ do người Nhật kiểm soát. Dick Hamada lớn lên ở Hawaii, nơi mà vào ngày 7-12-1941, khi nhòm vào kính viễn vọng chĩa lên trời đã thấy tận mắt hàng đàn máy bay Nhật oanh tạc Trân Châu Cảng.
Ngay cả những người Mỹ gốc Nhật như Dick Hamada mặc dù bị nhốt trong các trại cải tạo do Mỹ dựng lên thì vẫn tình nguyện phục vụ cho đất nước mình trong tư cách thành viên của OSS và lời đồn đại rằng lính biệt kích chỉ có 10% cơ hội để sống sót. Nhằm cải thiện tỷ lệ cược sinh tử đó, các tân binh đã gian khổ luyện tập chiến đấu tay đôi, mật mã, đọc bản đồ và hoạt động vô tuyến.
Để giúp cơ thể ổn định với ngoại cảnh, những người lính sẽ tập dưỡng sinh trên bãi biển và chạy bộ rất lâu trên các đỉnh núi và men theo các rặng núi ở Catalina. Họ cũng tham gia những bài tập sinh tồn mà thường kéo dài nhiều ngày. Được trang bị chỉ bằng con dao và một sợi dây câu dài, các tân binh sẽ dựng nhà bên trong các hốc núi, kiếm ăn bằng cách thức đi săn lợn lòi và dê rừng. (Catalina cũng là nơi có một đàn bò rừng khá lớn vốn được một đoàn phim Hollywood mang lên đảo khi quay phim ở đây vào năm 1924. Tuy vậy chưa thấy có tài liệu nào đả động tới lính OSS từng bắt bò rừng).
|
Vịnh Toyon trên đảo Catalina, nơi từng đặt căn cứ chính của Cục tình báo chiến lược (OSS, tiền thân của CIA). Ảnh nguồn: Deepblu. |
Ralph Yempuku là một cư dân Hawaii khác lúc nhỏ đã biết bẫy thú rừng và tỏ ra lão luyện như một nhà sinh tồn thật sự. Hamada tỏ ra kém nhiệt tình hơn, nhất là khi cả nhóm lột ra và mổ ruột một con dê. Sau này ông nhớ lại: “Tôi chỉ muốn ói khi đó. Tốt nhất là dùng lựu đạn. Dễ lắm, chỉ cần quăng lựu đạn xuống biển là tha hồ ăn hải sản”.
Các tân binh đã thức trắng nhiều giờ trong đại dương, luyện tập cách bơi vô hình vào bờ, gắn mìn giả vào thân tàu, lặn bên dưới những vũng dầu lửa, hoặc làm nổ tung bản sao các chướng ngại vật của địch. Họ cũng thử nghiệm các khí tài hiện đại như tàu lặn mini, xuồng kayak có thể thu gọn, cùng những loại vũ khí và vật liệu chống nước, cũng như là một trong những người đầu tiên dùng thiết bị lặn thô sơ trong đại dương.
Ông Jon Council, người đứng đầu chương của Hội lặn biển lịch sử Mỹ kiêm điều hành một bảo tàng lặn ở thành phố Avalon nói rằng các tân binh “không phát minh ra thiết bị, nhưng chắc chắn họ đã giảm thiểu kích thước tổng thể của chúng”.
Trước đây các thợ lặn thường dùng mũ bảo hiểm đi kèm với bộ đồ lặn được liên kết với ống và máy bơm oxy nổi; nhưng các biệt kích OSS đã đi tiên phong trong việc dùng những thiết bị tái tạo nhẹ và nhỏ gọn như Đơn vị hô hấp lưỡng cư Lambertsen (LARU) và mặt nạ lặn Desco B-Lung, những thiết bị này giúp cơ động dưới nước dễ dàng hơn và không phát ra bọt khí, làm tăng khả năng tàng hình.
Sau khi trải qua thời gian huấn luyện ở Catalina, phần lớn số biệt kích OSS sẽ được triển khai đến Trung Thái Bình Dương và Đông Á, nơi họ hoạt động trong 2 nhiệm vụ chính là phá hoại cơ sở hạ tầng, kho tàng của địch và chiến tranh du kích.
|
Nằm ở phía khuất gió của đảo Catalina, Trại Cactus từng là nơi đặt cơ sở radar của Quân đoàn tín hiệu quân đội Mỹ. Ảnh nguồn: Catalina Island Museum. |
Vết tích còn lại
Vào cuối Thế chiến II, Tổng thống Truman quyết định giải tán OSS, song di sản Đơn vị hàng hải của nó vẫn trường tồn. Ông Jon Council nhấn mạnh: “Những kỹ thuật phá hủy dưới nước, huấn luyện bơi do thám cùng những phương pháp đi trước khác là dấu tích ban đầu của những gì sẽ phát triển thành Hải quân SEALs sau này”.
Ngày hôm nay, vịnh Toyon là địa điểm dựng nên trại khoa học dành cho trẻ em. Các học sinh sẽ học hành và ngủ nghỉ trong cùng những ngôi nhà từng một thời được sử dụng bởi lính biệt kích OSS; xa hơn trong thung lũng có một sân quần vợt đã được xây dựng nhằm thay thế cho trường bắn cũ.
Không có đài tưởng niệm các biệt kích trên đảo Catalina. Ngoài khơi Avalon có một đống kim loại đổ sụp xuống đáy biển, nó là tàn tích của một chướng ngại vật dưới nước nhằm chuẩn bị cho các lính biệt kích điều hướng trong và ngoài các cảng của địch. Nó là di tích cuối cùng của căn cứ mật Catalina.
Ông Jon Council nói: “Nếu quý vị không biết nó là gì thì cứ cho rằng nó là đống phế liệu gỉ sét dưới nước”.