Tuyên bố trên được Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman đưa ra dựa theo báo cáo của cơ quan đặc nhiệm.
"Bởi vì thông tin của SBI (cơ quan an ninh thông tin, phản gián) không mang tính bí mật nên tôi có thể nói. Từ tháng 11 năm 2017, chất độc A-230 đã được thử nghiệm tại Viện Nghiên cứu của Bộ Quốc phòng ở Brno", kênh Barrandov dẫn lời ông Zeman.
|
Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman. |
Tổng thống Zeman cũng để ý đến vấn đề phân loại chất độc. Theo ông, các tài liệu của tình báo quân sự cho rằng chất A-230 hoàn toàn tương tự như Novichok.
Một báo cáo khác, được cung cấp bởi Cơ quan An ninh – phản gián Czech, cho rằng, các tác nhân thần kinh được sản xuất và thử nghiệm ở Brno không phải là Novichok mà là một số chất khác.
Sau khi nghiên cứu cả hai báo cáo, Tổng thống Zeman vẫn quyết định đồng ý với báo cáo của tình báo quân sự.
“Sẽ là đạo đức giả nếu giả vờ như không phải vậy”, Tổng thống Zeman nhấn mạnh.
"Vì tình báo quân sự tiếp cận vấn đề này gần hơn với tình báo phản gián, tôi đưa ra kết luận: chúng tôi có một số lượng nhỏ Novichok được sản xuất và thử nghiệm, và sau đó chúng bị tiêu hủy. Chúng tôi biết chúng bị tiêu hủy khi nào và ở đâu", ông Zeman kết luận.
|
Cựu điệp viên Skripal bị đầu độc ở Anh. |
Cuối tháng Ba, thư ký báo chí của Tổng thống Czech Jiří Ovčáček cho biết cơ quan an ninh phản gián của nước này đã bắt đầu điều tra về việc phát triển hoặc lưu trữ chất độc Novichok trên lãnh thổ của nước cộng hòa.
Vào tháng 3, ông Zeman đã ra lệnh tìm hiểu liệu Novichok có thực sự được sản xuất tại Cộng hòa Czech hay không nhưng chính phủ Czech, trong đó có Thủ tướng Andrej Babis cùng với các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng đã kịch liệt bác bỏ đề xuất này.
Việc yêu cầu điều tra xuất phát từ sau khi một số nhà ngoại giao Nga nói Cộng hòa Czech nằm trong số những quốc gia có khả năng sản xuất các tác nhân thần kinh mà có thể được dùng trong vụ tấn công cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái ông này ở Anh vào tháng 3.
Vụ việc đã gây ra một xung đột ngoại giao lớn chưa từng thấy giữa Nga và các nước phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh, trong đó, chính quyền Anh cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ việc nhưng không cung cấp bất kỳ bằng chứng vững chắc nào để chứng minh tuyên bố này. Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đề cập đến Cộng hòa Czech là một trong số các nước có thể sản xuất hóa chất có các đặc tính của chất độc được sử dụng trong vụ ám sát cựu điệp viên Sergei Skripal ở Anh và con gái Yulia Skripal.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ không phổ biến và Kiểm soát Vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Ermakov tuyên bố rằng Moscow không có ý đổ lỗi cho Prague trong vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc ở Anh.