Người ta đã thấy ông Moon không những có thể "níu" nhà lãnh đạo Triều Tiên thuận lòng ngồi vào bàn đàm phán, mà còn "kéo" được cả Tổng thống Mỹ Donald Trump sát cánh bên ông.
Người tin "trứng có thể chọi đá"
Nếu muốn biết "cái giá" của hòa bình, hãy hỏi một người từng phải tha hương biệt xứ vì chiến tranh, loạn lạc. Hơn ai hết, một người từng sinh ra trong trại tị nạn như ông Moon Jae In thực sự trân quý hai chữ "bình yên".
Cha mẹ ông từng phải tháo chạy khỏi quê hương trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và trong suốt những năm tháng ở Hàn Quốc, họ vẫn khôn nguôi nỗi lòng ngoái về cố quốc. Vậy nên trong cuộc khủng hoảng chung trên bán đảo Triều Tiên, ông Moon có một "mảnh tình riêng" đau đáu trong đó.
|
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp tại Bàn Môn Điếm ngày 27-4 - Ảnh: REUTERS |
Là sinh viên luật vào những năm 1970, từng bị bỏ tù vì tham gia biểu tình phản đối chính sách cầm quyền của tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee, ông Moon là người quá thấm thía những đau đớn có thể phải trải qua khi người ta muốn chiến đấu cho một thực tế tốt đẹp hơn.
Cũng chính người đàn ông này từng chia sẻ khi nói về những năm tháng tuổi trẻ của mình: "Vào thời điểm ấy, người ta bảo việc đó (biểu tình) giống như lấy trứng chọi đá, nhưng tôi vẫn tin vào sức mạnh của những quả trứng". Và rồi ông đã là một nhà hoạt động nhân quyền rồi vượt qua kỳ thi để trở thành luật sư nhân quyền ngay trong thời gian ngồi tù.
Năm 2003 ông trở thành chánh văn phòng cho tổng thống Hàn Quốc, cũng là người bạn từng mở chung văn phòng luật cùng ông tại thành phố Busan, ông Roh Moo Hyun.
Cũng chính ông là người đã tham gia công tác tổ chức cho hội nghị thượng đỉnh năm 2007 giữa ông Roh và chủ tịch Triều Tiên lúc đó là ông Kim Jong Il (cha của nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện tại Kim Jong Un).
Ước mơ hàn gắn
Ngay từ khi lên nắm quyền, ông Moon đã rất nỗ lực thúc đẩy các hoạt động liên lạc với Triều Tiên. Cơ hội đầu tiên để ông thực hiện tham vọng đó đã tới vào tháng 1-2018. Seoul đã nhiều lần thiết tha mời Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc.
Từ khoảnh khắc đoàn vận động viên hai nước tiến bước chung dưới một lá cờ, thế giới đã chứng kiến "lò lửa" căng thẳng Triều Tiên giảm nhiệt dần, và nó cũng đã khởi động những cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai đất nước láng giềng vốn cùng chung dân tộc, ngôn ngữ.
Đỉnh cao cho một chuỗi những nỗ lực hàn gắn, đối thoại đó là "cột mốc lịch sử" ở cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27-4 vừa qua tại khu DMZ giữa hai vị nguyên thủ, cuộc đối thoại đầu tiên ở cấp cao nhất trong hơn một thập kỷ giữa hai đất nước.
Bất chấp còn những nghi ngại, dò xét, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều khẳng định cuộc gặp này đã mở ra một kỷ nguyên mới của thịnh vượng, hòa hợp dân tộc.
Nhưng không chỉ thế, ông Moon cũng được "ghi công" là người đã và đang đóng vai trò kiến tạo cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lẽ dĩ nhiên, bất kể với rất nhiều tín hiệu và động thái tích cực vừa qua, giới quan sát vẫn "hồi hộp" như đi trên băng mỏng trước các diễn biến tiếp theo trên bán đảo Triều Tiên.
Bởi nếu những cuộc đàm phán tiếp theo không diễn ra như kỳ vọng, căng thẳng hoàn toàn có khả năng bùng phát trở lại, đàm phán vẫn có thể "quay ngoắt" thành đe dọa quân sự.
Nhiều người còn nhớ trong một cuốn sách xuất bản năm ngoái, ông Moon chia sẻ cho tới giờ ông vẫn mơ ước một ngày được trở lại quê hương ở Hungnam, Triều Tiên.
Ông viết: "Tôi mong cuối đời sẽ được về sống tại Hungnam để tư vấn luật miễn phí cho mọi người. Khi ngày hòa bình thống nhất tới, việc đầu tiên tôi muốn làm là đưa người mẹ đã 90 tuổi của tôi trở về quê hương".